Nặng lòng với bài chòi

.

ĐNO - Hành trình bảo tồn, “hồi sinh” nghệ thuật bài chòi dân gian có sự đóng góp không nhỏ của nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu. Họ đã miệt mài đưa di sản bài chòi dân gian từng bước trở lại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Một trong số đó là ông Phạm Hồng Thái, trú thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái trong một lần dạy hát dân ca bài chòi tại Trường Tiểu học số 1 Hòa Châu, huyện Hòa Vang
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái trong một lần dạy hát dân ca bài chòi tại Trường Tiểu học số 1 Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái là một trong những gương mặt thân quen của làng bài chòi xứ Quảng. Ông đã góp mặt tại nhiều sự kiện văn hóa, lớp tập huấn truyền dạy bài chòi dân gian cho thế hệ trẻ ở các địa phương, trường học trên địa bàn thành phố.

Với nghệ nhân Phạm Hồng Thái, bài chòi đã ngấm vào máu thịt của ông cách đây mấy chục năm, từ khi ông còn bé. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến bài chòi, ánh mắt ông sáng lên tình yêu mãnh liệt với những câu thai, làn điệu bài chòi.

Với niềm đam mê văn nghệ, năm 16 tuổi ông tham gia đoàn thông tin lưu động của xã Hòa Phong đi biểu diễn khắp các thôn, xóm. Dấu ấn và cũng là cột mốc ông không bao giờ quên là khi được tiếp xúc với những nghệ nhân của đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và được họ truyền dạy những làn điệu dân ca. Nhờ niềm đam mê và tài năng sẵn có, chỉ sau khoảng 1 tuần theo học, ông đã có thể chơi nhuần nhuyễn 4 điệu nhạc chính của bài chòi: xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng. Chính từ đây ông bén duyên và theo nghiệp cầm ca cho đến hôm nay.

Thành công đến với ông khá sớm khi cùng đoàn nghệ nhân của xã Hòa Phong đi thi nhạc dân ca và đoạt giải Nhất vào năm 1986. Ông được huyện chọn vào ban nhạc để đi thi cấp thành phố.

Thông qua mối quan hệ trong các dịp biểu diễn với các nghệ nhân, ông Thái đã chủ động kết nối với ngành chức năng địa phương và các nghệ nhân ở thành phố Hội An (Quảng Nam) để đưa bài chòi về xã Hòa Phong rồi lan tỏa mạnh mẽ trên quê hương Hòa Vang.

Với tư cách là trưởng ban nhạc, hội diễn đàn hát dân ca các cấp, ông đều có mặt dẫn dắt anh chị em thi thố và mang về nhiều thành tích, như: huy chương vàng, huy chương bạc dành cho ban nhạc tại hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền vào các năm 2014, 2018…

Theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển, bài chòi đi vào suy thoái và im ắng. Các loại hình văn nghệ khác nổi lên nên bài chòi chỉ còn “chảy” trong tâm hồn của thế hệ cao niên, trung niên. Lớp trẻ không còn mấy mặn mà.

Các hội hô bài chòi dần thu hẹp cả tần suất lẫn không gian diễn xướng, chỉ còn lác đác và hoạt động mỗi dịp xuân về nên nguy cơ mai mọt.

Đứng trước thực trạng đó, ông Thái rất ưu tư. Ông đã vượt qua nhiều khó khăn để tìm cách bảo tồn và lan tỏa, nhất là trong giới trẻ bằng việc tham gia giảng dạy cho học sinh ở các trường học vào mỗi dịp hè; truyền dạy trên sóng phát thanh; đa dạng hóa hoạt động biểu diễn như lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, mừng năm mới; xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động văn hóa, nếp sinh hoạt ở các địa phương…

Niềm hạnh phúc được ông xem lớn nhất là việc phát triển nghệ thuật bài chòi trong trường học mà lãnh đạo huyện Hòa Vang đã khởi xướng gần 15 năm qua. Để rồi từ đây tạo sự lan tỏa đến nhiều trường học ở khắp địa bàn thành phố theo chỉ thị của Thành ủy. Bởi ông hy vọng, từ đây, sẽ giúp thế hệ trẻ biết đến, nuôi dưỡng đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc để rồi hình thành lớp nghệ nhân kế cận trong tương lai.

Bởi nếu bài chòi cũng như các loại hình văn hóa dân tộc khác không có lớp kế cận, hoặc có lớp kế cận mà không có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài, dẫn đến mất đi là điều rất đáng tiếc. Việc đưa dân ca vào trường học mục đích là tạo thế hệ công chúng yêu mến di sản văn hóa của cha ông chứ không nhằm đào tạo diễn viên. Đến nay, 100% trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang có Câu lạc bộ Em hát dân ca.

“Mục tiêu là nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh về giá trị, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa truyền thống kết tinh trong các làn điệu dân ca, bài chòi mang lại. Và kích thích sự thích thú cho học sinh khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, từ đó khơi dậy ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Hòa Vang. Nuôi dưỡng từ thế hệ này thì mới hi vọng bài chòi nói riêng, dân ca nói chung tồn tại trong tâm hồn người dân Đà Thành”, ông Thái khẳng định".

THU LAN

;
;
.
.
.
.
.