ĐNO - Chiều 11-6, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học về rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý về đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hội thảo này diễn ra ngay sau khi độ mặn sông Túy Loan và sông Yên tại hạ lưu đập dâng An Trạch vừa giảm do thủy điện xả nước với lưu lượng cao hơn trước đó kết hợp trời có mưa 2 ngày và thủy triều hạ thấp, nên có nhiều ý kiến trao đổi gay gắt.
TS Lê Hùng và TS. Tô Thúy Nga, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề xuất cao trình đỉnh đập trên sông Quảng Huế trong mùa cạn là 2,6m và giải pháp vận hành các hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 tương ứng với cao trình đỉnh đập nói trên để bảo đảm dòng chảy về hạ du được duy trì liên tục.
Đồng thời, bổ sung quy định mực nước thấp nhất theo 5 giai đoạn trong mùa lũ nhằm giảm thiểu nguy cơ không tích được nước đầy hồ hoặc không tích được nhiều nước đối với các năm không có lũ.
Mực nước cao nhất trước lũ và mực nước đón lũ thấp nhất của các hồ cũng được đề xuất chia thành 4-5 giai đoạn thay vì chỉ 2 giai đoạn nhằm làm tăng sự linh hoạt trong vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du, mà vẫn bảo đảm tích được nước cao nhất vào cuối mùa lũ.
Cùng với đó, bổ sung quy định giao quyền điều hành việc xả nước của các hồ thủy điện cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp dưới 1,8m hơn 12 giờ trong 1 ngày hoặc khi độ mặn sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/l quá 12 giờ liên tục, nhằm hạn chế tình trạng mực nước sông Yên hạ quá thấp và xâm nhập mặn quá sâu lên sông Túy Loan và sông Yên tại hạ lưu đập dâng An Trạch như thời gian qua.
Đại diện một số đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện đề xuất thêm một số giải pháp để bảo đảm vận hành cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du.
Đại diện chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 đề nghị xem xét tính toán lại giá trị mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa cho phù hợp để tiết kiệm và sử dụng nước từ hồ thủy điện này được hiệu quả; cho phép hồ thủy điện Đăk Mi 4 phát điện dưới mực nước chết thêm 2m để bảo đảm cấp điện, nước trong trường hợp mùa lũ đến muộn; xả nước về hạ du sông Vu Gia dưới mực nước chết 8m…
TS. Lê Hùng giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề xuất bổ sung quy định mực nước thấp nhất trong mùa lũ theo 5 giai đoạn thay vì chỉ 2 giai đoạn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tuy nhiên, một số đại diện chủ hồ đề nghị cần có thêm kết quả kiểm chứng tình hình thủy văn trong một số năm cụ thể và cho rằng, bản chất của hồ thủy điện khác với hồ thủy lợi. Đồng thời, không thống nhất đối với quy định mực nước cao nhất trước lũ và mực nước đón lũ thấp nhất trong 4-5 giai đoạn vì sẽ gây thiệt hại về sản lượng điện và doanh thu, khó bảo đảm các chỉ tiêu, kế hoạch được giao về sản xuất điện.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, trong đợt sửa đổi quy trình vận hành liên hồ lần này cần hạn chế các mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước; dung hòa lợi ích của các bên liên quan trong phát điện và cấp nước cho hạ du.
Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề chống nhiễm mặn ở hạ lưu các sông Vu Gia - Thu Bồn, không để mặn xâm nhập sâu lên cửa vào sông Vĩnh Điện ở Vòm Cẩm Đồng (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và sông Túy Loan như thời gian qua.
Ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị cần điều chỉnh vận hành hồ thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5 với vai trò là điều hòa nguồn nước hằng ngày cho hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn.
Theo đó, trên cơ sở lưu lượng nước từ các hồ thủy điện điều tiết năm xả về, 2 hồ thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5 lưu trữ và điều tiết với lưu lượng đều trong 24 giờ mỗi ngày, thay vì xả với lưu lượng lớn một khoảng thời gian trong ngày. Nhà nước cần có cơ chế về tài chính để thủy điện Sông Bung 5 điều hòa nguồn nước, tạo dòng chảy liên tục về hạ du.
Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Văn Tuyến đề nghị, việc sửa đổi, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cần hạn chế ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của người dân ở hạ lưu đập dâng An Trạch cũng như tạo cơ chế phối hợp thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng trong việc giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng nước ở hạ du.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An đề nghị việc khai thác, sử dụng nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan với mục tiêu bảo đảm đời sống của người dân trên hết.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo và sẽ báo cáo, trình Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng để báo cáo, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong thời gian đến.
HOÀNG HIỆP