Lan tỏa mạnh mẽ phong trào phụ nữ khởi nghiệp

.

ĐNO - Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với nhiều lứa tuổi, ngành nghề, đặc biệt là chị em có hoàn cảnh khó khăn đã làm góp phần giàu cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Chị Hồ Thị Ngọc Oanh đạt giải nhất ý tưởng hội thi khởi nghiệp quận Sơn Trà 2024 với sản phẩm từ mè đen.
Chị Hồ Thị Ngọc Oanh đạt giải nhất ý tưởng hội thi khởi nghiệp quận Sơn Trà 2024 với sản phẩm từ mè đen.

Ý tưởng khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn được nhen nhóm kể từ năm 2017, lúc đó, gia đình chị trồng khoảng 100m2 gừng củ nhưng đến lúc thu hoạch gặp giá thấp, không có người mua. Nhờ được gợi ý cách làm trà gừng truyền thống từ người bạn, chị nghiên cứu, thử nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, chị tìm ra được hương vị trà gừng hài lòng nhất và được đông đảo bạn bè tin dùng, ủng hộ. Từ đó, chị mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển thương hiệu trà gừng Tâm Nguyên.

Từ năm 2020 đến nay, chị Nguyệt mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng mới để thuận lợi cho quá trình sản xuất. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, đến năm 2021 thương hiệu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố. Đến nay, sản phẩm do gia đình chị sản xuất đã có mặt hầu hết trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

“Nhờ tham gia chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp”, tôi được Hội LHPN quận và Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn động viên và tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay khi có nhu cầu phát triển sản xuất. Tôi được tập huấn về chuyển đổi số và đăng ký sáng chế cũng như tham gia trưng bày sản phẩm tại các chương trình do Hội LHPN thành phố và quận tổ chức hằng năm”, chị Nguyệt nói.

Chị Cao Thị Lúa, chủ Cơ sở sản phẩm Nhà Mật, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, mạnh dạn khởi nghiệp được 7 năm qua. Chị Lúa lựa chọn khởi nghiệp bằng sản phẩm mứt, nghệ.

Ban đầu, chị Lúa liên kết với các hộ nông dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Tây Nguyên để thu mua nguyên liệu nghệ tươi và gừng. Sau đó, chế biến thành những sản phẩm như mứt nghệ, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên tinh nghệ mật ong, mứt gừng…

“Ban đầu khách hàng của mình chủ yếu là người quen. Dần dà, người dùng trước thấy hiệu quả, giới thiệu cho người sau, cứ thế truyền nhau. Đến nay, nhiều đại lý phân phối sản phẩm của mình ở các tỉnh, thành cũng từng là khách hàng cũ của Sản phẩm Nhà Mật”, chị Lúa nói.

Với dòng sản phẩm chủ lực từ củ nghệ, trung bình mỗi năm, sản phẩm của cơ sở chị Lúa được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường khoảng trên 1 tấn tinh bột nghệ, tương đương với hơn 20 tấn củ nghệ tươi và khoảng 3 tấn mứt gừng, tương đương khoảng 5 tấn gừng tươi, mang lại doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị Lúa thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, cơ sở của chị Lúa còn kết nối, nhận bao tiêu đầu ra cho củ nghệ, củ gừng của nông dân và hội viên phụ nữ ở thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ khó khăn.

“Nhờ sự giúp đỡ của các cấp Hội phụ nữ, sản phẩm của cơ sở được thị trường biết đến nhiều hơn. Hướng sắp tới của cơ sở sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ”, chị Cao Thị Hương Lúa cho hay.

Để mở rộng sản xuất, chị Nguyễn Thị Thanh Nhung, trú quận quận Cẩm Lệ, vay 100 triệu đồng từ ngân hàng, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc khá hiện đại. Mỗi năm, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nướng Thiên Phước của chị Nhung sản xuất 4 tấn bánh đậu xanh, cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Trung và miền Nam.

Hiện cơ sở của chị Nhung tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nữ ở địa phương, với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 8 - 10 triệu đồng/người.

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chia sẻ, HTX được thành lập từ tháng 3-2023 với 19 thành viên chính thức và 285 thành viên liên kết. Nói về ý tưởng khởi nghiệp của mình, chị Trâm cho biết, HTX được thành lập với vai trò bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn văn hóa, đặc biệt là nét đẹp trong phong tục, tập quán của đồng bào Cơ tu.

Bên cạnh đó, thông qua hình thức du lịch học tập cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho bà con tại địa phương. Hiện nay, HTX có các tổ nông nghiệp, lâm nghiệp, tổ du lịch cộng đồng và dịch vụ khác sẵn sàng phục vụ các đoàn đến tham quan, học tập từ các tỉnh, thành. HTX còn đón tiếp các đoàn từ các trường học từ tiểu học cho đến các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố hiện có có trên 1.000 mô hình phụ nữ khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nữ hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo. Những năm năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành đã đứng ra tín chấp với ngân hàng, giúp hơn 10.000 lượt hội viên phụ nữ vay gần 300 tỷ đồng, phát triển sản xuất kinh doanh. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố còn liên kết với các đơn vị hỗ trợ xử lý đầu ra, bao tiêu sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Nguyễn Thị Huyền, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất trong hội viên. Qua phong trào khởi nghiệp đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.

“Chúng tôi luôn song hành với chị em phụ nữ để chị em có điều kiện tốt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng chủ động triển khai nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển. Đây là nguồn quỹ do UBND thành phố giao Hội quản lý để giúp cho các chị em phụ nữ làm kinh tế”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Nguyễn Thị Huyền cho biết thêm.

MIÊN THẢO

;
;
.
.
.
.
.