Tiếp sức để phụ nữ phát triển kinh tế qua công nghệ số

.

Các cấp hội phụ nữ thành phố triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa phương thức hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và tham gia vào thương mại điện tử. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thành phố đầu năm 2024. Ảnh: X.D
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thành phố đầu năm 2024. Ảnh: X.D

Đồng hành nữ tiểu thương

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 74 chợ các loại (2 chợ đầu mối, 6 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2, 42 chợ hạng 3 và 5 chợ tạm) với hơn 22.000 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán. Sau Covid-19 xu hướng thương mại công nghệ số lên ngôi, nhu cầu mua sắm online trở thành thói quen không thể thiếu của người tiêu dùng. Điều này bắt buộc các tiểu thương phải thay đổi, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Nắm bắt được xu thế trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố và Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ nữ tiểu thương tại các chợ truyền thống phát triển, giai đoạn 2024-2026.

Hai đơn vị tập trung nâng cao năng lực của các nữ tiểu thương qua các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng trong kinh doanh của các nữ tiểu thương về thương mại điện tử, livestream bán hàng. Cùng với đó, kết nối chương trình tour du lịch về các chợ truyền thống; hướng dẫn về kỹ năng kinh doanh đăng trên các trang mạng. Đồng thời, phối hợp các tiktoker hỗ trợ quảng bá chợ truyền thống.

Để hiện thực hóa các nội dung trên, đầu tháng 5-2024, Hội LHPN thành phố và Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng phối hợp một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tập huấn cho hơn 100 nữ tiểu thương các chợ trên địa bàn. Nội dung trọng tâm là hướng dẫn các nữ tiểu thương bán hàng trên facebook và zalo, sàn thương mại điện tử; cách bảo mật khi kinh doanh online. Bên cạnh đó, từ tháng 5 đến tháng 10-2024, Hội LHPN thành phố sẽ phát các video clip hướng dẫn nữ tiểu thương cách để vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh truyền thống, vừa bán hàng online hiệu quả. Chị Khuất Thị Hiền Quyên, tiểu thương ngành hàng nem chả tại chợ Cồn cho rằng, thời điểm hiện nay, buôn bán trên các nền tảng số là phương án tối ưu, giúp mở rộng nguồn khách hàng.

Tuy nhiên, những tiểu thương lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, cũng như ứng dụng công nghệ đúng cách. Vì vậy, những hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nữ tiểu thương chuyển đổi số là rất cần thiết, ý nghĩa. “Qua lớp tập huấn, chúng tôi đã có thêm kiến thức, kỹ năng bán hàng, cách ứng dụng công nghệ số để tạo thêm đầu ra hàng hóa. Tôi sẽ cố gắng áp dụng những kiến thức được học, nhanh chóng bắt kịp xu thế mới để công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi”, chị Quyên khẳng định.

Khai thác hiệu quả nền tảng số

Kinh tế số là một trong ba trụ cột trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, giúp chị em thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Nhận thức được điều này, Hội LHPN thành phố chỉ đạo các cấp hội tập trung thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và đề án “Xây dựng mạng lưới kết nối nữ doanh nhân, nữ tiểu thương và phụ nữ khởi nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giai đoạn 2022-2026”, gắn với chuyển đổi số.

Phó trưởng ban gia đình, xã hội - kinh tế (Hội LHPN thành phố) Đỗ Thị Ngọc Hoa cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có gần 9.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ, hơn 22.000 tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống, gần 1.000 phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2024, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh/phụ nữ khởi nghiệp nâng cao năng lực, hỗ trợ vốn, kết nối đầu ra sản phẩm, Hội LHPN thành phố tập trung hỗ trợ nữ tiểu thương tại các chợ truyền thống chuyển đổi số. Ngoài ra, tổ chức các sự kiện như: ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp để tăng tốc và bứt phá”, “Nữ thương nhân với các nền tảng số”... nhằm tạo điều kiện để hội viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển kinh tế từ công nghệ số.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Huyền, lực lượng phụ nữ làm kinh tế tại Đà Nẵng khá đông; doanh nghiệp do phụ nữ quản lý tạo ra được giá trị của cải vật chất và giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hội LHPN thành phố tổ chức và chỉ đạo các cấp hội thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ hội viên tham gia kinh tế số, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại địa phương. Đặc biệt, chỉ đạo các cấp hội chủ động trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ số trong quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp của chị em; duy trì mô hình cố vấn phụ nữ khởi nghiệp qua nhóm zalo và facebook...

“Chuyển đổi số giúp cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trở nên công khai, minh bạch, tạo sự công bằng cho chị em. Hội LHPN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ chị em ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp hội viên có nhu cầu làm kinh tế tiếp cận nhiều hơn với công nghệ số, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố và đất nước”, bà Huyền nhấn mạnh.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.