Những cánh tay nối dài của điểm đến

.

Những người làm dịch vụ du lịch được ví như những cánh tay nối dài của điểm đến bởi đây chính là lực lượng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với du khách; là bộ phận tham gia vào chuỗi vận hành của ngành du lịch, giúp lan tỏa những điều tốt đẹp của điểm đến đến du khách.

Nhân viên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đang hướng dẫn khách tham quan.  Ảnh: THU HÀ
Nhân viên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đang hướng dẫn khách tham quan. Ảnh: THU HÀ

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Đến Đà Nẵng dịp lễ vừa qua, gia đình chị Vũ Thị Kim Phượng (du khách Hà Nội) cảm thấy rất hài lòng vì trong suốt chuyến đi của gia đình, ngoài thông tin về các khu, điểm du lịch, mua sắm mà chị đã chuẩn bị trước đó, khi tới đây, chị cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện trong những cuộc trò chuyện với người lái xe, người bán hàng ăn hay những nhân viên tại nơi đến. Chị cho biết, chính sự vui vẻ, niềm nở của những người làm dịch vụ đã tạo nên nhiều thiện cảm và tăng giá trị cho chuyến đi của gia đình, khiến chị thấy mọi nơi của Đà Nẵng đều rất thân quen...

Không riêng gì chị Phượng, rất nhiều du khách đến Đà Nẵng đều có chung cảm nhận đó. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực chung sức, đồng lòng của chính quyền thành phố, ngành du lịch, các sở, ban, ngành khác cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương… cùng hướng tới phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Ngành du lịch, các địa phương của thành phố rất quan tâm đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ.

Hằng năm, Sở Du lịch thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, tổ chức các khóa tập huấn về văn minh thương mại, kỹ năng ứng xử, giao tiếp với khách dành cho những người kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đơn cử như Trung tâm Hỗ trợ du khách (thuộc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng) đều có người túc trực mỗi ngày để hỗ trợ khách du lịch khi cần. Hàng ngàn lượt khách tìm đến nhờ hỗ trợ đều được các chuyên viên nhiệt tình giúp đỡ. Chỉ trong riêng 4 ngày nghỉ lễ 2-9, Trung tâm Hỗ trợ du khách đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 1.800 lượt khách (cần tư vấn về giá vé điểm tham quan, thông tin hoạt động, sự kiện dịp lễ, hỗ trợ thất lạc hành lý, giấy tờ...) tại trụ sở trung tâm và các quầy thông tin tại sân bay.

Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Sơn Trà cho biết, là một trong những quận trọng điểm thu hút rất đông khách du lịch và có rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng điểm đến, quận Sơn Trà thường xuyên tuyên truyền, triển khai hiệu quả “Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch”; thực hiện phát tờ rơi bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho các hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú trên địa bàn quận. Quận cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống niêm yết công khai giá bán, nhất là trong thời điểm diễn ra các ngày lễ lớn, sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Địa phương còn ban hành kế hoạch “Nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà”...

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Cùng với những người kinh doanh dịch vụ du lịch thì hướng dẫn viên cũng là đội ngũ hùng hậu, là những “đại sứ” giúp ngành du lịch lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Anh Hồ Vũ Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, hướng dẫn viên không chỉ là đại sứ du lịch mà còn là sứ giả của những xứ sở. Theo anh Hiếu, để trở thành những đại sứ truyền cảm hứng cho du khách, người hướng dẫn viên phải có kiến thức và kỹ năng tốt. Bản thân mỗi hướng dẫn viên phải có tình yêu nghề, yêu điểm đến, hiểu được vùng đất mình đang giới thiệu cho khách. Bởi có yêu mến, có thấu hiểu thì mới lan tỏa được tình yêu đó đến nhiều người.

Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng Võ Văn Anh cũng cho rằng, khi du khách đến một vùng đất mới thì đều mong muốn có những trải nghiệm mới mẻ, khác lạ và người hướng dẫn viên phải truyền được cảm xúc đó đến du khách. Muốn làm được như vậy thì bản thân mỗi hướng dẫn viên phải tăng cường học hỏi, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, hiểu sâu sắc về điểm đến, mang được những giá trị tốt đẹp cho du khách.

“Hiện Đà Nẵng có hơn 5.000 hướng dẫn viên các ngôn ngữ khác nhau, mỗi hướng dẫn viên cần làm tốt vai trò truyền lửa, truyền cảm xúc tới du khách là đã góp thêm phần quảng bá hình ảnh, điểm đến Đà Nẵng, giúp du khách cảm nhận tốt về một điểm đến thân thiện, hấp dẫn”, ông Võ Văn Anh bày tỏ.

Theo anh Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event (V.E.I), là một thành phố du lịch, để thu hút khách hơn nữa thì mỗi hướng dẫn viên, người dân, người làm dịch vụ du lịch cần phải hiểu về thành phố nơi mình sinh sống. Bởi chính thái độ thân thiện, niềm nở, cách giao tiếp hòa nhã, lịch sự giữa người dân địa phương và du khách sẽ là điểm nhấn, tạo được ấn tượng dành cho du khách; điều này góp phần vào quyết định có quay trở lại điểm đến hay không của du khách. Vì thế, ngành du lịch thành phố nên có thêm các khóa bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để những người làm dịch vụ du lịch thực sự là những đại sứ, lan tỏa những điều tốt đẹp tới du khách trong nước và quốc tế.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.