ĐNO - Dù quen đã lâu và biết khá rõ những việc anh làm, nhưng Nguyễn Bình Nam (kỹ sư ngành điện, làm việc tại Đà Nẵng) vẫn khéo léo từ chối khi tôi đề nghị được phỏng vấn anh.
Với nụ cười hào sảng, đúng kiểu dân Quảng, anh nói: “Thôi em ơi, anh có làm được chi mô. Anh sẽ giới thiệu em người khác, làm nhiều việc hơn anh”.
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao trong chương trình “Én nhỏ vùng cao 2017”. Ảnh: TIỂU YẾN |
Cứ thế, Nam lặng lẽ với việc mình làm, không khoa trương, không ồn ào. Nhưng nếu để ý facebook của Nam, hẳn sẽ thấy lúc nào cũng “nóng”, cũng đầy ắp thông tin, lời kêu gọi và hình ảnh về các chương trình từ thiện mang tên “Én nhỏ vùng cao”, “Cơm có thịt”, “Đông ấm vùng cao”, “Tủ sách vùng cao”…
Ngoài công việc của một kỹ sư ngành điện, cuộc sống của anh xoay quanh những con số, ấy là số tiền bạn bè, anh em khắp nơi gửi về cho mỗi chương trình Nam đứng ra khởi xướng. Cứ thế, thành công của chương trình này kéo theo sự ra đời của một chương trình khác có phần “hoành tráng” và thường xuyên hơn.
Mỗi năm, Nguyễn Bình Nam và CLB Bạn thương nhau do anh sáng lập tổ chức từ 5 đến 6 chuyến đi từ thiện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Bình, còn những chuyến đi gần thì không thể nào kể hết.
Song song với việc tổ chức những chuyến trao tặng quà, tính đến thời điểm này, sau gần 7 năm hoạt động, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi sự đóng góp kinh phí từ các mạnh thường quân, xây nên 3 điểm trường cho trẻ em nghèo miền núi.
Mỗi điểm trường được xây gắn liền với những câu chuyện cảm động và cả những đúc rút kinh nghiệm từ người kỹ sư trẻ. Cụ thể, điểm trường đầu tiên được xây tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) năm 2014 với kinh phí hơn 222 triệu đồng, trong khi dự kiến ban đầu của nhóm chỉ 50 triệu đồng.
Nam bảo rằng, điểm trường này nằm heo hút giữa triền núi, nền đất yếu, cộng tiền công vận chuyển nguyên vật liệu lên núi đã “đội” giá thành lên cao. Chưa kể trời mưa triền miên, kéo dài từ trưa sớm đến khuya muộn nên công việc của thợ xây bị ảnh hưởng khá nhiều…
Nụ cười rạng rỡ của Nguyễn Bình Nam khi đến với trẻ em miền núi. Ảnh: TIỂU YẾN |
Điểm trường thứ 2 xây dựng năm 2015 tại Tăk Rân, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với kinh phí hơn 550 triệu đồng cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Thế nhưng, khó khăn không làm nản lòng chàng kỹ sư trẻ và các thành viên CLB Bạn thương nhau.
Năm học 2016-2017, thầy và trò điểm trường Trà Cương, xã Trà Nham, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) vui mừng nhận cơ sở mới, công trình với 3 phòng học xây dựng kiên cố cùng 1 phòng nội trú cho giáo viên từ nguồn kinh phí hơn 560 triệu đồng do anh đứng ra kêu gọi.
Càng đi, Nguyễn Bình Nam càng chứng kiến sự khó khăn, thiếu thốn của đại bộ phận trẻ em miền núi. Ẩn sâu trong những đôi mắt hun hút núi rừng, tròn đen trong sáng ấy là nỗi buồn của sự nghèo đói, của số phận và những ước mơ chưa được chắp cánh.
Lướt facebook Nam và ngắm nụ cười của anh khi đứng giữa vòng tay những đứa trẻ chân chất, thật thà vùng cao, điều đọng lại trong tôi là tình người chan chứa. Và, cũng trong ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc được “cho đi” ấy, đâu đó vẫn đau đáu trăn trở, đầy ắp nỗi niềm thương cảm, xót xa. Để khi về lại Đà Nẵng, chưa kịp nghỉ ngơi, Nguyễn Bình Nam lại tiếp tục thu thập thông tin, tiến hành khảo sát, viết bài chia sẻ, kêu gọi sự chung tay của mọi người.
Mỗi lần nhận được một phần quà (có khi là hiện vật, có khi là tiền) từ nhà hảo tâm, anh nói rằng mình thật sự “rất ấm lòng”. Như mới đây, cũng trên trang facebook của mình, Nam chia sẻ: “Tết vừa hết, mỗi người lại trở về với những bộn bề cuộc sống thường nhật. Mình lại có ý định này, tuy không mới (nếu không nói là đã quá cũ), nhưng mong cả nhà cùng chung tay giúp cho bọn trẻ ở vùng núi, vùng sâu còn nhiều thiếu thốn: đó là SÁCH. Sau những chuyến đi miền núi, mình thấy trẻ em ở những thôn bản heo hút ấy vẫn đang rất cần sách - thứ mà lâu nay, mình cứ nghĩ là bọn nó phải được ưu tiên hàng đầu, được nhận miễn phí và đương nhiên là như thế.
Thiếu sách giáo khoa là một nỗi, còn những loại như sách văn học, cổ tích, truyện tranh, đạo đức, truyện thiếu nhi, kỹ năng sống, sách về người nổi tiếng thì hầu như rất ít bởi có những bài học không nằm trong sách giáo khoa. Khuyến khích bọn trẻ ham mê đọc sách cũng là một cách giúp các em tiếp cận với những điều mới mẻ, khai phá những khát vọng về sự đổi thay”.
Chỉ vài giờ chia sẻ, chương trình Tủ sách vùng cao của Nguyễn Bình Nam liên tục nhận được những phản hồi tích cực từ bạn bè khắp nơi, người gửi tiền, người đăng ký tặng sách, người hiến kế cho chương trình tiếp tục hoàn thiện…
Giữa rất nhiều chương trình từ thiện xã hội đã và đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, sự thành công của CLB Bạn thương nhau trong việc mang yêu thương san sẻ với trẻ em nghèo miền núi có dáng dấp Nguyễn Bình Nam và uy tín cá nhân mà anh tạo dựng được trong lòng bè bạn.
Ấy là hình ảnh người thanh niên sẵn sàng bỏ những ngày cuối tuần thong thả bên ly cà phê, tụ tập bạn bè để vác ba lô, băng rừng, lội suối đến với trẻ em vùng cao, là thức trắng đêm cập nhập thông tin chương trình từ thiện lên facebook, là giữa tất bật chiều 27 Tết Đinh Dậu 2017 vẫn chạy xe đến bệnh viện hiến tặng một đơn vị tiểu cầu máu để cứu giúp bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch mong mang lại niềm vui được “hồi sinh” cho họ...
Những việc làm ấy đúng theo tôn chỉ, mục đích mà Nam tự đặt ra cho mình: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, hay “Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay” người dân những phần quà ý nghĩa mà Nam đã gom góp từ bao tấm lòng nhân ái.
Nam chia sẻ, động lực để anh tiếp tục đi, tiếp tục đồng hành trên con đường gieo lòng nhân ái là các thầy, cô giáo cắm bản nơi núi rừng heo hút, bởi những con người ấy, họ không chỉ đánh đổi tuổi thanh xuân mà còn đánh cược cả mạng sống của con cái mình vì hành trình gieo chữ ở vùng cao.
TIỂU YẾN