Người lưu giữ hồn quê, nếp nhà

.

ĐNO - Giữa không gian phố thị Đà Nẵng đang phát triển ngày càng sôi động, có một người đàn ông lặng lẽ gom nhặt, lưu giữ và truyền tải hồn quê, nếp nhà qua những đồ vật đơn sơ…

Thấm đẫm tình đất, tình người

Tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, cả cuộc đời tựa nương cùng tình làng nghĩa xóm, ông Nguyễn Văn Hiển (SN 1958, Trưởng ban Hội đồng các gia tộc làng Hoà Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) luôn đau đáu trước tốc độ đô thị hoá đang diễn ra như vũ bão tại nơi chôn nhau cắt rốn.

Giọng trầm tư, ông tâm tình: “Trước đây, khu vực này xanh ngát ruộng đồng. Gia đình tôi 9 đời đều gắn bó với nơi đây. Người dân sinh ra đã keo sơn sâu nặng với tên đất, tên làng. Những vòng đổi công giúp nhau làm ăn thấm đẫm tình đất, tình người. Cái cuốc, cái cày, cái bừa là bạn; cái dậm, cái chài, cái đăng là niềm vui…”.

Ông Nguyễn Văn Hiển giới thiệu từng món đồ vật và những câu chuyện đi cùng
Ông Nguyễn Văn Hiển giới thiệu từng món đồ vật và những câu chuyện đi cùng.

Thế nên, khi ruộng đồng nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, khi những đứa cháu lớn lên không biết cái liềm, cái giằng là gì, ông cứ canh cánh trong lòng. Cho đến một hôm, nỗi trăn trở của ông gặp được “bạn hiền”.

Cùng nhớ thương miền ký ức cũ, ông Hiển và ông Trương Quang Phước (đã mất) chắt chiu ý tưởng gom nhặt, lưu giữ những nông cụ, ngư cụ… gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn từ thuở trước.

“Không còn đất làm nông, những nông cụ cũng phủ bụi nơi góc nhà. Vì vậy, khi xây sửa lại nhà cửa, bà con thường không giữ lại nông cụ, ngư cụ hoặc các vật dụng thô sơ trước đây, phần vì diện tích nhà không đủ chỗ cất giữ, phần vì không đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Chúng tôi khi lưu giữ hiện vật để thế hệ sau hiểu hơn về hồn quê, nếp nhà, về cuộc sống vất vả của cha ông trước đây, để không quên nguồn cội và bản sắc riêng của mình…”, ông Hiển chia sẻ.

Thế là, từ năm 2005, ông và ông Phước lặn lội đến từng nhà truyền tải ước mong giản dị ấy. Lắng nghe nỗi lòng trĩu nặng của họ, rất nhiều người trong làng hăng hái hưởng ứng việc sưu tầm, gìn giữ hiện vật cổ xưa của cha ông. Không ít bà con còn mang hiện vật sang gửi tặng hoặc nhờ ông Hiển lưu giữ giùm. Ông nhận được hiện vật, cảm ơn rồi tỉ mỉ hỏi thăm, lắng nghe, khắc nhớ từng câu chuyện gắn liền và cẩn thận dán giấy thuyết minh.

Mỗi hiện vật - một nét hồn quê, nếp nhà

Ông Hiển bảo, mỗi hiện vật đều mang hơi thở và chứa đựng những thông tin về cuộc sống, tâm hồn nhà nông. Lần lượt đưa cho chúng tôi từng hiện vật, ông giới thiệu: đây là cái tráp, người xưa thường dùng để đựng trầu, cái tráp này đặc biệt vì được làm từ những ngày lao tù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Còn đây là những chiếc đũa làm từ cây sơn, gỗ mun; đây là chiếc hũ có tuổi đời hơn 300 năm…

Không chỉ ghi nhớ “linh hồn” của những hiện vật đang lưu giữ, ông còn có thể kể vanh vách câu chuyện đi cùng hiện vật của các gia đình khác. Đó là bộ nồi đồng 10 chiếc có tuổi đời cả trăm năm của ông Nguyễn Đức, gắn với thời buổi nấu cơm bằng củi, những nồi bánh chưng dịp Tết, những ngày mùa…

Đó là bộ sưu tập đồ đồng (mâm đồng, nồi đồng, trống đồng) và chén cổ gắn với những chuyến đi dọc miền đất nước của ông Trương Quang Phước…

Một số hiện vật cổ xưa mà ông Nguyễn Văn Hiển lưu giữ
Một số hiện vật cổ xưa mà ông Nguyễn Văn Hiển lưu giữ.

“Được bà con hưởng ứng tích cực việc gìn giữ hiện vật cổ xưa, tôi mừng lắm. Khi thấy hiện vật đã có hòm hòm, tôi mới bàn với làng làm gian phòng trưng bày những hiện vật cổ xưa lồng ghép tại lễ hội đình làng Hoà Mỹ vào đầu tháng giêng năm 2017. Hơn 400 hiện vật đã được bày biện tại lễ hội…”, ông cười mà mắt rưng rưng.

Ngừng cơn xúc động hồi lâu, ông khoe: “Hiện vật trưng bày phong phú lắm. Nông cụ thì có liềm, giằng, néo, đòn xóc, cối giã gạo, cối xay thóc, bồ đựng lúa, gàu tát nước… Ngư cụ thì có chài, câu, đơm, đó, dậm, nhũi… Nhiều nhất là những vật dụng sử dụng hằng ngày trong gia đình, nhưng cũng còn có thêm dụng cụ của nghề mộc, nghề may, nghề làm bánh…”.

Nhắc về những ngày lễ hội, niềm hạnh phúc ươm nồng trên từng đường nét gương mặt người đàn ông 60 tuổi. Ông vui khi thấy các cháu thanh thiếu niên tò mò hỏi về quy trình sản xuất ra hạt gạo. Ông sướng rơn khi thấy nam nữ trung niên trong làng rủ nhau cùng ôn lại kỷ niệm. Ông bùi ngùi khi thấy các bậc lão niên rưng rức chạm tay vào từng hiện vật mà mường tượng hồi ức. Tưởng chừng như ông cũng trở thành một phần “linh hồn” của hiện vật cổ xưa.

Thế nhưng, vui đó rồi lại buồn đó. Nỗi buồn lãng đãng khi ngày hội khép lại vội vã. Nỗi buồn trĩu nặng nhìn hiện vật nhà ai thì về lại nhà nấy vì nhà văn hóa không đủ điều kiện bảo quản, gìn giữ.

Trong ánh chiều tà còn sót lại của ngày hè, giọng ông nao nao đến dằng dặc: “Mỗi một đồ vật tưởng chừng đơn sơ lại chứa đựng chiều dài lịch sử, tinh hoa văn hoá của dân tộc. Nếu chúng ta không kịp thời gìn giữ thì chẳng mấy chốc mà những đồ vật của hồn quê, nếp nhà xưa sẽ biến mất. Giá mà mọi người có thể nhìn ngắm những hiện vật ấy ở một bảo tàng nhà nông được mở cửa thường xuyên và thuyết minh bài bản mà không phải đợi lễ hội 4 năm/lần…”.

Trân trọng biết bao một hồn người dung dị mà nghĩa tình!

Bài và ảnh: KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.