Tăng tốc chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm

.

UBND thành phố vừa ban hành kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2024 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn. Đây là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các cấp soi chiếu, tăng tốc chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam VssID. Ảnh: M.QUẾ
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam VssID. Ảnh: M.QUẾ

Nhiều nỗ lực từ các cơ quan, đơn vị

Theo báo cáo, năm 2024, trong số 24 cơ quan khối sở, ban, ngành, có 6 cơ quan xếp loại xuất sắc (tăng 2 cơ quan so với năm 2023), 7 cơ quan xếp loại tốt, 10 cơ quan xếp loại khá và 1 cơ quan xếp loại trung bình khá. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông (nay Sở Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Công nghệ) dẫn đầu với 98,06 điểm.

Sở là đơn vị nòng cốt thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đưa công tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, tiếp cận theo 3 trục hạ tầng - dữ liệu - ứng dụng thông minh, trong đó: chính sách, khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Khối các cơ quan Trung ương có 5/6 cơ quan xếp loại xuất sắc (tăng 5 cơ quan so với năm 2023), 1 cơ quan xếp loại khá. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng (nay là Bảo hiểm xã hội khu vực XXII) dẫn đầu với 96,12 điểm, từ xếp loại tốt năm 2023 lên xuất sắc và hạng 3 lên 1. Kết quả nổi bật của đơn vị là đẩy mạnh rà soát, xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến cuối năm 2024, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng xác thực trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tổng số người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 99,6%, tương ứng hơn 1,12 triệu người (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội); triển khai hướng dẫn cài đặt, phê duyệt tài khoản ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam điện tử VssID cho 682.638 người, chiếm tỷ lệ 61% người dân trên địa bàn thành phố.

Khối UBND quận, huyện có 3 cơ quan xếp loại xuất sắc, 2 cơ quan xếp loại tốt và 2 cơ quan xếp loại khá. Trong đó, UBND quận Hải Châu dẫn đầu với 97,23 điểm, từ xếp loại tốt năm 2023 lên xuất sắc và hạng 2 lên 1.

Đơn vị có nhiều cải thiện trên cả 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số với nhiều kết quả tích cực như: tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến gần như 100%, báo cáo của các cơ quan thuộc quận thực hiện trực tuyến 100%, hơn 90% các tuyến đường thuộc quận triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, 100% hộ tiểu thương tại các chợ thuộc quận đã thực hiện thanh toán trực tuyến trong giao dịch, 100% các trường học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...

Đối với khối UBND phường, xã, quận Hải Châu có 4 phường xếp loại xuất sắc; quận Liên Chiểu có 3 phường xếp loại xuất sắc; quận Thanh Khê có 8 phường xếp loại xuất sắc; quận Sơn Trà có 2 phường xếp loại xuất sắc; quận Cẩm Lệ có 5 phường xếp loại xuất sắc; quận Ngũ Hành Sơn có 2 phường xếp loại tốt và huyện Hòa Vang có 1 xã xếp loại xuất sắc.

Theo đó, UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) đạt 99,93 điểm, cao nhất trong khối xã, phường. Kết quả nổi bật của phường là triển khai mô hình “Dịch vụ công không giấy - không tiền mặt”, xây dựng ứng dụng “Hoa Thuan Tay Smart” trên mạng xã hội zalo với nhiều tiện ích chuyển đổi số.

Thành phố tăng tốc chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm. TRONG ẢNH: Các lập trình viên thực hành công nghệ trí tuệ nhân tạo tại sự kiện “Build with AI 2025”.Ảnh: M.QUẾ
Thành phố tăng tốc chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm. TRONG ẢNH: Các lập trình viên thực hành công nghệ trí tuệ nhân tạo tại sự kiện “Build with AI 2025”. Ảnh: M.QUẾ

Tăng tốc chuyển đổi số

Nhìn chung, kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2024 của các cơ quan, địa phương đều tăng về số điểm hoặc thứ hạng so với năm 2023, phản ánh một cách tương đối nỗ lực chuyển đổi số của các đơn vị.

Tuy nhiên, UBND thành phố cũng lưu ý một số cơ quan, địa phương xếp cuối chưa có nhiều cải thiện cần thực hiện rà soát, tổ chức đánh giá để có biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thời gian tới; đồng thời, đề nghị ngành thuế phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu căn cước công dân và chứng minh nhân dân có mã số thuế cá nhân. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu triển khai tích hợp chức năng chữ ký số lên hệ thống, số hóa hồ sơ ngay từ đầu vào tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, triển khai đồng bộ đăng ký trực tuyến.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, một số chỉ tiêu chuyển đổi số chính của thành phố năm 2025 là kinh tế số chiếm 24% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố cao nhất cả nước, đạt 90%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 75% (năm 2024 là 60%); cắt giảm 20% thủ tục hành chính qua sử dụng dữ liệu số; phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản số để sử dụng dịch vụ công, 50% có chữ ký số; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 1 điện thoại thông minh có kết nối internet.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết để đạt các chỉ tiêu trên, thành phố đặt ra các nhiệm vụ: đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số; thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin; triển khai tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo; tăng cường hợp tác quốc tế. Sở sẽ tham mưu thành phố về Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2025 phù hợp các yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của bộ, ngành Trung ương.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.