Cần sớm thanh toán giá trị đầu tư dự án nút giao thông ngã ba Huế

.

Dự án nút giao thông ngã ba Huế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay, tuy nhiên hiện chi phí thực hiện dự án vẫn chưa được thanh toán cho nhà đầu tư; số nợ vay của dự án tiếp tục phát sinh thêm lãi suất, gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.

Dự án nút giao thông ngã ba Huế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm. Ảnh: THÀNH LÂN
Dự án nút giao thông ngã ba Huế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm. Ảnh: THÀNH LÂN

Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.050 tỷ đồng, trong đó 80 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố Đà Nẵng hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai, trên cơ sở nội dung Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17-11-2011 của Bộ Tài chính và các hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đến phương án tài chính của dự án, UBND thành phố (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng) đã tổ chức lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, triển khai thi công hoàn thành công trình trong năm 2015 và thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư các năm 2020-2021. Song, đến nay nhà đầu tư thực hiện dự án vẫn chưa được thanh toán hết khối lượng công việc đã hoàn thành, điều này gây nhiều áp lực về tài chính cũng như rủi ro cho nhà đầu tư.

Trước vấn đề này, ngày 14-8, UBND thành phố đã có Công văn số 4330/UBND-SGTVT gửi Bộ GTVT về việc xử lý các vướng mắc của dự án. Theo đó, hiện Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17-11-2011 cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tại thời điểm ký kết hợp đồng đã hết hiệu lực, dẫn đến phát sinh vướng mắc liên quan đến thủ tục quyết toán dự án hoàn thành công trình. Trong thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ có hướng dẫn liên quan đến thủ tục quyết toán dự án hoàn thành.

Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng liên quan đến nội dung trên. Do chưa kết luận liên quan đến thủ tục nên mặc dù dự án đã đưa vào vận hành khai thác từ năm 2017, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục quyết toán vốn đầu tư. Việc chậm trễ trong quyết toán vốn đầu tư đã ảnh hưởng xấu trong hoạt động tài chính của nhà đầu tư, vì chưa thể hoàn thành hợp đồng tín dụng được ký kết với ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án. Vì vậy, UBND thành phố đề nghị Bộ GTVT sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương nhằm tạo điều kiện giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong thủ tục quyết toán tại dự án.

Cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN
Cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN

Được biết, ngày 9-5-2023, UBND thành phố đã phê duyệt thanh toán cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam) số tiền 1.982,908 tỷ đồng (không bao gồm 80 tỷ đồng do thành phố hỗ trợ). Trong đó, phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 192,121 tỷ đồng, vốn vay và lãi vay thực hiện dự án 1.790,878 tỷ đồng. Trong số này có 395,747 tỷ đồng đang phong tỏa tại ngân hàng chưa cho phép nhà đầu tư sử dụng (gồm vốn quản lý dự án, tư vấn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng).

Theo Công văn số 12/203/CV/TNBTNBH ngày 18-5-2023 do Giám đốc Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam ký gửi UBND thành phố, dự án chưa được quyết toán vốn dẫn đến số nợ vay từ Ngân hàng SHB chưa trả được nên nhà đầu tư tiếp tục chịu thêm lãi suất phát sinh 51 tỷ đồng nợ quá hạn. Lý giải về điều này, nhà đầu tư cho rằng, do chậm được thanh toán, nhà đầu tư không có chi phí trả nợ vay gốc và lãi gốc; khi hợp đồng vay quá hạn, Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng không xác nhận lãi suất nên Ngân hàng SHB không có mức lãi suất áp dụng cũng như gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay; chưa có phụ lục hợp đồng BT nên phía ngân hàng áp dụng lãi phạt 150% và lãi suất thương mại với các khoản vay thực hiện dự án.

Thông tin từ nhà đầu tư cho hay, từ quý 3-2021, UBND thành phố đã chấp nhận phương án thanh toán 395,747 tỷ đồng cho nhà đầu tư dưới hình thức bảo lãnh thanh toán vô điều kiện do Ngân hàng SHB bảo lãnh. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn đối với việc quản lý vốn ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư và Ngân hàng SHB chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý bằng văn bản của UBND thành phố.

Số tiền đã được chuyển vào tài khoản của nhà đầu tư, UBND thành phố ghi nhận là thanh toán nhưng Ngân hàng SHB vẫn đang phong tỏa theo yêu cầu trên vì chưa được cho phép sử dụng, dẫn đến nhà đầu tư phải chịu lãi đối với phần vốn vay còn lại chưa thanh toán là 51 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam đã chuẩn bị hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt thanh toán bổ sung từ ngân sách số lãi phát sinh trên vì cho rằng lỗi không phải do phía nhà đầu tư gây ra; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền của thành phố cho sử dụng 316,908/395,747 tỷ đồng mà ngân hàng đang phong tỏa.

Trường hợp UBND thành phố không thống nhất, nhà đầu tư xin hoàn trả lại số tiền thanh toán đang phong tỏa trên. Dù tiền đã ở trong kho bạc, nhưng cơ chế thanh toán chi phí đầu tư theo hợp đồng BT tại dự án này tiếp tục gặp khó khăn khi mới đây, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị sớm giải quyết thanh toán cho dự án, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nhiều năm qua...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.