Mang công nghệ xanh cho cộng đồng

.

ĐNO - Nguyễn Việt Hoàng sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh thương mại, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) không chỉ xuất sắc là "Sinh viên 5 tốt" tiêu biểu cấp thành phố năm học 2023-2024 mà còn cùng các cộng sự sáng chế dự án DaNa Green, thùng rác thông minh tích hợp công nghệ AI, IoT nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Nguyễn Việt Hoàng vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp thành phố năm học 2023-2024 Ảnh: H.V
Nguyễn Việt Hoàng vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp thành phố năm học 2023-2024. Ảnh: H.V

Năm học 2023-2024, với điểm học tập đạt 3.80/4.0 và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, Hoàng vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Chia sẻ về danh hiệu và kinh nghiệm học tập, Hoàng cho biết, để đạt GPA 3.80/4.0, bản thân luôn cân bằng tốt giữa việc học và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoại khóa, đoàn, hội.

Thông thường, bắt đầu học kỳ mới, Hoàng lên kế hoạch, mục tiêu cho từng môn học. Ngoài ra, Hoàng thường xuyên làm trưởng nhóm các môn học nên là lợi thế trong việc sắp xếp và lên chiến lược học tập hiệu quả nhất. Ngoài ra, Hoàng sử dụng phương pháp Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng) để ghi nhớ bài học, giúp nắm chắc kiến thức tốt hơn.

“Ngày đầu khi đặt chân vào giảng đường, em đã đặt mục tiêu về danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, một danh hiệu cao quý mà bất kỳ sinh viên nào cũng mơ ước. Đó không chỉ là đích đến, mà còn là động lực để em nỗ lực từng ngày trên ghế giảng đường cũng như trong tương lai.

Theo em, danh hiệu này giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện bản thân, không chỉ là ở lĩnh vực học tập mà còn ở lĩnh vực thể thao, tinh thần tình nguyện, tinh thần hội nhập cùng lối sống đạo đức. Với em, phương châm hành trình để đạt được còn hơn cả một danh hiệu rất quan trọng bởi trên con đường đó, sẽ nhận nhiều giá trị học hỏi, giá trị trải nghiệm, phát triển những mối quan hệ. Điều này sẽ là nền tảng vững chắc cho con đường phát triển nghề nghiệp sau này”, Hoàng chia sẻ.

Ngoài ra, để chắp cánh cho giấc mơ trở thành doanh nhân lĩnh vực khởi nghiệp xanh nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, Hoàng và bốn cộng sự cho ra đời dự án DaNa Green với kim chỉ nam “Khi rác không chỉ để thải”, thùng rác thông minh tự động phân loại rác thải và tích hợp công nghệ AI và IoT. 

Dự án đoạt giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp Neo-Up 2024” do CLB khởi nghiệp kinh tế thuộc Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế tổ chức. Hoàng cho hay, qua quan sát, nhóm nhận thấy hiện nay thành phố trang bị nhiều thùng rác được hướng dẫn phân loại rác. Tuy nhiên, số đông người dân còn hờ hững chưa vứt rác vào ngăn phân loại phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên thu gom phải phân loại lại mất nhiều thời gian.

Từ đó, nhóm hình thành ý tưởng sáng chế hệ thống thu gom rác thải bằng thùng rác thông minh, tích hợp công nghệ AI và IOT nhằm tối ưu hóa quy trình thu gom, phân loại và quản lý rác. Ngoài ra, dự án còn kêu gọi người dùng sử dụng những phần quà được quy đổi từ rác thải tái chế với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo Hoàng, hệ thống thùng rác thông minh của dự án trải qua tuần tự các bước, thứ nhất, khi bỏ rác vào thùng, hệ thống sử dụng camera AI để quét, phân tích để xác định loại rác thải nhựa, giấy, kim loạihoặc các loại rác không thể tái chế. Mô hình AI đã được thử nghiệm bằng dữ liệu thực tế, bảo đảm khả năng phân loại đạt chính xác trên 95%.

Thứ hai, nếu rác thuộc nhóm tái chế, hệ thống sẽ tự động chuyển hướng dẫn bỏ vào ngăn tương ứng, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý. 

Thứ ba, để dễ dàng quản lý và theo dõi, thùng rác được tích hợp cảm biến IoT nhằm giám sát trạng thái thùng theo thời gian thực. Khi thùng gần đầy, hệ thống tự động gửi thông báo đến trung tâm thu gom hoặc đơn vị quản lý, giúp tối ưu hóa quy trình.

Qua đó, tình trạng thùng rác sẽ liên tục cập nhật trên hệ thống giám sát, giúp cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp thuận tiện theo dõi và đưa ra các chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả. Sau khi phân loại, rác sẽ được thu gom và chuyển giao cho các đơn vị tái chế xử lý.

“Thực tế, việc quản lý rác thải phụ thuộc nhiều vào phương pháp thủ công và hệ thống thu gom truyền thống, dẫn đến chi phí cao, hiệu quả thấp. Nhưng với sự tích hợp của AI và IoT, việc phân loại rác, giám sát chất lượng phân loại sẽ đạt hiệu quả cao, giảm thiểu chi phí. Vì vậy, nhóm mong muốn dự án hướng đến giải pháp thùng rác thông minh, tự động hóa theo nhịp sống hiện đại. Qua đó, em và các bạn có cơ hội mở ra nhiều ý tưởng phát triển công nghệ xanh, khởi nghiệp xanh, góp phần bảo vệ môi trường”, Hoàng bày tỏ và cho rằng, bên cạnh thuận lợi thì thách thức của dự án vẫn là dấu hỏi lớn bởi để đưa thùng rác thông minh đến tay người tiêu dùng, nhóm cần sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, doanh nghiệp tái chế, đơn vị thu gom… 

Ngoài ra, việc lắp đặt, bảo trì và tối ưu hóa hệ thống thùng rác thông minh trong thực tế cũng là một thách thức. May mắn, sau khi đoạt giải tại cuộc thi “Khởi Nghiệp Neo - Up”, nhóm nhận nhiều lời mời từ các doanh nghiệp để phát triển dự án thành hiện thực. Song song, nhóm đang trong quá trình hợp tác với Công Ty TNHH Tái Chế Cà Phê Lộc Nhân, nhằm nghiên cứu và phát triển những ý tưởng thu gom và tái chế từ bã cà phê.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.