Tháng ba, ở khu cách ly Đồng Nghệ...

.

ĐNO - “Hôm nay là ngày thứ 12 chúng tôi ở nơi này (Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ, sau đây gọi tắt là trung tâm – PV), vẫn chưa thể về nhà…”, điều dưỡng Trần Thị Dạ Nhung đưa mắt nhìn về khu vực cách ly phía trước mặt chị. Đúng 12 ngày ở đây, cũng là 12 ngày chị chưa được nhìn mặt đứa con thơ bé, chưa được nấu bữa cơm cho chồng, chưa được vẹn tròn một giấc ngủ bên mái ấm nhỏ.

Ảnh: XUÂN SƠN
Một góc khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Điều dưỡng Nhung cùng với một đồng nghiệp nữ là chị Nguyễn Thị Hồng Ân đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Cả 2 chị được điều động làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 tại Đồng Nghệ đúng vào ngày 24-2, là thời điểm thành phố bắt đầu tiếp nhận và cách ly 57 công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc.

Chị Ân kể lại: “Đó là một cuộc điều động bất ngờ từ cấp trên và chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn chừng 2 giờ đồng hồ để thu xếp, chuẩn bị lên Đồng Nghệ nhận nhiệm vụ. Ban đầu cũng “sợ” lắm chứ, dịch diễn biến phức tạp mà mình lại là người trực tiếp ra vào nơi cách ly. Rồi ba mẹ lo lắng, rối rít hỏi: “Sao con lại là người làm nhiệm vụ này?”. Lúc ấy, mình chỉ biết chuẩn bị đầy đủ nhất có thể để bảo vệ bản thân mình và làm tốt việc được giao. Nhà mình chỉ cách trung tâm có 3km mà cũng chưa thể về”.

Cũng cùng tâm trạng với chị Ân, chị Nhung chia sẻ: “Lúc được phân công, mình chạy đi, chưa kịp về nhà tạm biệt con hay gặp chồng. Con mình năm nay 5 tuổi, bây giờ chỉ có thể gặp con qua những cuộc gọi video mỗi tối - lúc công việc đã tạm rảnh, nhưng cháu lại “dỗi” mẹ, không thèm nói chuyện với mẹ nữa vì mẹ đi mãi không về. Chồng thì ngày nào cũng nhắn mình giữ sức khỏe để làm việc”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Chị Nhung (trái) và chị Ân nhận hoa trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh: XUÂN SƠN

Câu chuyện của chị Nhung được kể trong trạng thái nửa vui nửa buồn. Buồn vì xa gia đình, nhưng vui là bởi cả hai chị cũng như những người ở tuyến đầu chống dịch đang dần thích nghi với áp lực và trở thành “người nhà” của những người đang được cách ly tại trung tâm.

Tính đến ngày 7-3, trong số 272 người được cách ly tại đây, có tới 144 người là nữ, bên cạnh những công việc bình thường như đo thân nhiệt 2 lần/ngày, phát khẩu trang y tế, giám sát sức khỏe, tiếp nước rửa tay, chị Ân và chị Nhung kiêm thêm một số công việc không tên và có phần “tế nhị” được gọi chung là “phục vụ nhu cầu của chị em phụ nữ”.

Theo chị Nhung, những người được cách ly hầu hết là du học sinh, thanh niên. Mọi người sống rất hòa nhã, vui vẻ và thoải mái với nơi ở có phần “bất đắc dĩ” này. Thậm chí, có người mạnh khỏe sau khi trải qua gần hết thời gian 14 ngày cách ly đã xin phép được ở lại thêm mấy ngày nữa vì… “ở đây vui quá”.

T. - một du học sinh chia sẻ: “Ở đây em và các bạn được ăn 3 buổi/ngày, được hỗ trợ đầy đủ từ chăm sóc sức khỏe nói chung cho tới cái sim điện thoại để liên lạc. Các anh, các chị thì rất nhiệt tình, nhờ cái gì cũng giúp. Nhiều khi thấy còn vui hơn ở nhà”. Nói xong, T. nhìn ra khu đất trống mát rượi dưới bóng cây trước mặt, ở đó có một nhóm bạn trẻ đang đàn hát sôi nổi, cách đó không xa lại có một nhóm chơi bóng chuyền. Chính không khí này đã khiến những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ tại Đồng Nghệ những ngày qua vơi bớt chút áp lực.

Ảnh: XUÂN SƠN
Chị Nhung (phải) và chị Ân (giữa) chuẩn bị đi đo thân nhiệt cho các công dân tại khu cách ly. Ảnh: XUÂN SƠN

2. Tại trung tâm, đều đặn ngày 2 buổi, chị Nhung và chị Ân đến từng khu, từng phòng để đo thân nhiệt cho từng người. Số người được cách ly đông nhưng chỉ có 2 nữ điều dưỡng thực hiện công việc này. Thời điểm đo thân nhiệt thường là 8 giờ sáng và 3 giờ chiều, mỗi lần đi đo hết cho tất cả mọi người áng chừng 3 tiếng/buổi, như vậy mỗi ngày các chị mất ít nhất 6 tiếng đồng hồ tiếp xúc trực tiếp với người được cách ly. “Đi mà chân mỏi nhừ”, chị Ân kể.

Nhưng cái “mỏi nhừ” đó vẫn chưa là gì nếu so với cái mỏi của cặp mắt, mỏi của tấm lưng và cơn đói. Thời điểm cuối tháng 2-2020, những công dân nằm trong diện cách ly được đưa về trung tâm liên tục, có khi ban ngày, có khi ở lúc giữa khuya. Thế nên mới có chuyện những cán bộ y tế chưa kịp đưa miếng cơm lên miệng đã phải buông chén, chưa kịp ngả lưng chợp mắt đã phải trở dậy mặc đồ bảo hộ, sửa soạn đầy đủ để tiếp nhận người cách ly.

“Dịp 27-2, rồi ngày 28-2 là ngày lễ, ngày kỷ niệm của ngành y tế và là ngày đáng nhớ nhất với mình bởi các trường hợp cách ly được đưa về liên tục. Lúc đó, chưa kịp quen với áp lực, lại lạ chỗ nên vừa mất ngủ vừa mệt lả người…”, chị Nhung kể. Nếu ai ngồi đối diện với chị, sẽ dễ dàng nhận thấy cặp mắt thâm quầng.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho công dân tại khu cách ly. Ảnh: XUÂN SƠN
Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho công dân tại khu cách ly. Ảnh: XUÂN SƠN

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay là ngày lễ đặc biệt nhất với các chị - là một ngày lễ trong khu cách ly. Chị Ân nói, nếu là 8-3 như mọi năm, chị sẽ ở nhà để ăn một bữa thật ngon và tặng hoa cho mẹ, hoặc hẹn bạn bè la cà ở quán xá nào đó. “Năm nay khác rồi, bảo không buồn thì không đúng. Trách nhiệm với công việc là trên hết mà!”, chị Ân chia sẻ.

Năm nay, các chị vẫn có hoa và quà, đó là những món quà mang ý nghĩa động viên, lời chia sẻ khích lệ từ các cơ quan, đơn vị. Cầm trên tay bó hoa rực rỡ, các chị không quên trao đổi với chúng tôi thông tin về trường hợp thứ 17 dương tính Covid-19 tại Việt Nam.

Chúng tôi tạm biệt các chị ra về, sau khi tiến hành một loạt thao tác rửa tay, sát khuẩn. Sau lưng chúng tôi, hai nữ điều dưỡng trẻ tuổi đang “gói” mình trong bộ đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân. Họ, nhắn nhủ với chúng tôi ước mơ như bao người, đó là một sáng thức dậy không còn nghe đến Covid-19 nữa, vậy thôi!

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.