ĐNO - Có thể nói, cả cuộc đời của người phụ nữ ấy gắn liền với công tác xã hội và lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc. Cho đến bây giờ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bước chân không còn khỏe mạnh như trước nhưng bà vẫn miệt mài vận động, quyên góp, cống hiến sức mình để mang lại những mái ấm tình người, nụ cười cho em thơ, gieo mầm hạnh phúc cho những mảnh đời không may mắn. Đó là bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng.
Bà Tám trong một chuyến trao quà cho trẻ em vùng xa. Ảnh: MINH TÂM |
Sau mấy mươi năm gắn bó với công tác phụ nữ của thành phố với nhiều thành tích, về hưu, bà lại tiếp tục tham gia công tác xã hội với chức danh Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng.
Bà bảo, được xã hội tin tưởng, được tiếp tục làm việc, san sẻ yêu thương đến mọi người là bà được khỏe mạnh, hạnh phúc. Công tác thiện nguyện xã hội không phải là xin - cho mà đó còn là “duyên nợ”.
“Chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh đổi thay sau khi nhận được trợ giúp cũng như sự tin yêu của cộng đồng xã hội, của các mạnh thường quân, mình lại càng cố gắng phấn đấu, lan tỏa để thực hiện tốt hơn những việc làm thiện nguyện, có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn. Qua đó, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về sự đoàn kết và lòng nhân ái”, bà Tám tâm sự.
Gần năm qua, không thể nào nhớ hết những chuyến đi của bà đến với người nghèo, gia đình khó khăn về chỗ ở… để khảo sát, hỗ trợ kinh phí làm nhà, sinh kế để ổ định chỗ ở và công việc làm ăn…; không thể nào đếm được những buổi tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông về bảo vệ trẻ em.
Đơn cử trong số đó là tổ chức phòng chống xâm hại, bạo lực và rối nhiễu tâm lý cho trẻ em nhất là sau đợt dịch Covid-19; các chính sách chế độ cho trẻ em và người yếu thế ... cho 9.210 lượt người tham gia; phối hợp với tổ chức Orphan Voice tổ chức cuộc thi thuyết trình online phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vớ chủ đề “Tôi quý hơn vàng”. Cuộc thi đã thu hút hơn 25.000 lượt tương tác trên mạng xã hội với 100 bài thi ở 10 trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận Hải Châu và huyện Hòa Vang.
Tiếp nhận, chỉ đạo và giải quyết 52 đơn thư, vụ việc về vi phạm quyền trẻ em (mất tích, tranh chấp quyền nuôi con, bạo hành, xâm hại, bỏ rơi, làm giấy khai sinh,...) với các hoạt động cụ thể như: hỗ trợ, cứu trợ, nhận chăm sóc ban đầu trẻ em bị bỏ rơi, tư vấn phục hồi tâm lý cho các em bị xâm hại, bạo lực và phối hợp cùng các cơ quan chức năng tham gia giải quyết theo quy định.
Cả cuộc đời, bà chỉ mong muốn được giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt nhọc nhằn, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: MINH TÂM |
Tham gia đóng góp ý kiến và phản biện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới trẻ em như: góp ý dự thảo báo cáo kết quả thực hiện quyền trẻ em hàng năm; cho ý kiến đối với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Công tác xã hội; góp ý dự thảo các văn bản trình HĐND thành phố về các chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh…
Mỗi năm, bà cùng cộng sự của mình vận động, quyên góp hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh cho hộ nghèo, hộ khó khăn về chỗ ở; tặng hàng trăm phương tiện sinh kế như xe máy, con giống, xe nước mía… trị giá hàng tỷ đồng giúp hộ nghèo, hộ khó khăn có trẻ em tạo dựng việc làm, ổn định cuộc sống; trao hàng trăm xe lăn, xe lắc trị giá hàng tỷ đồng cho người khuyết tật, người bị tai biến, tai nạn giao thông; tặng hàng chục ngàn phần quà cho người nghèo, trẻ em nhân dịp Tết, ngày Quốc tế thiếu nhi, hàng ngàn xuất học bổng và dụng cụ học tập.
Duy trì mối quan hệ tài trợ bền vững với 6 tổ chức Phi chính phủ để triển khai 10 dự án hiện có như: Dự án “Hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Đà Nẵng” do Tổ chức Siloam tài trợ…
Và gần đây là hỗ trợ nhu yếu phẩm, hàng hóa… cho 725 hộ gia đình tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn sau cơn bão số 5 với tổng số tiền gần 700 triệu đồng; hỗ trợ hàng hóa, tiền mặt cho đồng bào phía Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra trị giá gần 1,7 tỷ đồng.
Đó là những phần quà, số tiền hỗ trợ được thống kê nhưng về sự đồng cảm, tình thương yêu, sự san sẻ mà bà đã vận động, quyên góp từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để rồi trao tặng lại cho cộng đồng thì khó có thể nói hết được.
Bước chân từ thiện và tấm lòng nhân ái của người người chủ tịch hội không chỉ in dấu ở thành phố Đà Nẵng mà còn trên khắp các nẻo đường của huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và nhiều xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trước khi chia tay ra về sau khi được đi cùng bà trong chuyến khảo sát tiến độ xây dựng công trình vệ sinh cho các hộ nghèo tại xã Hòa Phú,huyện Hòa Vang, bà Lê Thị Tám tâm sự, càng đi bà càng thêm trân quý nhiều mảnh đời, tích lũy thêm nhiều bài học.
“Tôi đã từng rất xúc động khi có dịp làm thiện nguyện cho một trường hợp đặc biệt. Người vợ bị liệt nửa người đã mười mấy năm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chồng vẫn ở bên cạnh chăm sóc, vẫn dành tình yêu thương cho vợ, không một lời than trách. Đó không chỉ là mảnh đời cần chúng tôi giúp đỡ mà đó cũng chính là bài học ý nghĩa về tình yêu thương gia đình, chúng tôi trân quý điều ấy”, bà Tám kể.
MINH TÂM