Giới thiệu các giải pháp xử lý bùn thải, rác thải cây xanh và khả năng áp dụng tại Đà Nẵng

.

ĐNO - Ngày 7-6, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng tổ chức hội thảo về tiếp cận kinh tế tuần hoàn từ xử lý bùn thải, rác thải cây xanh và khả năng áp dụng tại thành phố Đà Nẵng.

Ông Makoto Tokuoka cùng cộng sự ở Công ty Mikunya (Nhật Bản) giới thiệu kết quả áp dụng thiết bị làm giảm sinh khối hữu cơ Mishimax. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ông Makoto Tokuoka cùng cộng sự ở Công ty Mikunya (Nhật Bản) giới thiệu kết quả áp dụng thiết bị làm giảm sinh khối hữu cơ Mishimax. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hiện ở thành phố Đà Nẵng, bùn thải đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với nhiều nhược điểm như: chiếm diện tích đất lớn tại các đô thị, phát sinh nước rỉ rác với chi phí xử lý cao, tăng lượng phát thải khí nhà kính...

Tại hội thảo, một số chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đã giới thiệu các giải pháp xử lý bùn thải, rác thải cây xanh đang được áp dụng trên thế giới và đề xuất một số giải pháp áp dụng tại thành phố Đà Nẵng.

Ông Makoto Tokuoka cùng cộng sự ở Công ty Mikunya (Nhật Bản) giới thiệu kết quả áp dụng thiết bị làm giảm sinh khối hữu cơ Mishimax do công ty phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng triển khai xử lý bùn thải cho các trạm xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

Theo đó, thiết bị này có công nghệ phân hủy bùn thải kết hợp dăm gỗ tuyết tùng được lên men hiếu khí nhiệt độ cao làm giảm khối lượng bùn thải lên đến 90% khối lượng do phân hủy thành phần hữu cơ và tăng sự bay hơi khi cấp khí gia nhiệt, giảm diện tích chôn lấp bùn thải, giảm phát thải khí nhà kính...

10% khối lượng bùn còn lại được sử dụng làm phân bón hữu cơ để trồng cây cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây trồng và giảm vi khuẩn gây hại do trải qua quá trình hiếu khí với nhiệt độ cao cũng như kiểm soát được mùi phát sinh trong quá trình phân hủy bùn.

Qua quá trình nghiên cứu, thí điểm tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, bước đầu, có thể thay thế dăm gỗ tuyết tùng của Nhật Bản bằng một số loại dăm gỗ cây xanh đô thị (dăm gỗ bạch đàn, keo, xà cừ) sau quá trình cắt tỉa hoặc thu dọn cây xanh ngã đổ do bão để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Đại diện công ty cũng chia sẻ khả năng chuyển giao công nghệ xử lý bùn thải bằng thiết bị Mishimax một cách khả thi cho Việt Nam nhằm làm giảm khối lượng bùn thải và tăng cường khả năng tái chế bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cũng như việc xử lý, tái chế rác thải thực phẩm từ các chợ và nhà hàng.

PGS.TS Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng chia sẻ một số kết quả nghiên cứu về ủ các loại bùn thải, phân bùn bể phốt và rác cây xanh bằng phương pháp ủ Co-Composting hiếu khí nhằm tái sử dụng bùn thải và rác thải cây xanh đô thị, giảm nước rỉ rác phát sinh, thu hồi được tài nguyên và giảm được khối lượng lớn khí nhà kính.

TS. Gogina Elena Sergeevna đến từ Trung tâm Khoa học NIISF RAASN (Liên bang Nga) giới thiệu các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật của Liên bang Nga về công nghệ nhiệt sinh học phân hủy chất hữu cơ có trong bùn thải (composting) đối với phương pháp xử lý sấy và xử lý đốt tan chảy.

Những phương pháp xử lý, tái chế bùn thải và rác cây xanh được giới thiệu tại hội thảo được các chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng sẽ thay thế phương pháp chôn lấp hiện nay và an toàn, thân thiện môi trường.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.