Theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 15-4-2024 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn năm 2024 có 48 chỉ tiêu chuyển đổi số cần thực hiện trong năm, qua đó tập trung khai phá những động lực tăng trưởng mới.
Các lập trình viên tham gia cuộc thi AI Hackathon do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Google Developer Group MienTrung và Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức cuối năm 2023. Ảnh: M.Q |
Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả
Theo báo cáo phục vụ cho phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vào cuối tháng 4-2024, Đà Nẵng được đánh giá là điển hình về phát triển dữ liệu số. Theo đó, thành phố hiện có 94% tổng số thủ tục hành chính đã được cung cấp là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên xây dựng và triển khai kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức trên nền tảng Công dân số (congdanso.danang.gov.vn), cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ như căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe… đã được số hóa lên kho dữ liệu điện tử.
Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu. Đây là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân; hướng đến hình thành công dân số, phát triển xã hội số.
Đà Nẵng cũng là điển hình về triển khai dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến sẽ đưa lên cung cấp trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân sử dụng. Đến nay đã có 98% tổng số thủ tục hành chính đã được cung cấp là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Thành phố đã ban hành nghị quyết về chính sách giảm lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giảm đến 50% thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với trực tiếp... Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai tích cực nhiệm vụ được Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số giao thành phố chủ trì là “Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình”.
Theo đó, Đà Nẵng đã triển khai 12 mô hình chuyển đổi số, gồm: chuyển đổi số gắn với chủ trương, mục tiêu lớn trong phát triển thành phố; chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị; chuyển đổi số trong các lĩnh vực đặc thù của thành phố; mô hình IOC và trung tâm giám sát điều hành chuyên ngành quận, huyện; triển khai kho kết quả thủ tục hành chính số, kho dữ liệu người dân; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; mạng Lora vô tuyến miễn phí để huy động cộng đồng phát triển các dịch vụ, tiện ích số; nền tảng blockchain để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dùng chung; triển khai các khu công viên phần mềm và khu công nghệ thông tin để phát triển kinh tế số; triển khai ứng dụng đa tiện ích Danang Smartcity; nền tảng hành trình số sử dụng định vị, rút ngắn thời gian cấp cứu...
Tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Theo Kế hoạch số 93/KH-UBND, có 48 chỉ tiêu chuyển đổi số gồm 20 chỉ tiêu chính quyền số, 12 chỉ tiêu kinh tế số và 16 chỉ tiêu xã hội số; trong đó 23 tiêu chí của riêng thành phố đặt ra. Nhiều chỉ tiêu thành phố đã sớm hoàn thành hoặc vượt xa kết quả toàn quốc năm 2023 như: 94% tỷ lệ hồ sơ hành chính công trực tuyến, trong khi mục tiêu thành phố năm 2025 là 90% (toàn quốc là 60%); 100% báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện trực tuyến (toàn quốc là 50%); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP là 19,76% (toàn quốc là 14%); 98,8% hộ gia đình có đường cáp quang Internet băng thông rộng (toàn quốc là 85%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác (toàn quốc là 75%)…
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 93/KH-UBND đặt ra 11 mục tiêu chuyển đổi số: thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, nhận thức số, nền tảng số cơ bản, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trong năm, sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06; hỗ trợ, phổ cập điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”…
Ngoài ra, sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, giải pháp trong kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 thì tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 25%. Trong Thông báo số 102/TB-BTTTT ngày 19-4-2024 về thông báo nội dung thống nhất giữa Bộ TT&TT và UBND thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc ngày 21-3-2024, Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ Đà Nẵng về mặt kỹ thuật, giới thiệu quỹ đầu tư, cử nhân lực cùng triển khai và chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đánh giá, kinh nghiệm hoặc hướng dẫn để Đà Nẵng đạt mục tiêu phát triển thành phố thông minh và cơ bản hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030.
Trong năm 2024, Bộ TT&TT ưu tiên hỗ trợ, đồng hành triển khai một số giải pháp cụ thể: thêm trạm cáp quang quốc tế cập bờ; thúc đẩy sử dụng chữ ký số và dịch vụ tin cậy; phân tích kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực và có khuyến nghị giải pháp, nhiệm vụ cụ thể; sử dụng kho dữ liệu cá nhân và biểu mẫu tương tác điện tử trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại Đà Nẵng.
MAI QUẾ