ĐNO - Tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố), những cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn cần mẫn, chăm chút cho từng bệnh nhân tâm thần. Mỗi bệnh nhân một tính cách khác nhau nhưng khi lên cơn thì đều hát hò, la hét, khóc rồi cười vô cớ rồi đập phá đồ...
Chị Hồ Thị Hợi (đứng) tổ chức sinh hoạt cho bệnh nhân tâm thần. |
Trong số viên chức, lao động của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, phải kể đến chị Hồ Thị Hợi, người có thâm niên 23 năm.
Dáng người tuy nhỏ nhắn nhưng ngược lại chị rất nhanh nhẹn, tháo vát, hoạt bát trong công việc - một công việc không dành cho những người “yếu tim”, đặc biệt là nữ giới. Sở dĩ phải nói như vậy bởi chăm sóc bệnh nhân tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm khi bị bệnh nhân lên cơn kích động hành hung.
Hoàn cảnh mắc bệnh của họ cũng khác nhau, có thể do mắc phải những cú sốc tinh thần, làm việc quá căng thẳng hay do bị áp lực từ cuộc sống mà phát bệnh và phần lớn các bệnh nhân ở Trung tâm có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà, nhiều người bị đa khuyết tật nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều do các điều dưỡng của Trung tâm phụ trách.
Một ngày khởi đầu trong công việc của chị Hợi cũng như đồng nghiệp bắt đầu từ 5 giờ 30 để báo thức, làm vệ sinh, cho bệnh nhân ăn sáng. 7 giờ 30 đến 8 giờ, tắm giặt cho bệnh nhân; sau đó cho họ tắm nắng, chăm sóc những bệnh nhân già yếu nằm tại chỗ, rồi tập vật lý trị liệu. 10 giờ đến 11 giờ cho bệnh nhân ăn, uống thuốc. Buổi chiều bắt đầu lúc 13 giờ 30 và kết thúc công việc hằng ngày vào lúc 21 giờ khi bệnh nhân đi ngủ.
Để hoàn thành chừng ấy công việc với 28 bệnh nhân (nữ) mà chị đang quản lý, chăm sóc; trong đó có 18 người tâm thần đặc biệt nặng, 10 người bị khuyết tật, rồi họ còn bị thêm tiểu đường, huyết áp là cả một sự nỗ lực rất lớn.
Những công việc mà chị Hợi phải làm như vừa nêu là mới chỉ dành cho những bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm. Chị Hợi chia sẻ: “Mỗi công việc có đặc thù khác nhau, nhưng với việc quản lý, chăm sóc, điều trị cho người tâm thần không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm mà trên hết là tình yêu thương con người thật sự”.
Đó là mới kể ở Trung tâm chứ mỗi khi có bệnh nhân ốm đau chuyển bệnh viện tuyến trên điều trị thì chị Hợi càng vất vả hơn nhiều vì phải trực tiếp đến bệnh viện chăm sóc, quản lý bởi nếu không chú ý, sơ xuất là bệnh nhân có thể bỏ đi bất cứ lúc nào.
Vất vả là vậy nhưng khi được hỏi, sao chị không tìm cho mình công việc khác thì chị cho biết: “Mỗi người có một quan điểm, một cách sống riêng nên công việc cũng vậy. Gần 23 năm làm việc với bệnh nhân tâm thần, gắn bó với Trung tâm nhưng mình chưa bao giờ có suy nghĩ ấy. Nếu có quay trở lại những ngày đầu tiên thì mình vẫn lựa chọn công việc này. Công việc mà mình không còn coi là nghề mà đó chính là “nghiệp"”.
Bệnh nhân tâm thần cũng cần có cách ứng xử và thái độ phục vụ đặc biệt, nên ngoài việc chăm sóc, chị Hợi còn đóng vai “bác sĩ tâm lý”. Chị thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh và hoàn cảnh của từng người. Nhờ đó, chị đã thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Những lúc người bệnh buồn chán vì không có người thân thăm nom muốn được về nhà sẽ có những hành động kích động, không kiềm chế cảm xúc, chị Hợi hiểu được tính tình của mỗi bệnh nhân mà lựa lời an ủi, động viên để họ an tâm trở lại.
Ông Tán Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần cho biết: “Cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, trong đó, chị Hồ Thị Hợi là gương điển hình của đơn vị”.
Khi được hỏi chị có mong muốn gì để công việc của mình được tốt hơn, chị Hợi tâm sự: “Mình mong sao sức khỏe được bảo đảm để đáp ứng yêu cầu công việc; mong xã hội có cái nhìn đúng đắn, nhân văn, thiện cảm với bệnh nhân tâm thần để họ được sống trong tình thương yêu, chia sẻ của gia đình, cộng đồng”.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền chị Hồ Thị Hợi được cấp trên công nhận hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, chị được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức và nhận bằng khen của Bộ trưởng.
Rời Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần ra về mà hình ảnh chị Hồ Thị Hợi cứ đọng mãi trong tôi. Chị và đồng nghiệp của mình cứ như những con ong cần mẫn hút mật dâng hương làm đẹp cho đời; mang lại sự an yên cho những phận đời, phận người kém may mắn - những người có thể coi Trung tâm là mái ấm phía cuối đời của mình; góp phần mang lại sự thành công của Chương trình “5 không” của thành phố, xây dựng thương hiệu thành phố nhân văn, nghĩa tình, đáng đến và đáng sống.
QUỲNH LINH