Những sáng kiến hay của sinh viên

.

ĐNO - Vừa qua, các sinh viên thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã tham gia và đoạt giải thưởng của cuộc thi “Thử thách sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2023 với nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Đội 𝗚𝗼𝗹𝗱𝘀𝘁𝗲𝗶𝗻 𝗕𝗶𝗿𝗱𝘀 đã giành giải Đội được dẫn dắt bởi nữ sinh tốt nhất.
Đội Goldstein Birds đã giành giải Đội được dẫn dắt bởi nữ sinh tốt nhất.

Cuộc thi này được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình USAID và Dow Vietnam STEM Program, qua đó tổng kết sự kiện IEC Expo Showcase để lại dấu ấn, ghi nhận thành quả sau 5 tháng tham gia Chương trình IEC của gần 200 SV và 20 giảng viên đến từ các trường ĐH đào tạo lĩnh vực khối ngành kỹ thuật thuộc các tỉnh, thành phố trong toàn quốc như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trà Vinh.

Trải qua gần 6 tháng làm việc từ lúc lên ý tưởng, thiết kế, thực hiện ý tưởng của mình với việc tận dụng các phế phẩm từ bã mía và vỏ trấu qua xử lý chế tạo thành ván nhân tạo thay cho việc dùng ván gỗ, nhóm Goldstein Birds gồm các bạn sinh viên từ lớp 21SH1, ngành Công nghệ Sinh học, khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa đã rất nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để tạo ra được sản phẩm như mong muốn.

 Nhóm trưởng nhóm Goldstein Birds Huỳnh Mai Thi cho biết: “Tụi em nhận thấy rằng bã mía và bã bia ở Việt Nam có thể được sử dụng làm nguyên liệu tiềm năng để tạo ra vật liệu xanh. Tuy nhiên, hầu hết trong số chúng không được sử dụng hoặc xử lý cách không hiệu quả. Trước những thực tế đó, nhóm chúng tôi đã nảy ra ý tưởng tận dụng bã mía và chất thải bia phát triển vật liệu xanh mới thay thế gỗ tự nhiên”.

Mục đích của đề xuất này là tạo ra một sản phẩm ván nhân tạo được tái chế từ bã mía và bã trấu và có thể thay thế các sản phẩm tự nhiên. Bên cạnh đó, nhóm thay thế keo formaldehyde được sử dụng truyền thống, thải ra khí độc hại, ít thân thiện với môi trường bằng chất kết dính sinh học an toàn cho sức khỏe và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Và cuối cùng, sản phẩm sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng, giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe.

Trong quá trình làm dự án, nhóm đã gặp những khó khăn như trong việc tìm kiếm nguyên liệu. Việc sử dụng những máy móc, thực hiện các công việc nặng để làm nên sản phẩm cũng là một trong những trở ngại lớn đối với nhóm. Dẫu vậy, các bạn vẫn nỗ lực vượt qua để hoàn thành sản phẩm của mình. Đội Goldstein Birds đã dành giải Đội được Dẫn dắt bởi nữ sinh tốt nhất với dự án tạo ra một sản phẩm ván nhân tạo được tái chế từ bã mía và có thể thay thế các sản phẩm tự nhiên.

Còn với đội BKM - AL, đội đã góp mặt với dự án xây dựng một robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý nhân sự một cách thân thiện và bảo mật, hệ thống có thể giúp nhận diện người quen và người lạ một cách nhanh chóng, cũng như trong trường hợp đeo khẩu trang hay đeo kính và hạn chế tình trạng đối phó và giả mạo trong check-in và check-out và giành giải ba trong cuộc thi,

Bạn Nguyễn Thành Trung, trưởng nhóm cho biết, ý tưởng bắt đầu từ việc muốn quản lý nhân sự và tránh mất và thất lạc các thiết bị trong phòng lab của CLB Nghiên cứu khoa học BK-Maker. Nhóm đã bắt đầu nghiên cứu các thiết bị IoT sử dụng thẻ từ để có thể quản lý nhân sự cũng như các thiết bị trong phòng Lab của CLB. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực nghiệm, đã xảy ra nhiều vấn đề như nhiều thành viên quên mất thẻ từ hoặc cho mượn, cũng như không thể kiểm soát được tình trạng người vào phòng CLB.

Vì vậy, các thành viên trong CLB đã xây dựng một thuật toán nhận diện khuôn mặt trên một thiết bị edge device nhỏ gọn. Trong quá trình triển khai thực nghiệm, nhóm đã nhận được phản hồi từ các thành viên trong CLB và từ đó mong muốn nó có thể tương tác với mọi người hơn.

Theo Trung, tính ưu việt và độc đáo là các bạn đã xây dựng được một hệ thống AI quản lý nhân sự hoàn thiện với robot lễ tân có ngoại hình thân thiện, tích hợp các công nghệ giọng nói, cử chỉ tương tác với người dùng. Một trong những hệ thống check-in tiên tiến và đầu tiên tại Đà Nẵng.

Đồng thời tích hợp nhiều mô hình AI với nhau , các mô hình AI có độ chính xác cao, đặc biệt là mô hình nhận diện khuôn mặt có độ chính xác hơn 98%; sử dụng các dịch vụ lưu trữ dữ liệu bảo mật cao và tốt nhất hiện nay; xây dựng được một trang web để theo dõi và quản lý trực quan, dễ sử dụng.

Trung cho biết, thời gian đến, các bạn sẽ liên hệ lắp đặt tại các địa chỉ ứng dụng như phòng lab, phòng học, các CLB học thuật tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, các công ty trên địa bàn Đà Nẵng. Đồng thời liên tục cập nhật các mô hình AI mới và nghiên cứu cải thiện tốc độ, độ chính xác

Hệ thống được xây dựng sẽ nhận được dữ liệu về hình ảnh của khuôn mặt, tên và ID của người có thẩm quyền vào lối vào. Khi mọi người tiếp cận robot ,bằng các thuật toán học máy, học sâu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nó bắt đầu kiểm tra,  quét người đang tiếp cận và kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu. Robot sẽ thông báo xem việc kiểm tra của người đó có phải đã có trong tập dữ liệu hay không. Trong trường hợp  đã kiểm tra thành công, thông tin của người sẽ được cập nhật trên trang web.

Trang web sẽ trực quan hóa thông tin và tương tác với những người đang có nhu cầu, người dùng có thể dễ dàng truy cập và cho người quản lý quản lý. Những người quản lý có thể phân tích dữ liệu và sử dụng nó cho nhiều mục đích như bảo mật, theo dõi, tham dự…

Trung cho biết nhóm đã nghiên cứu và tạo ra một con robot ngoài tính năng nhận diện khuôn mặt, nó còn có thể tương tác với người dùng. Trong tương lai, nhóm mong muốn phát triển thêm tính năng di chuyển và tính năng trợ lý ảo để có thể tương tác trực tiếp với con người một cách thông minh hơn.

BẢO VÂN

;
;
.
.
.
.
.