Trong quá trình chuyển đổi số, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại thành phố Đà Nẵng, việc chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đang gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền và doanh nghiệp. Đã có nhiều giải pháp được chính quyền, doanh nghiệp đặt ra nhưng phải chờ đợi các bộ, ngành cho ý kiến.
Việc xây dựng, cấp nguồn mở cho hệ thống cơ sở dùng chung sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán trong quá trình chuyển đổi số tại Đà Nẵng. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Khó khăn trong xây dựng hệ thống dữ liệu số
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, thành phố đã có nhiều thành tích nổi bật về chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống, hạ tầng số nổi bật như: xây dựng thành phố thông minh; đạt tỷ lệ lấp đầy 99% tại Công viên phần mềm số 1; khánh thành dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp các thiết bị công nghệ gắn kết bề mặt (SMT); phủ sóng, phát triển hạ tầng viễn thông… Song, việc chuyển đổi số tại Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là khi các bộ, ngành vẫn chưa thiết lập, cấp quyền hoạt động danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung để các địa phương triển khai áp dụng, xây dựng nền tảng dữ liệu số. Việc chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương tạo ra nhiều vấn đề liên quan về mức độ mở của dữ liệu, các chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, tạo nguồn thu để duy trì, phát triển dữ liệu số.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Công ty CP truyền thông và công nghệ Onemore, việc chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung khiến các các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu thập, khai thác thông tin để tạo ra giá trị, sản phẩm mới.
“Hiện tại, các dữ liệu của doanh nghiệp đang tự khai thác, khảo sát tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Những doanh nghiệp như chúng tôi rất mong muốn sớm được truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để tiếp cận thông tin mở, chính xác từ nguồn chính thống”, ông Tín nói.
Còn ông Thống Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Selly, cho biết đang chờ một chính sách từ cấp Trung ương, địa phương về việc khơi thông hệ thống dữ liệu dùng chung khi từ trước đến nay, thông tin chỉ được truyền một chiều từ cấp cơ sở lên cấp cao hơn. Trong khi đó, khi doanh nghiệp cần thu thập, khai thác thông tin thì gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có một cơ sở dữ liệu dùng chung từ các cấp có thẩm quyền.
Để giải quyết khó khăn vướng mắc này, ngày 11-12-2023, Sở TT&TT có Công văn số 3132/STTTT-VP báo cáo, đề xuất, kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng hệ thống danh mục CSDL dùng chung cấp bộ, ngành để các địa phương triển khai, áp dụng, xây dựng CSDL dùng chung của địa phương, bảo đảm tính thống nhất về dữ liệu, đối tượng quản lý từ Trung ương đến địa phương. Thời gian tới, Bộ TT&TT sớm rà soát, tổng hợp và đầu mối cùng với một số địa phương làm việc với từng bộ, ngành để giải quyết vướng mắc, thống nhất chia sẻ dữ liệu cho địa phương.
Xây dựng hệ thống hạ tầng, chính sách để phát triển dữ liệu số
Từ đầu năm 2023, UBND thành phố đã triển khai thêm nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công, giảm tình trạng người dân đến tập trung chờ ở khu vực một cửa khi có đột biến nhu cầu như: cấp lý lịch tư pháp gồm: rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu số; sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ giấy, không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận thông tin cư trú khi thông tin tra cứu được từ CSDL quốc gia về dân cư với mục tiêu củng cố, xác thực nguồn thông tin bảo đảm chính xác khi đưa lên hệ thống dữ liệu quốc gia.
Cũng theo đó, Sở TT&TT đã khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 đối với các thủ tục hành chính (TTHC). Việc bổ sung cán bộ bưu điện, đại lý dịch vụ công trực tuyến trong nhận hồ sơ tại khu vực một cửa đã giúp cải thiện, phát huy hiệu quả dịch vụ giao, nhận hàng hóa, bưu kiện. Mặt khác, sở đã đưa vào sử dụng chức năng mới về thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công cho người dân qua ứng dụng Zalo. Vừa qua, thành phố đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản điện tử trong việc gửi, nhận liên thông tài liệu, văn bản ở các cơ quan chính quyền.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã (89 đơn vị) và trường mầm non trên địa bàn đã và đang sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, sở đã đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 29/56 TTHC (tỷ lệ thời gian trung bình đã giảm là 44,6%); giảm thành phần hồ sơ, giảm thông tin khai báo trên cơ sở sử dụng dữ liệu số đối với 16 TTHC; hoàn thành tạo lập mẫu đơn, tờ khai điện tử cho 14 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở. Sở rà soát, chuẩn hóa, cấu hình liên thông đối với 6 TTHC mà Sở TT&TT đang tiếp nhận giải quyết, thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố, thực hiện theo cơ chế một cửa tại Văn phòng UBND thành phố; hoàn thành rà soát 6/6 TTHC nội bộ; kiến nghị đơn giản hóa 2/6 TTHC, đạt tỷ lệ 33,3%.
CHIẾN THẮNG