Các quận, huyện đang nỗ lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của địa phương, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số của thành phố trong năm 2024.
Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” UBND quận Thanh Khê. Ảnh: M.Q |
Với mục tiêu người dân quan tâm và tiếp cận nhiều hơn chuyển đổi số, quận Thanh Khê đặt chỉ tiêu xã hội số lên cao nhất với 13 chỉ tiêu, tiếp theo là 11 chỉ tiêu chính quyền số và 4 chỉ tiêu kinh tế số, tổng cộng 28 chỉ tiêu chuyển đổi số. Một số chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành từ năm 2023 sẽ đặt mục tiêu áp dụng triển khai trong thực tế như: Các cơ sở khám chữa bệnh, trường học đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt khoảng 50%; 60%; các trường THCS được tập huấn ít nhất 1 lần về chuyển đổi số, an toàn thông tin… Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, để đạt 28 chỉ tiêu chuyển đổi số, quận nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ về thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, nhận thức số, dữ liệu số, trong đó một số giải pháp cụ thể như ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi số (chính sách hỗ trợ chi phí dịch vụ bưu chính công ích, chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến); triển khai khai thác cơ sở dữ liệu của thành phố (dân cư, doanh nghiệp, đất đai ) để thay thế thành phần hồ sơ thủ tục hành chính.
Quận Sơn Trà đặt 27 chỉ tiêu chuyển đổi số, cụ thể: 12 chỉ tiêu chính quyền số, 4 chỉ tiêu kinh tế số và 11 chỉ tiêu xã hội số. Theo ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận, thời gian tới, quận triển khai cung cấp thêm mới ít nhất 2 danh mục dữ liệu mở, bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước phát triển, cung cấp dữ liệu mở theo danh mục dữ liệu mở thành phố phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; triển khai 100% các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước được đánh giá và gắn nhãn tín nhiệm mạng; tiếp tục đa dạng hóa truyền thông chuyển đổi số thông qua mạng xã hội, truyền thanh lưu động và các điểm hướng dẫn tại khu dân cư. Quận hướng tới mục tiêu mỗi người dân trưởng thành có một danh tính số, tài khoản số, có một chữ ký số cá nhân để sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ/tiện ích số.
Trong khi đó, quận Hải Châu đặt ra 26 chỉ tiêu chuyển đổi số gồm: 13 chỉ tiêu chính quyền số, 4 chỉ tiêu kinh tế số và 9 chỉ tiêu xã hội số. Trong đó, một số chỉ tiêu riêng có của quận Hải Châu như: 50% hộ kinh doanh có một tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, 35% cơ sở dịch vụ ăn uống có thể truy suất nguồn gốc xuất xứ bằng mã QR... Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số, quận tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số như bổ sung lắp đặt hệ thống giám sát hệ thống camera an ninh trên địa bàn, nâng cấp phần mềm quản lý đô thị thông minh và triển khai hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thông minh quận OC. Bên cạnh đó, quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở buôn bán, kinh doanh tăng thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số với nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn quận Hải Châu hầu như mỗi phường đều có tuyến phố thanh toán không tiền mặt như phố: Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trứ, Lê Đình Dương, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Được biết, toàn quận hiện có 16 tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt.
Quận Cẩm Lệ đặt ra 23 chỉ tiêu chuyển đổi số, cụ thể: 12 chỉ tiêu kinh tế số, 3 chỉ tiêu kinh tế số và 8 chỉ tiêu xã hội số. Ông Ngô Ngọc Hâu, Phó Chủ tịch UBND quận cho hay, để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, quận sớm triển khai thực hiện các nghị quyết chính sách hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 (đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2023); nghị quyết hỗ trợ hộ dân, người dân có điện thoại thông minh sau khi UBND thành phố ban hành chính thức. Hiện quận tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành cung cấp các dữ liệu liên quan để phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung toàn thành phố.
MAI QUẾ