"Cộng đồng chung sức, trao nhau nụ cười"

.

ĐNO - Chuyện làm từ thiện, với một số người, như là cái duyên. Khi gặp hoàn cảnh thương tâm, cần hỗ trợ gấp, họ luôn xông xáo tìm đến tận nơi tìm hiểu, lấy thông tin, chụp hình đưa lên mạng xã hội rồi gọi điện người này, nhắn tin người kia kêu gọi cùng chia sẻ tấm lòng…

Với chúng tôi, anh Vũ Công Điền (nguyên phóng viên ảnh Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên đóng tại Đà Nẵng) không chỉ là một nhà báo, một đồng nghiệp, mà còn là “sợi dây” gắn kết biết bao mảnh đời, hoàn cảnh đáng thương cần được hỗ trợ kịp thời.

Nhà báo Vũ Công Điền (ngoài cùng, bên trái) trao tặng quà từ thiện cho nhân vật anh đã kêu gọi trên trang facebook cá nhân của mình.
Nhà báo Vũ Công Điền (ngoài cùng, bên trái) trao tặng quà từ thiện cho nhân vật anh đã kêu gọi trên trang facebook cá nhân của mình. Ảnh: NVCC

Hơn 60 tuổi, mỗi tuần, anh Vũ Công Điền đều dành thời gian về các vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam để gom góp chất liệu cho các tác phẩm của mình. Và trong dặm dài hành trình nghề nghiệp ấy, đã có bao hoàn cảnh thương tâm được anh thông tin lên trang facebook cá nhân và được cộng đồng sẻ chia, đùm bọc.

Đó có khi là một bà má 80 tuổi quê tại thôn Lộc An, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), sống trong căn nhà tối tăm vì không có ánh điện; có khi là một người tàn phế với những thiếu thốn trăm bề, bệnh tật triền miên, hay những đứa trẻ thơ dại, bệnh tật cần hỗ trợ chữa trị…

Mỗi dòng thông tin, hình ảnh anh Vũ Công Điền đưa lên trang facebook đều cẩn trọng, đủ đầy để người đọc có thể nắm rõ ràng và chính xác. Không chỉ cá nhân đứng ra kêu gọi, anh Vũ Công Điền còn giới thiệu những trường hợp khó khăn cho các nhóm từ thiện khác để sự lan tỏa, giúp đỡ được tròn đầy hơn.

Một đồng nghiệp của anh, nhà báo Dương Mộng Thu (đang công tác tại Kênh truyền hình quốc gia khu vực miền Trung và Tây Nguyên (VTV8) tại Đà Nẵng), viết trên trang facebook của mình hồi đầu năm rằng: “Anh Vũ Công Điền đã giới thiệu những mảnh đời sớm mồ côi mẹ để chúng tôi thực hện chương trình “Đằng sau những cung đường”. Có những thân phận gặp gỡ đã lâu, chương trình đã hỗ trợ 20 triệu đồng mà mình cứ day dứt mỗi khi nghĩ về”.

Theo lời chị Thu, đó là chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Nhỏ ở thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hơn một năm trước, chị Tân, vợ anh Nhỏ bị tai nạn giao thông mất ngay trên đường phố Sài Gòn trong lúc đi làm về, để lại 3 đứa con thơ dại, cháu lớn học lớp 9 bị bệnh tim và 2 cháu gái nhỏ.

Thời điểm đó, anh Nhỏ bị bệnh thần kinh tọa, gai cột sống, khớp chân mà không có tiền chữa chạy, bệnh ngày càng nặng, khi người vợ trẻ đảm đang, hiền hậu đột ngột qua đời, anh Nhỏ như rơi vào một khoảng không vô đáy.

Chuyện của mẹ anh Nguyễn Văn Nhỏ cũng buồn thê lương. Bà bị lạc trong chiến tranh hồi 3, 4 tuổi, được đôi vợ chồng tốt bụng ẵm về nuôi. Năm 19 tuổi, bà lấy chồng, sinh được 3 người con thì chồng mất, ở vậy gồng gánh nuôi con mà không có chút vốn liếng, vườn tược.

Sức khỏe trôi theo những tháng ngày vất vả ấy nên đến bây giờ, khi đã ở tuổi 76, sức bà đã cạn kiệt. Với trường hợp này, nhóm anh Vũ Công Điền kêu gọi trao sinh kế một con bò nhưng cuối cùng gia đình cũng phải bán, góp vào số tiền 40 triệu đồng do chương trình “Đằng sau những cung đường” và Hội Chữ thập đỏ địa phương tặng để sửa lại căn nhà đang nghiêng trước, vẹo sau.

Nhóm từ thiện “Vì Cộng đồng” luôn kêu gọi và tìm đến những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để giúp đỡ, sẻ chia (Trong ảnh: Một chuyến trao quà từ thiện tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam của nhóm hồi đầu năm 2018).
Nhóm từ thiện “Vì Cộng đồng” tìm đến những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để giúp đỡ, sẻ chia. Trong ảnh: Một chuyến trao quà từ thiện tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam của nhóm hồi đầu năm 2018. Ảnh: NVCC

Nhiều người nói rằng, muốn làm từ thiện, trước hết cá nhân người đứng ra kêu gọi phải nhận được sự yêu mến, tin tưởng của mọi người. Mọi câu chuyện quyên góp, giúp đỡ, từ khi khởi nguồn đến khi kết thúc đều tốn nhiều thời gian, tâm sức. Đó là khi họ thu thập thông tin, hình ảnh, viết bài rồi dành thời gian ngồi đọc từng dòng tin, nghe từng cuộc điện thoại và trả lời với tất cả tấm chân tình.

Cũng có khi, người gửi tiền hỗ trợ vì lý do nào đó không thể chuyển khoản qua ngân hàng hoặc không mang đến được, họ phải chạy xe máy hàng cây số dưới trời mưa nắng để nhận khoảng tiền trợ giúp với hy vọng sẽ “góp gió thành bão”.

Là người thường xuyên tham gia các chuyến đi trao tặng quà cùng với nhóm từ thiện “Vì Cộng đồng”, chị Lê Xuyến (thành viên nhóm Vì Cộng đồng) chia sẻ: "Trên chặng đường chúng tôi đã đi, đã đến, đã gặp biết bao hoàn cảnh vô cùng khốn khó, những mảnh đời bệnh tật đeo bám dai dẳng mấy chục năm trời, những cụ bà, cụ ông lưng còng vẫn chật vật mưu sinh bằng tờ vé số hay thúng hàng, mẹt rau ở chợ".

Chị Xuyến kể, có lần về làng Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, khi bắt gặp một cụ bà hơn 75 tuổi đẩy chiếc xe lăn chở theo một người cháu tâm thần bại liệt mà bà đã cưu mang cùng với người chồng mù suốt mấy chục năm, lòng chị chùng xuống, nặng trĩu nhiều ngày sau đó.

Để rồi, như nhiều người đang ngày ngày làm công việc từ thiện khác, sau khi kêu gọi sự trợ giúp của mọi người, chị Xuyến nhẹ nhàng đọc tôi nghe mấy câu thơ gan ruột: “Cuộc đời chỉ một chữ tâm/Ngược xuôi vạn nẻo âm thầm sẻ chia/Cuộc đời đâu chỉ niềm đau/Cộng đồng chung sức, trao nhau nụ cười”...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.