Không tham của rơi

.

ĐNO - Chuyện nhặt được của rơi rồi thông báo trên mạng xã hội để tìm chủ nhân giờ đây đã khá phổ biến ở thành phố Đà Nẵng. Nhờ tính lan tỏa nhanh của mạng xã hội, đặc biệt là facebook mà nhiều khổ chủ, trong đó có du khách nước ngoài tìm lại được giấy tờ tùy thân và tài sản bị thất lạc. Trong rất nhiều “bông hoa” người tốt việc tốt đó, có không ít người là các anh chị công nhân môi trường đô thị thuộc nhiều đơn vị trực thuộc Công ty Môi trường đô thị thành phố.

.
Công nhân môi trường nhặt được của rơi tìm trả lại cho người mất.

Người viết không đề cập đến những thông tin về nội dung này trên các trang, nhóm facebook khác do không theo dõi thường xuyên, nhưng với tư cách là quản trị (Admin) của trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-xanh-sạch-đẹp”, trong những năm qua đã thường xuyên duyệt đăng các thông tin của các thành viên gửi nhờ tìm người bị mất tài sản giấy tờ, trong đó có nhiều anh chị em là công nhân môi trường đô thị của thành phố.

Người dân làm việc đó đã là hành động đẹp, nhưng những người công nhân môi trường làm những việc đó còn ý nghĩa hơn bởi họ tuy không phải là khá giả về kinh tế nhưng sống trong sạch. Họ không tham của rơi và lo lắng cho người bị mất như lo cho người thân của mình và mong họ sớm nhận được thông tin để liên hệ nhận lại.

Có những anh chị em “hữu danh” do liên quan đến những vụ việc “lớn” chẳng hạn như một số trường hợp người mất tài sản là người nước ngoài hoặc trường hợp số tài sản mất và trao lại có giá trị lớn, được báo chí đưa tin, biểu dương như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Trách thuộc Xí nghiệp Môi trường quận Sơn Trà, khi anh chị đã có hành động đẹp nhặt được tài sản của du khách người Mỹ, liên hệ đến cơ quan chức năng để trả lại người mất khi đó đã qua Nhật.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Xí nghiệp Môi trường Sông biển thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, ngày 17-6-2024 khi làm việc tại bãi tắm Sao  Biển đã nhặt được 1 chiếc điện thoại di động của khách đánh rơi. Chị Hà đã ngay lập tức báo cáo xí nghiệp và tìm kiếm thông tin, liên lạc để trao trả lại tài sản cho anh Nguyễn Trần Việt ở Hội An. Cùng ngày hôm đó, chị Huỳnh Thị Hồng, làm việc tại bãi tắm Phạm Văn Đồng, cũng nhặt được một chiếc điện thoại của du khách đánh rơi và nhanh chóng liên hệ trả lại người mất...

Đó là những trường hợp “hữu danh”, có họ tên đầy đủ là anh chị  công nhân môi trường đô thị, còn lại đa số là những thông tin báo nhặt được của rơi rồi thông báo địa chỉ, số điện thoại để người mất liên hệ. Chẳng hạn những mẩu tin ngắn gọn như: “Công nhân môi trường trong lúc làm việc có nhặt được một số giấy tờ nhưng không tìm được người đánh rơi, nhờ admin đăng tin tìm giúp người đánh rơi”, kèm địa chỉ và số điện thoại liên hệ.

Trường hợp khác thì liệt kê các giấy tờ nhặt được kèm hình ảnh khá chi tiết về thông tin do công nhân Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê nhặt được, người mất liên hệ xí nghiệp để nhận lại. Chung chung hơn là thông tin: “Công nhân môi trường đang làm nhiệm vụ trên đường Hoàng Diệu, có nhặt được một chiếc điện thoai OPPO, ai là chủ nhân liên hệ số điện thoại 090xxx để nhận lại” và còn kèm theo câu cảm ơn. Hoặc “nhờ admin chia sẻ thông tin để ai là chủ nhân số giấy tờ (kèm hình ảnh), do công nhân môi trường nhặt được trước Siêu thị Go đường Hùng Vương....” kèm tên, số điện thoại và địa chỉ nhà biết để liên hệ nhận lại; “Công nhân Môi trường Hải Châu có nhặt được cái ví có các giấy tờ sau..... Ai là chủ nhân liên lạc anh Nhân số điện thoại 090XXXX để nhận lại”.

Rồi là “Cảm ơn admin đã chỉ dẫn và duyệt bài. Hay “Công nhân quét dọn vệ sinh đường Loseby có nhặt được một số giấy tờ nêu trên (hình ảnh). Ai là chủ nhân liên hệ số điện thoại 090XXX (gặp anh Phước) để nhận lại”; “Công nhân quét đường vệ sinh đường Võ Nghĩa có nhặt được một số giấy tờ nếu trên (hình ảnh kèm), ai là chủ nhân của các giấy tờ này liên hệ số điện thoại 090XXX (anh Phước) để nhận lại”. Đơn giản hơn là thông tin:“Công nhân Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải nhặt được giấy tờ này, ai là chủ nhân liên hệ anh Quang, Phó Giám đốc Xí nghiệp, số điện thọai 090xxxx để nhận lại...

Có thể nói, việc tốt của công nhân đô thị Đà Nẵng xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, từ các xí nghiệp môi trường ở các quận đến Xí nghiệp đặc thù của Công ty như Xí nghiệp Môi trường Sông biển, Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải. Có thể nói, dù làm những công việc vất vả, tiếp xúc với môi trường nhiều nguy cơ ô nhiễm nhưng những người công nhân bình dị ấy bình dị ấy đã góp phần làm đẹp thêm cho thành phố quê hương, cho một Đà Nẵng xanh sạch đẹp về nhiều nghĩa.

DÂN HÙNG - MỸ LINH - THÁI HUYỀN

;
;
.
.
.
.