ĐNO - Sáng 24-4, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp thứ 8 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2024 là năm bứt phá trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiệm vụ tập trung hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đặc biệt chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách (như dịch vụ, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…) và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách không dùng tiền mặt. Càng số hóa mạnh mẽ như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định kế hoạch hoạt động năm 2024 của chuyển đổi số có chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững".
Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số, bảo đảm hiệu quả và thực chất.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Báo cáo tại phiên họp, tỷ trọng kinh tế số quốc gia hiện nay chiếm 16,5% nền kinh tế, trong đó tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) chiếm hơn 60%.
Doanh thu ICT năm 2023 ước đạt 138,5 tỷ USD, giảm 4,46% so với năm 2022. Trong đó: doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 ước đạt 127 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2022; song giá trị xuất siêu phần cứng, điện tử năm 2023 vẫn đạt trên 30 tỷ USD.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang hoạt động khoảng 45.500 doanh nghiệp, về cơ bản không đổi so với năm 2022.
Năm 2023, Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022 với tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài nước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Hiện có 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ; 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về CNTT, điện tử viễn thông. Ngành ICT cũng là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất với tổng chỉ tiêu tuyển sinh xấp xỉ 100.000/năm
Mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp ICT đạt 140 tỷ USD. Doanh nghiệp công nghệ số là 48.000 doanh nghiệp (tương đương 1 doanh nghiệp công nghệ số/2.000 dân).
Tại Đà Nẵng, năm 2023, thành phố triển khai đồng bộ các sáng kiến dữ liệu số, bao gồm: ban hành kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu; ban hành danh mục và lộ trình cung cấp dữ liệu mở; ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung.
Ban hành quy chế quản lý, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng dữ liệu số; triển khai nền tảng Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở; lần đầu thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng thành phố để tạo ra giá trị gia tăng với tổng số phí thu được năm 2023 hơn 400 triệu đồng.
Thành phố thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC), để làm đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các tập đoàn, đối tác trong và ngoài nước.
Mới đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục hành trình chuyển đổi số với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội số”; tập trung khai phá những động lực tăng trưởng mới, triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp CNTT phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.
MAI QUẾ