Năm 2024, Đà Nẵng thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã chia sẻ về những nỗ lực của Đà Nẵng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. |
* Thưa Chủ tịch UBND thành phố, vì sao Đà Nẵng lựa chọn chủ đề năm 2024 là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”?
- Với chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng với người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung cao độ, triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tháo gỡ vướng mắc của các dự án nhằm khơi thông nguồn lực đất đai; tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, về thủ tục đầu tư…
Kết quả, năm 2023, Đà Nẵng đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho trên 40 dự án, khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60 ngàn tỷ đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025. Ngoài ra, 32 dự án, khu đất khác tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó có nhiều dự án đầu tư về du lịch nghỉ dưỡng gắn với bất động sản.
Đây là những kết quả hết sức khả quan, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ công tác trong năm 2024, 2025. Đồng thời thể hiện được hướng đi đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc tìm kiếm nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển của thành phố, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 theo nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố. Do đó, năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã chọn chủ đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” gắn với một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.
Đà Nẵng đã đưa vấn đề cải cách hành chính trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, bình đẳng, cạnh tranh, giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng. Đây chính là tập trung vào yếu tố con người.
Chúng tôi cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu để từ đó lan tỏa một tinh thần, khát vọng phát triển Đà Nẵng. Từ yếu tố con người đó, chúng tôi sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực đầu tư từ khu vực công cũng như khu vực tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân thành phố.
Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức hội nghị gặp mặt 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được tháo gỡ khó khăn trong năm 2023 để tiếp tục lắng nghe, ghi nhận những chia sẻ, phản ánh của nhà đầu tư về vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, đầu tư tại Đà Nẵng. Qua đó thể hiện rõ quan điểm, hành động trong việc tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực của chính quyền thành phố. Chúng tôi đồng hành cùng các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cộng đồng. Rất vui là trong quá trình cùng làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhiều nhà đầu tư đã hết sức thiện chí, chia sẻ lợi ích với thành phố nhằm tìm hướng giải quyết vấn đề tồn tại. Tất cả để cùng hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong một giai đoạn mới.
Dự án Đường vành đai phía tây (giai đoạn 1), dài 19km có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua 5 xã: Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Dự án đang hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 30-4-2024. Ảnh: XUÂN SƠN |
* Ông cho thể cho biết thêm về những nỗ lực tháo gỡ khó khăn các dự án, khơi thông nguồn lực đầu tư cũng như quan điểm của chính quyền thành phố đối với các dự án này?
- Suốt một thời gian dài, rất nhiều vấn đề, dự án trên địa bàn thành phố bị đình trệ bởi vướng mắc liên quan tới quy hoạch, các kết luận thanh tra, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư đã gắn bó với Đà Nẵng. Các sở, ban, ngành đã cùng nhau ngồi lại, nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, thành phố thường xuyên phối hợp, kiến nghị với các Tổ công tác của Trung ương, nhất là kiến nghị với Tổ công tác 153 của Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc không thuộc thẩm quyền để nghiên cứu, bổ sung vào đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thành phố cũng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp về rà soát quy hoạch, cơ sở pháp lý, nghĩa vụ tài chính. Nếu những vướng mắc được khơi thông sẽ giải phóng nguồn lực phát triển ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng.
Trong quý 1-2024, thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy phép xây dựng cho 14 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, dự kiến trong quý 2-2024 cấp phép cho nhiều dự án khác với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; nhiều dự án đã được điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, pháp lý... Dự kiến trong năm 2024, với sự tập trung, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của các địa phương, sở, ban, ngành, Đà Nẵng sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc kéo dài của hàng loạt dự án, qua đó khơi thông nguồn lực đầu tư lên đến vài chục ngàn tỷ đồng để thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội của thành phố. Đây cũng là bước đi quan trọng để từng bước hiện thực hóa các quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt. Trong đó, rất nhiều dự án sẽ là trọng điểm trong Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 30m2 sàn/người. Trong quá trình thực hiện sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung các dự án để cung cấp quỹ nhà ở giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Đối với nhà ở thương mại, dự kiến đầu tư xây dựng tối thiểu 102 dự án, gần 69.000 căn hộ với gần 10 triệu m2 sàn nhà ở...
Tổng kho logistics Searee tại Khu công nghiệp Hòa Khánh được đưa vào khai thác trong tháng 3-2024. Ảnh: GIA PHÚC |
* Vậy ông có thể cho biết về tình hình triển khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến thời điểm hiện nay?
- Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các quy hoạch phân khu chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời, làm cơ sở để triển khai các dự án, tháo gỡ các điểm nghẽn, qua đó khơi thông thêm nhiều tiềm năng, lợi thế mới cho phát triển cho Đà Nẵng.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai, phê duyệt các quy hoạch phân khu để có cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết. Từ đó tháo gỡ các vướng mắc cho các nhà đầu tư để sớm khởi công các dự án trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với nhà đầu tư vì sự phát triển của thành phố, với quan điểm bảo đảm các yếu tố về cảnh quan, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh phục vụ cộng đồng.
Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu Cảng biển Liên Chiểu, tỷ lệ 1/2.000, đồ án quy hoạch phân khu sân bay, tỷ lệ 1/2.000; triển khai kết quả rà soát quy hoạch trên địa bàn thành phố 2023. Trong quý 1-2024 đã phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sân bay; lũy kế đến nay, đã duyệt 3/9 phân khu đô thị và 2/10 phân khu chức năng.
Trong năm 2024, thành phố phấn đấu hoàn thành phê duyệt 6/9 phân khu đô thị chậm nhất quý 3-2024; hoàn thành phê duyệt 8/10 phân khu chức năng trong năm 2024 (trừ các phân khu phụ thuộc đề án, kết luận thanh tra). Trong đó, chúng tôi quyết tâm hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông, tỷ lệ 1/2000, nhằm “thay áo mới”, tái thiết khu vực hai bên bờ sông Hàn, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho khu vực trung tâm đô thị biển Đà Nẵng, bên cạnh đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án tồn đọng.
Thành phố sẽ tổ chức không gian mở, kết hợp giữa mặt nước, hành lang xanh dọc sông và các công viên lớn. Các công trình công cộng, dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Tại không gian ven bờ đông sông Hàn, quy hoạch các công viên, quảng trường kết nối bằng tuyến cây xanh, lối đi bộ. Bờ tây sông Hàn sẽ hình thành quảng trường trung tâm với khu vực Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng, khu vực lõi này sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử của người dân và du khách. Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế quảng trường Trung tâm, hiện nay đang trong quá trình chọn phương án và sớm khởi công.
Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển, phát huy hết các giá trị của sông Hàn, hình thành các công trình điểm nhấn dọc bờ sông, trước mắt là dự án Dòng sông ánh sáng với kinh phí gần 400 tỷ đồng dự kiến sẽ đem lại những giá trị mới cho dòng sông của thành phố, hướng đến phát triển thành phố như các hình mẫu các thành phố ven sông trên thế giới. Qua đây, thành phố cũng bày tỏ lời cảm ơn đến với các nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án tại thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ vì một mục tiêu chung góp phần phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị an toàn, thịnh vượng và hạnh phúc.
* Cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
HOÀNG PHAN thực hiện