Giữa tai trời ách nước

.

Tuy không “dữ dằn” như cơn lũ lịch sử năm 1999, nhưng nói theo ngôn ngữ dân gian là “cái lụt” đầu tuần rồi ở Hòa Vang cũng gây những thiệt hại nhất định. Từ đó, mọi người sống với nhau thêm nặng nghĩa nặng tình và có thêm được kinh nghiệm trong việc ứng phó với tai trời ách nước.

Những người hàng xóm đội mưa, lội nước, cứu hàng trăm chậu hoa ngập nước của ông Phan Ngọc Anh ở thôn Cồn Mong.
Những người hàng xóm đội mưa, lội nước, cứu hàng trăm chậu hoa ngập nước của ông Phan Ngọc Anh ở thôn Cồn Mong.

Nước mắt hay nước mưa?

Mưa như trút. Ông Phan Ngọc Anh nằm nghe mưa xáng rầm rầm xuống mái tôn mà miên man nghĩ đến gần 600 chậu hoa cúc vừa mới xanh lá đang nằm phơi mình ngoài vườn. Nửa đêm ông bật dậy, lọ mọ ra mở cửa. Gió hắt vào ông cả một vạt mưa nặng trịch. Dưới ánh đèn mờ nhạt, con đường bê-tông từ Miếu Bông đi Lệ Trạch trước nhà ông vẫn chưa có gì khác thường. Nghĩ cũng như mọi lần mưa thôi, ông vào chợp mắt một lát.

Giật mình thức giấc bởi tiếng mưa đập mạnh, ông thoáng chút âu lo khi thấy nước đang mấp mé băng qua đường. Nước ngày một lớn. Cả nhà lo dọn dẹp đồ đoàn. 10 giờ sáng, ông cùng vợ băng mưa ra tìm gạch kê cao gần 600 chậu hoa. Ông nghĩ vậy là được rồi, chứ làm chi có nước lớn hơn nữa. Đến quá ngọ thì nước mấp mé miệng chậu. Ông đâm hoảng...

51 tuổi, ông bị thoái hóa cột sống, đành bỏ nghề thợ nề, xoay qua trồng cúc mùa Tết cho nhẹ nhàng hơn. Vợ mở quán bán lẹt xẹt. Tuổi ông nhiều người đã nhờ con rồi. Ông thì con một đứa lớp 1, một đứa lớp 10. Nghề hoa Tết cũng đủ cho ông trang trải cuộc sống. Chừ ông sắp ngắt ngọn đợt 2 để chuẩn bị lên mầm hoa cho kịp Tết thì bị ngập nước, cái Tết trắng tay hiển hiện ngay trước mắt, ông loay hoay chẳng biết tính sao.

Trong xóm có anh Nguyễn Phước Tân, một chiến sĩ công an công tác dưới thành phố, vừa về giúp gia đình dọn lụt. Thấy hàng trăm chậu cúc chỉ còn là những vòng tròn sắp chìm dần trong nước, anh đứng ra kêu gọi anh em quanh xóm, người mượn xe bò, người kiếm xe rùa, cùng nhau đưa hết chậu cúc lên sân khấu của Nhà văn hóa thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, gần đó.

Nhìn anh em bì bõm lội nước đội mưa cứu từng chậu cúc của mình lên chỗ cao, ông Anh mặt ràn rụa nước mưa hòa lẫn nước mắt. Giọt nước chứa chan tình người. Hôm đó tôi ghi được mấy tấm hình và đăng lên mạng xã hội. Một cán bộ ở huyện Hòa Vang chia sẻ ngay: “Bà con vất vả thật, mọi người chơi hoa Tết có quý những điều này không?”.

Ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, có một người trồng hoa cũng suýt rơi nước mắt, nếu trước đó không được thành phố cấp mặt bằng sản xuất. Đó là ông Nguyễn Trung, Phó giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ hoa cây cảnh Vân Dương, người nổi tiếng với những chậu hoa cúc “khủng” có đường kính đến 1m vào dịp Tết. Mấy năm nay ông và 10 hộ làm hoa khác được thành phố bố trí sản xuất ở khu đất cao ráo bên đường tránh Hải Vân đối diện Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nếu còn ở chỗ cũ thì nước trắng xóa một vùng, không có chỗ tránh lũ cho 1.000 chậu cả cúc và ly ly. Lúc đó chỉ biết nhìn nước mà khóc!...

Ông Đặng Quy Thành thu dọn một vài vật dụng sau khi gần nửa căn nhà bị đổ sau lũ lớn.
Ông Đặng Quy Thành thu dọn một vài vật dụng sau khi gần nửa căn nhà bị đổ sau lũ lớn.

Căn nhà bị “bà thủy” xô ngã

Đường Miếu Bông – Lệ Trạch ngâm nước gần 2 ngày, không thể đi Trung tâm hành chính huyện được. Mưa to, Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa nói như hét qua điện thoại: “Ngập sâu nhất là hai xã Hòa Liên và Hòa Tiến. Nước bị đổi dòng chảy do đường cao tốc, đường vành đai phía Nam nên không theo quy luật xưa, dân không đoán ra được con nước đi như thế nào, nhiều người trở tay không kịp”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cũng xác nhận là hai công trình giao thông này đã chia Hòa Tiến ra thành ô, nước lớn rất nhanh nhưng rút lại chậm. Cả xã có 12 thôn thì hết 8 thôn ngập toàn bộ, 4 thôn kia ngập một phần. Khoảng 20.000 cây cúc, vạn thọ trồng cho vụ Tết bị mưa vùi, nước ngập. Trong gần 3.000 nhà bị ngập thì có một nhà bị sập gần một nửa.

Thông tin cho tôi xong, anh Trúc cùng tôi đội mưa chạy gần 4km từ trụ sở xã Hòa Tiến lên đường ĐH 409 đoạn từ chợ Lệ Trạch đến ngã tư Hòa Khương. Rẽ trái ở ngã ba Lệ Sơn 2, chạy dích dắc một lát, tới một ngôi nhà nằm sâu trong xóm. Một người đàn ông choàng chiếc áo mưa màu xanh thẫm đang loay hoay trên mái ngói. Trúc bảo, đó là ông Đặng Quy Thành, thôn Lệ Sơn 2.

Một lát ông Thành lui cui leo xuống, nói lo kéo tấm bạt kẻo ướt bàn thờ. Quẹt nước mưa bám trên mặt, ông chỉ tay ra sau nhà, nói bên kia giáp xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, nơi có đồi Bồ Bồ như một con đê lớn ngăn nước. Hôm rồi nước tuôn như thác về phía Lệ Sơn 2, theo quy luật tự nhiên tìm chỗ trũng, gặp bên hông nhà ông trũng nhất, nước xoáy một hồi đến chạng vạng thì “xô” một phát làm sập một góc phải nhà ông. Giữa mưa như trút, ông lội nước cùng con trai đem cây ra chống. Nhưng rồi, phần do mái ngói bị ngấm nước quá nặng, phần do nền nhà bị xói lở nên đổ tiếp lần thứ hai, gần một nửa nhà.

Ông Thành làm thợ nề, vợ làm nghề may. Mang tiếng nhà ngói nhưng cái nền nhà vẫn chưa lát được gạch cho ra hồn. Con trai đầu đang học trung cấp nghề, lo phụ giúp với ông lo chằng chống giữ nhà, đứa em mới học lớp 6 thì theo mẹ về tá túc bên nhà ngoại. Ông Thành cơm nước nhờ người anh ruột nhà bên cạnh, ông Đặng Quang Nhơn. Ông Nhơn kéo cây cột nhà giúp em, nói: Mấy năm muốn lụt phải chờ mấy ngày. Có mô như chừ, mưa một ngày một đêm là nước vọt cái rẹt lên tới ngang rún ngay!

Nghe tin ảnh hưởng bão kèm theo lũ, bà con trong xóm lo đi mua dầu lửa, đèn cầy. Lâu ni dùng điện, chừ muốn mua dầu lửa phải chạy xe 4 cây số xuống chợ Lệ Trạch. Tối lửa tắt đèn có nhau, điện mất mấy ngày, chia nhau từng chút dầu lửa, từng cây đèn cầy để vượt qua đêm dài mưa gió và nước lớn từng giờ. Trong thiên tai càng thấy tình làng nghĩa xóm. Bạn bè ông Thành nghe tin, điện thoại hỏi thăm miết không được, điện thoại ông cạn pin. Chừ nước rút, họ tranh thủ gác lại việc nhà chạy tới tận nơi để xem cái nhà của ông bị “bà thủy” xô ngã như thế nào.

Bình yên sau lũ cao hay bão lớn

Quay trở ra đường liên thôn Lệ Sơn 2 đi Nam Sơn, Trúc chỉ cho tôi đoạn đập tràn dài khoảng 10m bị nước lũ làm bong tróc lớp nhựa. Nặng hơn, đường ADB5 (Hòa Tiến đi Hòa Phong) bị xói lở ta-luy âm và bong tróc nhựa đường một đoạn dài khoảng 60m. Vậy là vẫn còn qua lại được, tôi nói, chứ ở thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước, có một đoạn đường bị nước xé toang làm gần 30 hộ bị cô lập mất mấy ngày.

Thôn Giáng Nam 1 có hai xóm Trên và Dưới. Theo nhận định của anh Ngô Văn Cường, Bí thư Chi bộ thôn, mực nước năm nay không cao bằng lũ năm 1999, nhưng do nước sông Tứ Câu ở phía đông lên quá cao, chảy tràn qua làm xé một đoạn đường bê-tông nối xóm Trên với xóm Dưới. Nước trắng xóa một vùng, 30 hộ dân bị cô lập, muốn qua phải dùng ghe, có người bạo gan lội bộ, ai thấy cũng hoảng.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước Võ Trần Minh Long báo cáo lên huyện, gặp lúc đoàn công tác của quân đội về giúp dân khắc phục thiên tai. Đại úy Phan Như Ngọc, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 Trường Quân sự Quân khu 5 trực tiếp đưa 30 học viên nhà trường về đắp đường giúp dân, ngoài 60 học viên giúp các xã khác. Cũng phải đợi nước rút bớt mới có thể đổ gạch đá chắn dòng, nối lại đường cũ cho dân đi lại.

Nhìn anh em đội mưa đắp đường, bỗng dưng nghĩ đến một điều như là ngẫu nhiên. Đầu tháng 7 vừa qua, cũng chính tại nơi này diễn ra buổi diễn tập phòng, chống thiên tai năm 2017 do UBND xã Hòa Phước tổ chức với sự hỗ trợ của Ban quản lý Dự án NN&PTNT Đà Nẵng thông qua Dự án quản lý thiên tai WB5 do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Hôm đó giả định có một cơn bão làm sập nhà trong đó có một người bị mắc kẹt, mọi người tổ chức ứng cứu. Căn nhà này nằm sát bên đoạn đường nay bị nước cắt. Bão chỉ là giả định nhưng lũ là hiện thực và cái sự đắp đường đó đã lần nữa thể hiện tình quân dân khắng khít.

Học viên Trường Quân sự Quân khu 5 cũng về xã Hòa Tiến vớt bèo trôi dạt tấp vào bến Giang ở thôn Lệ Sơn 2. Trên đường về lại trụ sở xã Hòa Tiến, Trúc đọc câu ca xưa: Lật đật cũng tới bến Giang/ Lang thang cũng tới bến Đò. Ngày trước, từ Hòa Tiến muốn băng sông qua Hòa Khương có thể đến hai bến sông, bến Giang nay thuộc thôn Lệ Sơn 2 nằm bên sông Tây Tịnh, bến Đò ở An Trạch bên sông Yên. Trúc bảo, câu ca xưa cho rằng dù có vội vàng hay lang thang chậm rãi chăng nữa cuối cùng cũng đến đích như nhau.

Có lẽ, trong ứng phó với thiên tai, không nên vội vàng mà cũng đừng chậm rãi. Sự chia ngọt sẻ bùi của toàn xã hội, kinh nghiệm dân gian tích lũy bao đời, phương tiện ứng cứu hiện đại,... tất cả sẽ đưa ta đến bến bờ bình yên sau lũ cao hay bão lớn mà minh chứng hùng hồn nhất là những lũ lịch sử 1999, Xangsane 2006,…

Nhằm giúp Hòa Vang chủ động trong phòng, chống thiên tai, UBND thành phố Đà Nẵng đã cấp cho huyện 510 áo phao, 330 phao cứu sinh, 2 nhà bạt, 25 ghe nhỏ, 6 máy phát điện, 35 loa cầm tay, 11 máy cưa cầm tay. Sắp tới, theo Quyết định 6198/QĐ-UBND ngày 31-10-2017, thành phố sẽ cấp tiếp cho Hòa Vang 220 phao cứu sinh, 660 phao tròn cứu sinh, 11 phao bè, 11 nhà bạt 16,5m2; 2 nhà bạt 60m2.

Nguồn: Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.