Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính.
Hoạt động kết nối doanh nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố SURF năm 2024. Ảnh: M.QUẾ - C.THẮNG |
Chú trọng phát triển khoa học công nghệ
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngành KH&CN đóng góp ổn định bền vững, tham gia vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho thấy, tỷ trọng đóng góp do các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2022 khoảng 25,7% (cả nước là 21,5%). Tăng TFP do đóng góp của nhiều yếu tố như KH&CN, chất lượng giáo dục, chất lượng lao động, cải thiện cơ cấu các nền kinh tế, cải cách hành chính… Ngoài ra, theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, hoạt động chuyên môn KH&CN (1 trong 21 nhóm ngành kinh tế cấp 1) vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong giai đoạn 2019-2023.
10 năm qua, có 242 nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện từ nguồn sự nghiệp KH&CN thành phố. Bên cạnh đó, hằng năm các trường đại học thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học từ các nguồn kinh phí khác nhau như kinh phí của trường hoặc các quỹ hỗ trợ, các chương trình hợp tác... Việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án huy động được đông đảo đội ngũ trí thức từ các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các sở, ban, ngành tham gia, góp phần xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn cho nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ được các cơ quan quản lý và thực thi duy trì thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng về bảo hộ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ có những chuyển biến tích cực. Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về công tác xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với số lượng đơn, bằng sở hữu công nghiệp cao nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40% của vùng. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp được chú trọng.
10 năm qua, Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là mở rộng hành lang pháp lý, tìm kiếm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp. Các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động, qua đó thu hút các nhà đầu tư, giải quyết nhu cầu việc làm và đóng góp nhiều cho xã hội. Kết quả, thành phố 4 lần được vinh danh là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2020 và 2022-2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng; 3 năm liên tiếp (2022-2024) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards”...
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII năm 2023 do Bộ KH&CN công bố, Đà Nẵng xếp thứ 4. Theo báo cáo, Đà Nẵng có điểm mạnh về hạ tầng số và quản trị điện tử, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo ở mức cao, tuy vậy, thành phố vẫn còn một số điểm yếu về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO… Điều này đặt ra nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thành phố gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính.
TS. Đặng Mỹ Châu, Giám đốc điều hành chương trình hỗ trợ khởi nghiệp AI Smartup, chuyên gia và cố vấn chiến lược trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhận định Đà Nẵng cần tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt, có lợi thế để xây dựng tầm nhìn phát triển vững chắc. Với xu thế chung toàn cầu là xây dựng công nghiệp xanh, sạch, thông minh, thành phố nên ưu tiên vào các lĩnh vực chiến lược như: năng lượng tái tạo; tập trung các giải pháp cho thành phố thông minh; chú trọng các lĩnh vực cụ thể trong phát triển phần mềm. Đồng thời, thành phố cần mở rộng thị trường hợp tác với các tỉnh lân cận, chia sẻ nguồn lực, tạo điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn thông qua hợp tác.
Thành phố cần thu hút những nhà khởi nghiệp nhiều kinh nghiệm vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tăng hơn nữa chương trình phối hợp liên môn STEM và các chương trình đào tạo nghề phải thực chất. Ngoài thu hút nhân lực chất lượng cao bằng mức lương, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ không gian, mặt bằng cho các startup với mức giá thuê hợp lý; khuyến khích hình thành các không gian làm việc chung và các mạng lưới kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư, chuyên gia trong ngành; thúc đẩy phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo trong thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cải cách các thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ pháp lý cần thiết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác với các tổ chức, quỹ đầu tư quốc tế nhằm thu hút nguồn lực và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết sở đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”, hướng tới phát huy vai trò của Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng nghiên cứu, thảo luận với Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố để bổ sung nhiều nội dung hoàn thiện đề án, trong đó, cân nhắc để đưa yếu tố “Net-Zero” vào đề án và sớm hoàn thiện trình UBND thành phố. Đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” bảo đảm phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và thế mạnh của Đà Nẵng. Việc sớm triển khai, xây dựng đề án sẽ giúp mở ra cơ hội hợp tác, kết nối toàn diện, hướng tới phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế.
MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG