Đà Nẵng giữ vững thương hiệu Thành phố thông minh

.

Thành phố Đà Nẵng đoạt giải thưởng  “Thành phố thông minh Việt Nam 2023”, theo công bố của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA). Đây là lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng đoạt được giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (IOC) được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2023 đã phát huy công tác giám sát, lãnh đạo điều hành thông qua các thiết bị thông minh. Ảnh: IOC
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (IOC) được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2023 đã phát huy công tác giám sát, lãnh đạo điều hành thông qua các thiết bị thông minh. Ảnh: IOC

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn được trao 3 giải thưởng chuyên đề, gồm: Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.

Nhiều nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Giải thưởng cũng khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến; là kênh kết nối cung cầu, hợp tác xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Như vậy, kể từ khi giải thưởng được VINASA tổ chức lần đầu tiên đến nay, Đà Nẵng đều được vinh danh là thành phố thông minh (4 năm liên tiếp từ 2020-2023).

Để có kết quả trên, Đà Nẵng sớm hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh. Hiện nay, ngoài hạ tầng mạng đô thị (mạng MAN) với tổng chiều dài 450km cho 191 cơ quan sử dụng, thành phố đang triển khai dự án mở rộng Trung tâm dữ liệu với kinh phí 68 tỷ đồng.

Trong đó, bổ sung 13 máy chủ với khoảng 130TB lưu trữ, sau khi hoàn thành, năng lực Trung tâm dữ liệu tăng lên 200 máy chủ, khả năng lưu trữ lên gần 300TB. Song song đó, thành phố đang triển khai dự án đầu tư mở rộng hệ thống truyền hình trực tuyến với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, đầu tư thiết bị đầu cuối đến tất cả 56 phường, xã, các cơ quan khối Đảng, tổ chức đoàn thể.

Năm 2023, thành phố triển khai, cập nhật thêm nhiều tính năng nền tảng dùng chung như quan trắc, giám sát đỗ xe, giám sát tàu thuyền, nền tảng Cổng dữ liệu mở, ứng dụng di động đa dịch vụ Danang Smart City, nền tảng Danang Chain… Hiện Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) có 15 nhóm dịch vụ thông minh phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Bên cạnh đó, các CSDL nền (công dân, doanh nghiệp…) được chuẩn hóa, hoàn thiện: thành phố hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết Trung tâm Hành chính thành phố với CSDL quốc gia về dân cư với khoảng 150.000 giao dịch; Cổng dữ liệu mở có gần 1.000 bộ dữ liệu (tăng 400 bộ so với năm 2021)… Đến nay, Đà Nẵng hoàn thành 11/11  nhiệm vụ, mục tiêu đến năm 2025 giao cho các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Các đoàn viên thanh niên ứng dụng công nghệ để tiến hành số hóa địa chỉ đỏ, tích hợp vào QR code. Ảnh: MAI QUẾ
Các đoàn viên thanh niên ứng dụng công nghệ để tiến hành số hóa địa chỉ đỏ, tích hợp vào QR code. Ảnh: MAI QUẾ

Tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số

Ông Thống Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Selly (quận Hải Châu) cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ, phát triển rất nhiều qua những buổi tập huấn, đào tạo, hội thảo nâng cao trình độ và năng lực công nghệ, an toàn thông tin, nhờ vậy doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số. Hiện kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, vì vậy doanh nghiệp cũng gặp khó trong tiếp cận cũng như mở rộng thị trường. Doanh nghiệp đề xuất thành phố đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút thêm nguồn lực và kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để hỗ trợ triển khai đề án thành phố thông minh trong khối doanh nghiệp; bên cạnh đó có thêm chính sách phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn ông Nguyễn Trọng Tín, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Công nghệ Onemore (quận Thanh Khê) nhận định, thành phố có những bước chuyển rất nhanh trong việc xây dựng thành phố thông minh, tuy vậy, về phía các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn rào cản trong triển khai chuyển đổi số cũng như lực lượng nhân lực công nghệ cao còn mỏng. Ông Tín đề xuất thành phố cần có những chính sách, đãi ngộ nhằm thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng chương trình, thiết bị thông minh; tiếp tục quan tâm, tăng cường kết nối CSDL quốc gia về dân cư.

Bà Trần Hạnh Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển CNTT Enouvo đánh giá, nhiều ứng dụng được thành phố triển khai thời gian qua như đo lượng mưa, mức ngập trên ứng dụng Danang Smart City; nền tảng công dân số My Portal… đều được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Để phát huy thêm những kết quả đạt được, bà Trang đề xuất thành phố tăng cường kết nối, hợp tác với các đô thị thông minh trong và ngoài nước tiêu biểu như Nhật Bản và Hàn Quốc - các nước có nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng, qua đó học tập kinh nghiệm để ứng dụng những mô hình thành công, khả thi tại Đà Nẵng. Thành phố cũng cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp thông tin, qua đó vừa phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, vừa phát huy và tận dụng nguồn lực tại chỗ.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc tiếp tục được vinh danh là “Thành phố thông minh” lần thứ 4 nhờ đóng góp tích cực, đồng thuận từ cơ quan quản lý Nhà nước và người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân số và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đưa công nghệ tới gần các tầng lớp. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan phát huy hiệu quả các trung tâm điều hành, trung tâm dữ liệu, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng công nghệ, sử dụng, khai thác dữ liệu số và công nghệ số để tối ưu hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Các giải thưởng, danh hiệu liên quan thành phố thông minh mà Đà Nẵng đạt được
13 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index); 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ; 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 2 năm liên tiếp (2022-2023) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”; Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất diễn ra tháng 9-2023…

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.
dịch vụ in card visit