Đi trước, đón đầu với chuyển đổi số

.

Triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới; tiếp tục phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, sàn giao dịch thương mại điện tử... là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà thành phố cần tập trung thực hiện và được đề cập trong Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

UBND quận Liên Chiểu đã ra mắt đội thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” để phát huy vai trò của sức trẻ vào phát triển 3 hạng mục: kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ảnh: CHIẾN THẮNG
UBND quận Liên Chiểu đã ra mắt đội thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” để phát huy vai trò của sức trẻ vào phát triển 3 hạng mục: kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ảnh: CHIẾN THẮNG

53 chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2025

Xác định chuyển đổi số cần “đi trước, đón đầu”, ngày 14-11-2024, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2025 với chủ đề “Tập trung xây dựng xã hội số; phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.

Kế hoạch đặt ra 53 chỉ tiêu gồm: 25 chỉ tiêu chính quyền số, 12 chỉ tiêu kinh tế số và 16 chỉ tiêu xã hội số; trong đó 22 tiêu chí của riêng thành phố. Đồng thời, kế hoạch đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025: tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số; thể chế, chính sách số; hạ tầng số; nhân lực số; phát triển dữ liệu số; an toàn thông tin mạng; Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số; nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin.

Trong đó, một số nhiệm vụ quan trọng cần sớm triển khai là: tháng 1-2025, đưa khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung - Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 vào vận hành, khai thác để tạo hạ tầng thúc đẩy phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, CNTT, điện tử, viễn thông theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị; tháng 3-2025, bảo đảm trung tâm dữ liệu thành phố phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; tháng 6-2025, cập nhật, xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phiên bản 3.0 theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam…

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết năm 2025, sở xây dựng đề án chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, định hướng năm 2035. Về Chính phủ số, thành phố tiếp tục triển khai, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo trong quản lý, điều hành. Về kinh tế số, sở phối hợp với các sở, ban, ngành phát triển kinh tế số các lĩnh vực, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistics, công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông… Đặc biệt chú trọng phát triển xã hội số, thiết lập, phát triển không gian chuyển đổi số, trải nghiệm sản phẩm số, dịch vụ công nghệ số để tổ chức, người dân dễ tiếp cận.

Hướng tới chuyển đổi số toàn diện

Đầu tháng 12-2024, tại lễ trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam lần thứ 5 - năm 2024 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, Đà Nẵng lần thứ 5 được vinh danh là “Thành phố thông minh Việt Nam” - giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nhận định Đà Nẵng xứng đáng là địa phương 5 năm liền đạt giải thành phố thông minh.

Một trong những yếu tố hàng đầu giúp Đà Nẵng đạt được giải thưởng này chính là sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố. Chính quyền Đà Nẵng không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và phát triển kinh tế, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, giúp tăng cường khả năng kết nối và truyền tải dữ liệu.

Để xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, thúc đẩy và ứng dụng công nghệ mới AI vào chính quyền điện tử, Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược và chính sách rõ ràng, bám sát Kết luận số 79-KL/TW và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Thành phố hoàn toàn có thể nâng cao vai trò, đóng góp của bộ phận doanh nghiệp đối với sự phát triển chung.

Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào nâng cấp, cải thiện hạ tầng công nghệ để đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng; bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư để bảo đảm rằng dữ liệu được thu thập và sử dụng một cách minh bạch và có sự đồng ý của người dùng; phát triển nguồn nhân lực về AI và công nghệ số; khuyến khích hợp tác với các trường đại học trên địa bàn và tổ chức quốc tế để phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về AI; tăng cường hợp tác quốc tế qua việc tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về AI để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ tiên tiến; nâng cao nhận thức và kỹ năng về lợi ích và ứng dụng của AI bằng việc cung cấp tài liệu hướng dẫn và các khóa học trực tuyến miễn phí, trợ giá; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các sáng kiến, dự án thí điểm sử dụng AI trong các cơ quan Nhà nước.

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng để phát triển kinh tế số, người đứng đầu các cấp ở địa phương phải trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng để từ đó chỉ đạo thúc đẩy. Kinh tế số với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số là nòng cốt, sử dụng dữ liệu số và công nghệ số để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động vào tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, vì vậy, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, nhân rộng các mô hình như “nhà máy thông minh”...

Về xã hội, Đà Nẵng cần tăng hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng; triển khai tích hợp chữ ký số và các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các dịch vụ sự nghiệp y tế, giáo dục và miễn phí 100% cho người dân; tích hợp chữ ký số vào các ngành: ngân hàng, điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, an ninh xã hội, lao động...; triển khai các nền tảng đào tạo mở trực tuyến đại trà miễn phí 100% cho người dân.

MINH LÊ - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.