Nhiều kết quả chuyển đổi số

.

Năm 2024, Đà Nẵng thể hiện vai trò tiên phong chuyển đổi số với việc thúc đẩy nhiều trụ cột chuyển đổi số; đồng thời đưa vào sử dụng các ứng dụng số hóa, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước.  Trong ảnh: Các lập trình viên tham gia cuộc thi Devfest năm 2024 do cộng đồng công nghệ Google Developer Group  miền Trung tổ chức. Ảnh: M.QUẾ
Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước. TRONG ẢNH: Các lập trình viên tham gia cuộc thi Devfest năm 2024 do cộng đồng công nghệ Google Developer Group miền Trung tổ chức. Ảnh: M.QUẾ

Thúc đẩy 3 trụ cột số

Về chính quyền số, thành phố tập trung vào 3 giải pháp: thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến; triển khai xây dựng, quản lý, sử dụng kho dữ liệu dùng chung, kho kết quả số thủ tục hành chính; kết nối, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, thành phố triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến; giảm phí, lệ phí; hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời thành phố cung cấp nhiều tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính như: thông báo trạng thái hồ sơ dịch vụ công trực tuyến qua zalo, gắn mã QR cho kết quả thủ tục hành chính… Kết quả, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 99,9%.

Về kinh tế số, doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông ước đạt 18.486 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 159 triệu USD, tăng 7,6% so với năm 2023. Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 cả nước, tỷ lệ trung bình cả nước 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân). Tổng nhân lực công nghệ thông tin khoảng 53.000 người, chiếm 8,5% tổng lực lượng lao động thành phố (trung bình cả nước 3,7%). Chuyển đổi số tiếp tục được triển khai trên nhiều lĩnh vực kinh tế: du lịch (nền tảng thực tế ảo VR360), thương mại (bán hàng trực tuyến livestream), công nghiệp (nhà máy thông minh), nông nghiệp công nghệ cao…

Về xã hội số, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip với bình quân gần 250.000 lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã xác thực thông tin hơn 1,085 triệu người dân trên địa bàn và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện mỗi người dân trung bình có 2 tài khoản xã hội, có mã ID gắn với hồ sơ sức khỏe cá nhân. Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên hơn 3,46 triệu tài khoản - gấp 5,4 lần số người dân 15 tuổi trở lên (645.550 người).

Phát triển nhân lực, nâng cao nhận thức số

Ngày 18-10-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2242/QĐ-UBND về khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố gồm 5 lĩnh vực: thông tin và dữ liệu; truyền thông và cộng tác; tạo lập nội dung số; bảo vệ và an toàn; môi trường kỹ thuật số, với chi tiết 17 năng lực số thành phần và 173 tiêu chí đánh giá. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành khung năng lực số cho công dân, góp phần hình thành “công dân số”, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và tạo động lực mới cho địa phương.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khung năng lực số cho công dân giúp đánh giá và cải thiện năng lực số, bảo đảm khả năng tham gia, sáng tạo hoặc sử dụng các kết quả, sản phẩm, đặc biệt giúp các cơ quan địa phương xây dựng và triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển năng lực số cho công dân. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy nhân lực số theo Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 7-11-2022 về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.

Xác định nâng cao nhận thức số là giải pháp quan trọng để chuyển đổi số ngày càng hiệu quả, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Cụ thể, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 30-7-2024 quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 trên địa bàn thành phố với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tổ/năm.

Qua đó phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố. Hiện thành phố có 2.531 tổ và 15.862 thành viên tại 100% phường, xã và là lực lượng nòng cốt hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho người dân như truy cập và sử dụng internet; hướng dẫn cài đặt và sử dụng nền tảng dùng chung của thành phố như ứng dụng DaNang Smart City, Cổng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích số; thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử, an toàn thông tin và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên internet.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.