ĐNO - Nằm cuối đường Dũng Sĩ Thanh Khê, có một ngôi “làng” mang tên “Hy Vọng”. Trong ngôi làng ấy đang cưu mang những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ đến từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với mong muốn các em tìm được con chữ, cái nghề để làm hành trang vào đời. Để rồi từ đây, cuộc đời các em được sang trang mới!
Cô Hà Thị Thành soạn giáo án trong một buổi chiều muộn. |
Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Làng Hy Vọng đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dạy gần 900 em là trẻ mồ côi, khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện làng đang chăm sóc, nuôi dạy 111 trẻ em từ 6 đến 18 tuổi, trong đó có 33 em bị khiếm thính.
Những em bình thường sẽ theo học tại các trường bên ngoài. Những em khiếm thính được các cô, các mẹ dạy dỗ ngay tại làng. Dạy dỗ trẻ em đã khó, nên việc dạy và giúp cho trẻ em khiếm thính hòa nhập với môi trường xã hội lại càng khó hơn gấp bội phần.
Ấy vậy mà gần 30 năm qua, cô Hà Thị Thành, 63 tuổi - người được các em ở làng gọi với cái tên rất thân thương - bà ngoại; còn với cán bộ, nhân viên, cô Thành vẫn ngày ngày miệt mài biên soạn giáo án, sớm, tối đi về để trao truyền từng ngôn ngữ ký hiệu, uốn nắn từng con chữ cho trẻ em khiếm thính đang được chăm sóc, nuôi dạy tại làng.
Để bảo đảm cho các em tiếp thu kiến thức, cô đã phân chia 15 em thành 2 lớp. Một lớp 8 em nam, 1 lớp 7 em nữ, độ tuổi từ 8 đến 12. Có lẽ đây là lớp học ít học sinh nhất nhưng cô giáo lại lớn tuổi nhất trong số các ngôi trường ở thành phố. Tuy số học sinh ít nhưng công việc mỗi ngày đến lớp của cô lại thật nhiều.
Trước khi vào tiết học mới, cô ân cần kiểm tra bài cũ xem các em đã làm hết chưa, nếu chưa thì cô lại ôn tập, giúp từng em nhớ lại bài cũ rồi mới học bài mới. Đó là chưa kể có hôm phải động viên, âu yếm, vỗ về vì các em nhớ nhà, ngồi khóc không chịu học; rồi có em bị tăng động nên không tập trung, chọc ghẹo các bạn khác.
Ấy vậy mà cô vẫn cứ kiên trì, ân cần với từng em để chỉ bày vì cô hiểu rằng bản thân các em không hề muốn điều đó mà nguyên nhân chính là những khó khăn, nỗi đau, nỗi buồn mà các em đang mang dẫn đến. Sự ân cần, yêu thương của cô đã giúp cho các em ổn định về nhận thức và hành vi, tiếp thu từng ký hiệu ngày một nhanh hơn, nhiều hơn.
Cô Thành tâm sự cô đã khóc rất nhiều lần trong khoảng thời gian gần 30 năm làm công việc dạy dỗ cho các em khiếm thính. Cô khóc bởi hoàn cảnh mà các em đang mang trên tấm thân gầy bé nhỏ. Sau mỗi giọt nước mắt rơi cô lại càng gần gũi, quan tâm đến các em nhiều hơn, từ đó cô tìm tòi phương pháp, kỹ năng để tiếp cận, trao đổi, dạy dỗ các em được hiệu quả hơn.
Vì nhiều lý do như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trẻ khiếm thính của làng còn hạn chế, sự tiếp thu của các em rất chậm nên cô Thành phải dạy cho các em học 2 năm 1 lớp để bảo đảm các em học ký hiệu nào nắm chắt ký hiệu đó, giải bài tập nào hiểu rõ bài tập đó, rèn kỹ năng nào thành thạo kỹ năng đó.
Để các em sớm được hòa nhập với môi trường sống, học tập tại làng, cô thường xuyên tìm hiểu, trao đổi với người thân của các em cũng như các mẹ của làng để nắm bắt thêm đặc điểm, tính cách, tâm lý từng em. Nhờ sự kiên trì và tình thương yêu vô điều kiện, những học trò bé nhỏ của cô đã từng bước lớn khôn hơn; biết cách ứng xử lễ phép với thầy cô, với khách đến thăm, với người lớn tuổi; xây dựng mối quan hệ tình cảm hòa nhã với bạn bè như anh em trong một đại gia đình.
Cô Thành chia sẻ thêm, trong số những em mà cô đã dạy, cô nhớ nhất là em L.V.Tr, 12 tuổi (quê Trà My, Quảng Nam), ở làng đã được 5 năm. Em vừa bị khiếm thính, lại thêm chứng tăng động giảm chú ý nên thường không tập trung, hay chọc phá bạn.
Cô phải rất nhẫn nại, kiên trì và thường xuyên trao đổi, phối hợp với gia đình để động viên, khuyên nhủ. Ngoài giờ học, cô thường tiếp xúc, xem em như bạn của mình để đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của em để hiểu em hơn. Giờ đây em đã ổn định tâm trí, khả năng tập trung ổn định hơn, tiếp thu bài vở tốt hơn, sinh hoạt cũng nề nếp hơn.
Hằng đêm, khi học trò của mình đã đi ngủ thì cô giáo Hà Thị Thành vẫn cần mẫn soạn từng trang giáo án; tìm tòi, học hỏi những phương pháp, kỹ năng để giảng dạy cho các em được hiệu quả.
Chị Lê Phương Thảo, Phó Giám đốc Làng Hy Vọng cho biết thêm: “Cô Thành không chỉ là người gắn bó kể từ ngày mới thành lập làng mà cô còn là người truyền cảm hứng, giúp học sinh của làng trang bị kỹ năng để học tập, hòa nhập với cuộc sống, với xã hội được tốt hơn; là người luôn kiên trì, nhẫn nại để kèm cặp, dạy dỗ cho trẻ em khiếm thính. Cô luôn yêu thương và xem các em như con của mình. Cô thật sự là người gieo mầm hy vọng cho trẻ em khiếm thính”.
Thời gian trôi qua, với tình thương yêu, dạy dỗ của thầy cô cũng như các mẹ, học sinh của làng cũng ngày càng lớn khôn, trưởng thành hơn; nhiều em có được công việc làm ổn định, tạo dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều em đã quay trở lại làng - nơi đã một thời cưu mang, dạy dỗ để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ cho những em đi sau tiếp tục vững bước trên đường đời.
LINH ĐAN