Ngày 12-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Đà Nẵng (1993-2023) nhằm đánh giá công tác khuyến ngư nông lâm trên địa bàn, khẳng định vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, góp phần tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hoạt động khuyến nông tại Đà Nẵng trong 30 năm qua đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp thành phố. TRONG ẢNH: Các đại biểu đang được giới thiệu, tư vấn về mô hình máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại hội nghị tổng kết 30 năm khuyến nông Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, trong 30 năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông đã giúp nông dân tiếp cận với các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả các mô hình trình diễn, chương trình, dự án và các đề tài khoa học được lan tỏa. Đơn vị đã tổ chức khoảng 1.350 lớp tập huấn đào tạo cho khoảng 65.000 lượt người tham gia, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật khuyến nông, đồng thời, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng quản lý nông nghiệp cho người nông dân. Đặc biệt, trung tâm đã góp phần giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ “ăn chắc”, từ bộ giống lúa dài ngày nhiễm sâu bệnh sang tuyển chọn những giống trung ngắn ngày chất lượng và năng suất.
Cụ thể, trung tâm triển khai hơn 450 mô hình với tổng kinh phí đầu tư gần 39 tỷ đồng, gần 15.000 lượt nông dân được hỗ trợ, hưởng lợi từ các mô hình khuyến nông. Trong hoạt động khuyến nông trồng trọt, để nâng cao chất lượng và sản lượng lúa sản xuất trên địa bàn, hằng năm, trung tâm đã triển khai mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới nhằm tuyển chọn những giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố. Riêng mô hình mạ khay, máy cấy được ứng dụng với 375ha diện tích sản xuất, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nhận thức của người dân, giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng, tạo nên sản phẩm an toàn sức khỏe. Trong phát triển nông nghiệp đô thị, các mô hình rau, hoa, nấm theo hướng mới được trung tâm đề xuất và triển khai chuyển giao kỹ thuật đã mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trung tâm tập trung đầu tư hỗ trợ chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi tập trung có đầu tư, thâm canh gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, du nhập các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố. Ngoài ra, trong hơn 10 năm triển khai chương trình Cơ giới hóa (từ 2011-2022), trung tâm đã hỗ trợ nhiều loại máy móc khác nhau cho nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 200 hộ dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết, hoạt động khuyến nông trong tình hình mới không đơn thuần là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mà sẽ mang vai trò kết nối, dịch vụ và thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn, đạt các chứng nhận, hướng đến ứng dụng công nghệ số nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất cho người dân, gắn với tiêu thụ; xây dựng các chương trình, mô hình quy mô lớn về cây trồng, vật nuôi chủ lực; cần xã hội hóa khuyến nông và kết hợp giữa khuyến nông Nhà nước với doanh nghiệp. Mặt khác, vai trò của khuyến nông không chỉ dừng lại ở việc tập huấn mà phải tạo nên thế hệ “nông dân văn minh”, “nông dân làm chủ” và “nông dân chuyên nghiệp”. Từ đó, nông dân dạy nông dân, tạo thành khuyến nông cộng đồng, góp phần xây dựng, thực hiện mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp thành phố theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, cho rằng tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn dần được chuyển đổi sang ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Còn theo ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp thành phố xác định mục tiêu xây dựng nông nghiệp đô thị hữu cơ, sinh thái, tạo vành đai xanh, phục vụ cho phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường ghi nhận nỗ lực, kết quả, đóng góp của ngành nông nghiệp thành phố qua công tác khuyến nông trong 30 năm qua; đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm bám sát nội dung và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới” nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng có hiệu quả công tác khuyến nông, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, hệ thống khuyến nông thành phố cần phát huy sức mạnh nội lực, tiếp tục đổi mới phương thức, đa dạng nội dung hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thay đổi tư duy, cách làm để người dân là những nhà sản xuất thông minh, biết ứng dụng công nghệ; góp phần xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp Đà Nẵng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
VĂN HOÀNG