Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế toàn thành phố. Thành phố đang nỗ lực bứt phá với động lực là hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, chính sách cởi mở, thông thoáng, nguồn nhân lực trình độ cao... nhằm mục tiêu đưa kinh tế số trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế.
Với việc tăng cường đầu tư mạnh vào kinh tế số, kinh tế Đà Nẵng tạo ra động lực mới để phát triển. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Kinh tế số dần khẳng định vai trò quan trọng
Những năm gần đây, tỷ trọng của kinh tế số trong cơ cấu tổng thu nhập tính đến năm 2023 chiếm 19,76% GRDP thành phố. Có được kết quả này đến từ việc thành phố đã đầu tư mạnh vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Hiện tại, thành phố có 3 khu công nghệ thông tin tập trung (Khu công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng và FPT Complex) đã được khai thác và 1 dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đưa vào hoạt động (Khu công viên phần mềm số 2). Ngoài ra, một số dự án từ bên ngoài bên ngoài không do vốn đầu tư thành phố như tòa nhà phần mềm và công nghệ cao của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Khu công nghệ thông tin Da Nang Bay của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang trợ lực cho hạ tầng sẵn có của thành phố và góp phần đa dạng không gian cho hoạt động phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Về doanh nghiệp và nhân lực công nghệ số, thành phố có hơn 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân; tổng nhân lực công nghệ thông tin tính đến cuối năm 2023 khoảng 50.000 người, chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn đã có sản phẩm bao phủ hầu hết tại các tỉnh, thành phố toàn quốc, một số đã phát triển ra nước ngoài. Về hợp tác kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm điện tử, sản phẩm số, sản phẩm công nghệ, thị trường Nhật Bản và Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất khi đều chiếm 36% lượng đơn hàng, các nước liên minh châu Âu - EU chiếm 16%, các nước châu Á khác như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... chiếm 12%.
Nỗ lực để đưa kinh tế số tới năm 2030 chiếm 30% GRDP
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số sẽ đóng góp ít nhất 30% vào GRDP, cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, có khả năng kết nối chặt chẽ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 22% GRDP toàn ngành. Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết cần phải giải quyết bài toán về chính sách, phương thức hỗ trợ. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp các đề xuất tham mưu tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp hệ thống chính sách, tạo điều kiện phát triển kinh tế số. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư tập trung vào các dự án và sáng kiến đã, đang được triển khai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, mang lại hiệu quả cao, trong đó ưu tiên việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dữ liệu số phục vụ chỉ đạo và điều hành, phát triển kinh tế số, thực hiện các chỉ tiêu về xã hội số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số.
Thành phố đã nỗ lực trong quá trình nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số. Ngày 2-5-2024, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 2238/UBND-STTTT về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số Cộng đồng và đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong triển khai chuyển đổi số tại địa phương năm 2024 với quan điểm “chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”. Văn bản này ngoài việc nâng cao trách nhiệm, nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Trong quá trình phát triển kinh tế số, việc bảo đảm ninh mạng, an toàn thông tin cho các hoạt động cũng được thành phố chú trọng. Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách, hạ tầng, nguồn lực, an ninh mạng, có thể thấy thành phố đang hướng đến những mục tiêu lớn hơn, kỳ vọng phát triển kinh tế số bền vững. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu và là động lực quan trọng để Đà Nẵng thực hiện mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Với sự quyết tâm của chính quyền, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân, Đà Nẵng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế số bứt phá trong năm 2024.
CHIẾN THẮNG