ĐNO - Mô hình vườn - ao - chuồng đã mang lại thu nhập cao, bền vững cho ông Võ Văn Khoa (sinh năm 1968), trú thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn (Hòa Vang), đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Ông Khoa đang chăm sóc cá. |
Trước đây ông Khoa trồng lúa và sen nhưng cho thu nhập thấp, nhiều năm liền thua lỗ do khu vực này đất trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Sau nhiều chuyến khảo sát, tìm hiểu cặn kẽ, ông Khoa nhận thấy lợi thế diện tích đất rộng, nên chủ động xin dồn điền đổi thửa với các hộ xung quanh để tạo khu đất liền mảnh và tiến hành đào ao nuôi cá.
Năm 2015, với diện tích 1,5ha, ông đầu tư 500 triệu đồng để đào 4 ao nuôi cá và một hồ ươm cá giống. Khi mới thực hiện, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật, thời gian đầu cá chết nhiều dẫn đến thua lỗ. Không bỏ cuộc, với ý chí, nghị lực, sự chịu khó, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, ông Khoa vừa nghiên cứu từ sách vở, kỹ thuật trên truyền hình, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi phát triển và tích cực tham gia các lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân xã Hòa Sơn và Hội Nông dân huyện Hòa Vang tổ chức.
Ông Khoa cho hay, sau thất bại lần đầu, ông biết được những sai sót về kỹ thuật, đặc tính của mỗi loại cá nên đã cải tạo lại ao nuôi, xử lý đáy ao, vệ sinh môi trường nước và xung quanh ao, cho cá ăn theo đúng hướng dẫn.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên vụ cá đầu cho năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Phát huy lợi thế của mình, ông tiếp tục làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân” để mở rộng diện tích ao nuôi thêm 10.000m2.
Tuy nhiên, mới được vài vụ mùa, việc nuôi cá nước ngọt thương phẩm gặp khó khăn về đầu ra, giá cả không ổn định, thương lái thường hay ép giá. Không nản chí và được sự động viên của địa phương, gia đình, ông Khoa chuyển sang hướng mới - kết hợp mô hình nuôi cá nước ngọt với dịch vụ câu cá giải trí, tổ chức dã ngoại, liên hoan theo xu thế thịnh hành lúc bấy giờ.
Theo ông Khoa, nuôi cá câu vất vả hơn nhiều so với nuôi cá thương phẩm nhưng đổi lại cho giá trị kinh tế cao hơn. Nếu nuôi cá thương phẩm khoảng 6 tháng sẽ xuất bán, còn ao nuôi cá câu sẽ tiếp tục nuôi từ 8 đến 10 tháng để phục vụ khách câu tại hồ.
Để đảm bảo cho cá phát triển, ông Khoa luôn đảm bảo vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, cho nước mới vào ao buổi sáng để tạo oxy cho cá và xả nước ra vào buổi chiều. Nguồn thức ăn được nấu chín rồi mới cho cá ăn nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước và cá ăn nhanh hơn. Đồng thời, ông bổ sung thêm bột để cá mau lớn, khỏe mạnh.
Ông Khoa kết hợp nuôi nhiều loại trong cùng một ao như: cá ba sa, chim trắng, diêu hồng, trắm cỏ, chép, trôi, mè, rô phi,….
Giá dịch vụ câu giải trí là 50.000 đồng/người (không lấy cá), phí dịch vụ câu 20.000 đồng/người. Du khách có thể mua cá do mình câu được theo nhu cầu với giá từ 25.000 đến 65.000 đồng/kg (tùy loại). Mỗi ngày có hàng chục người đến câu cá, tham quan mô hình của ông.
Mô hình nuôi cá kết hợp dịch vụ câu cá giải trí, du lịch sinh thái đem lại cho gia đình ông Khoa mức thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng; giải quyết việc làm cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh nuôi cá thương phẩm và phục vụ câu giải trí, ông Khoa còn trồng vườn cây ăn trái với 200 trăm cây xoài và dừa, đàn bò gần 20 con, gần 100 con gà giống và thương phẩm, cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ngay trong vườn nhà ở, ông Khoa hiện trồng hàng trăm cây mít chuẩn bị cho thu hoạch.
Để đảm bảo chất lượng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà, ông Khoa nuôi giun quế và sâu canxi để làm nguồn thức ăn.
Để có được thành quả, cơ ngơi tiền tỷ như hôm nay, ông Khoa cùng gia đình của mình đã phấn đấu không mệt mỏi; đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và nước mắt trên vùng đất trũng. Không chỉ chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ông Khoa luôn nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt giúp bà con phát triển kinh tế.
Nhiều năm qua, ông Khoa được hội viên nông dân tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng. Ông luôn năng nổ trong các hoạt động và phong trào hội, có nhiều đóng góp, mang lại lợi ích cho cộng đồng và là gương điển hình trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, huyện và thành phố.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, họp thôn, ông Khoa từng bước vận động hội viên, nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, ông trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các buổi tham quan, học tập mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiêu biểu ngay trên địa bàn thôn, xã, huyện.
Dù bận rộn với công việc nhà nông và phục vụ, quản lý khách đến câu cá nhưng ông luôn tích cực tham gia công tác hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên trong chi hội thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như thúc đẩy các phong trào thi đua của hội, của địa phương, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết: "Hơn 10 năm tham gia công tác hội, ông Võ Văn Khoa luôn được chính quyền địa phương cũng như hội nông dân các cấp quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình và làm tròn vai trò chi hội trưởng. Ông Khoa đã có nhiều đóng góp thiết thực, giúp nhiều bà con có công việc làm ổn định, đưa hoạt động của hội ngày càng phát triển. Mô hình kinh tế của ông Khoa là mô hình điểm để hội tuyên truyền, động viên hội viên, nông dân tham quan, học hỏi và nhân rộng để phát triển kinh tế”.
LINH NGUYỄN