Tình người trong gian khó

.

Hơn 10 ngày qua, trên khắp các tuyến đường, kiệt, hẻm lớn nhỏ, người dân thành phố tất bật dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau đêm lụt lịch sử 14-10 do bão số 5. Thiệt hại, mất mát là điều ai ai cũng thấy rõ. Nhưng có lẽ, rõ nhất là tinh thần đồng lòng, “chung lưng đấu cật” cùng sự tương trợ, nhường cơm sẻ áo trong lúc khó khăn với mục đích giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do trận mưa ngày 14-10 gây ra.
Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do trận mưa ngày 14-10 gây ra. Ảnh: L.P

Đêm không thể nào quên

Đêm 14-10 vừa qua có lẽ là đêm không thể nào quên với người dân thành phố khi nước đột ngột dâng cao khiến hàng chục nghìn ngôi nhà ngập nước; ô-tô, xe máy, vật dụng gia đình của hàng chục nghìn hộ dân ngập trong biển nước. Không chỉ thiệt hại tài sản, một số gia đình mất đi người thân, để lại nỗi đau không thể nào đong đếm. Ngay sau đêm lũ dữ, trên mạng xã hội Facebook, nhiều hội, nhóm thiện nguyện bắt đầu vận động kinh phí, kêu gọi tình nguyện viên tham gia nấu những suất ăn ấm nóng kịp thời gửi đến người dân những nơi lũ chưa rút.

Từ sáng sớm, chị Võ Quảng Việt, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố, phối hợp nhóm thiện nguyện của Đào Văn Vĩnh (SN 1992, trú quận Cẩm Lệ) tổ chức đi chợ, nấu hàng trăm phần mỳ cho người dân. Đến trưa, 700 suất ăn hoàn tất, cùng với hơn 200 lốc nước suối được vận chuyển đến những nơi cần. Là mạnh thường quân đến với bà con vùng lũ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) sớm nhất, chị Việt không khỏi xót xa trước những thiệt hại, mất mát của người dân và sinh viên nơi đây. Ngay hôm sau, chị cùng nhóm bạn trở lại các vùng ngập lụt, mang theo 400 suất quà gồm gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt hỗ trợ cho 400 sinh viên và người dân chịu nhiều thiệt hại.

Những ngày tiếp đó, đi dọc các tuyến đường Phạm Như Xương, Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) không khó để bắt gặp hình ảnh các đoàn thiện nguyện chở theo gạo, mỳ tôm, nước suối, chăn mền, quần áo,… tiếp ứng cho người dân vùng lũ. Là địa phương có địa hình trũng thấp, phường Hòa Khánh Nam chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ dữ vừa qua.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự quận Liên Chiểu, phường Hòa Khánh Nam có 60/70 tổ dân phố với gần 9.000 hộ dân bị ngập lụt, trong đó có 7 tổ dân phố với gần 1.200 hộ ngập nặng cục bộ và cô lập hoàn toàn, tập trung tại các kiệt thuộc tuyến đường Phạm Như Xương, Mẹ Suốt, Nam Cao, Hoàng Văn Thái.

Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam Thân Đức Minh chia sẻ: “Địa phương rất trân trọng, ghi nhận sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ của mạnh thường quân đối với người dân bị thiệt hại trên địa bàn phường. Sự san sẻ này đã góp phần cùng với chính quyền địa phương giúp bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống”.

Sát cánh cùng nhân dân

Dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm nay (15-10-1956 - 15-10-2022) của đoàn viên thanh niên thành phố là những ngày khó quên nhất, bởi đúng vào những ngày mưa lũ lịch sử do bão số 5. Là địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng, ngay trong đêm lũ lớn, phát huy tinh thần xung kích, gần 20 đoàn viên thanh niên thuộc Đội Thanh niên tình nguyện phòng chống lụt bão, Đoàn phường Hòa Khánh Nam xuyên đêm dầm mình trong mưa bơi xuồng, chèo ghe vào các vùng ngập lụt cứu hộ, sơ tán nhân dân. Những đoạn kiệt nhỏ hẹp ghe không vào được, nhiều đoàn viên không ngại bơi giữa dòng nước lụt vào tận nhà dân cõng mọi người ra ghe.

Tương tự, tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), đoàn viên thanh niên cùng các lực lượng vũ trang đã nỗ lực cứu hộ, cứu nạn. Kết quả, đến 4 giờ sáng 15-10, toàn quận Liên Chiểu đã hoàn thành sơ tán hơn 9.400 người dân đến nơi an toàn. Những ngày sau đó, tuổi trẻ các địa phương tiếp tục xắn tay áo, cùng các ngành, đơn vị tích cực hỗ trợ nhân dân dọn bùn non, lau dọn nhà cửa, trường học, làm vệ sinh đường xá, cống rãnh, tìm cách sửa chữa vật dụng, khắc phục thiệt hại do mưa lụt.

Bí thư Đoàn phường Hòa Khánh Nam Phạm Nguyên Hưng bộc bạch: “Những ngày vừa qua thực sự là những ngày kỷ niệm không thể nào quên với tuổi trẻ phường Hòa Khánh Nam nói riêng và thành phố nói chung. Với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đoàn viên thanh niên phường hăng hái, xung phong có mặt trong mọi tình huống khó khăn, nguy hiểm; xem sự an toàn của nhân dân là món quà ý nghĩa nhất để phấn đấu trong dịp kỷ niệm”.

Tương tự, kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm nay, nhiều hội phụ nữ cấp phường, khu dân cư quyết định ngừng tổ chức lễ kỷ niệm, dùng kinh phí tổ chức để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lụt. Chi hội Phụ nữ Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là một trong nhiều chi hội tiên phong ngừng tổ chức buổi sinh hoạt ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 dù đã lên kế hoạch trước đó.

Gác lại niềm vui riêng, các chị dùng kinh phí mua hoa tươi, quà tặng đổi lấy gạo, thực phẩm, vật dụng thiết yếu gửi tặng đến các hộ chịu nhiều thiệt hại. Không chỉ vậy, các chị còn tích cực vận động kinh phí từ mạnh thường quân, trích tiền túi mua thêm sách vở, bút mực, cặp sách cho các cháu học sinh; quyên góp quần áo cũ mang đến các vùng ngập lụt nặng. Trong khi đó, tại nhiều chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố, những ngày qua, thay vì xúng xính váy áo như mọi năm, các chị xắn quần, mang ủng, lội bùn vào từng nhà giúp các hộ nghèo, người già neo đơn, người tàn tật dọn dẹp nhà cửa, chùi rửa những gì còn sót lại sau trận lụt.

Tại một số khu dân cư chưa có điện, nước sạch, nhiều “Bếp ăn 0 đồng” do chị em phụ trách lần lượt mọc lên, tặng hàng chục suất cơm, bún, mỳ mỗi ngày cho người dân. Chưa hết, Hội Phụ nữ các cấp còn phối hợp với các hội, đoàn thể vận động kinh phí trao tặng đến các gia đình có người thân mất do lũ lụt nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát.

“Với nhiều chị em, ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay tuy thiếu vắng cờ hoa nhưng hơn hết, chính tấm lòng thơm thảo của chị em lại là những bông hoa đẹp nhất. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của hội viên phụ nữ thành phố những ngày qua chính là thành tích tốt đẹp nhất chào mừng 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2022)”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Anh Hồ Văn Đức, chủ cửa hàng máy lọc nước tại quận Liên Chiểu (bên trái) cùng thợ hỗ trợ sửa miễn phí máy lọc nước hư hỏng do ngập lụt. Ảnh: L.P
Anh Hồ Văn Đức, chủ cửa hàng máy lọc nước tại quận Liên Chiểu (bên trái) cùng thợ hỗ trợ sửa miễn phí máy lọc nước hư hỏng do ngập lụt. Ảnh: L.P

Ấm áp tình người

Một tuần sau đêm lũ dữ, cửa hàng máy lọc nước của anh Hồ Văn Đức trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) vẫn ngổn ngang máy lọc nước hư hỏng của người dân chờ sửa. Anh Đức kể, trong đêm nước dâng, thấy nhiều nhà dân ngập lụt nặng, các thiết bị điện tử, đồ dùng điện bị ngâm trong nước có nguy cơ hư hỏng, anh bàn với thợ sẽ sửa chữa miễn phí máy lọc nước giúp mọi người. Ngay hôm sau, một tấm bảng trắng in vội với dòng chữ “Nhận bảo trì máy lọc nước miễn phí” được treo tạm trên vỉa hè.

Để có thêm nhiều người biết, vợ chồng anh Đức còn đăng thông tin và số điện thoại lên Facebook mong giúp thêm được nhiều người. Những ngày sau đó, anh Đức cùng 4 người thợ tỏa ra các tuyến đường, đến từng nhà dân hỗ trợ. Với các trường hợp hư hỏng nhẹ, anh Đức sửa chữa tại chỗ; trường hợp nặng thì tháo máy chở về sửa chữa và mang đến lắp đặt sau khi hoàn thiện. Để người dân sớm có nước sạch sử dụng, anh Đức cùng thợ tăng tốc làm việc từ sáng đến tận khuya.

Trong lúc thợ tất bật sửa máy, chị Phan Thị Nga (vợ anh Đức) dù mới sinh con hơn 1 tháng cũng phụ phơi sấy các linh kiện, máy móc bị ướt để hoàn thành sửa chữa nhanh nhất có thể. “Gia đình tôi may mắn không bị thiệt hại nhiều. Chứng kiến mọi người mất mát, thiệt hại quá nặng nề nên chúng tôi chỉ nghĩ có thể giúp được gì thì sẽ cố gắng giúp hết sức, dìu nhau vượt qua lúc khó khăn”, chị Nga tâm sự.

Không chỉ gia đình anh Đức, nhiều thợ làm nghề sửa chữa tủ lạnh, máy giặt, máy tính,… trên địa bàn thành phố cũng nhận hỗ trợ sửa chữa miễn phí các thiết bị gia dụng, điện tử bị ngập nước, góp phần giúp người dân khắc phục thiệt hại. Trong khi đó, tại nhiều tuyến đường, các điểm sửa xe miễn phí được dựng lên. Hàng chục thợ sửa xe máy từ các huyện Nông Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn… (tỉnh Quảng Nam) tất bật khắc phục những chiếc xe phủ đầy bùn đất, ngập nước chết máy.

Nhóm thợ huyện Nông Sơn là đội sửa xe máy ngoại tỉnh đầu tiên có mặt tại thành phố Đà Nẵng. Ngay sau đêm lụt, các anh rủ nhau đóng cửa tiệm, thuê xe tải chở máy móc, đồ nghề vượt gần 100km ra phố để sửa xe giúp người dân. Sau khi đặt chân đến Đà Nẵng, nhóm thợ lập tiệm sửa xe dã chiến ngay chân cầu vượt ngã ba Huế (quận Thanh Khê), hùn tiền mua nhớt cùng một số linh kiện cơ bản để thay thế cho các trường hợp hư hỏng. Anh Đặng Ngọc Tĩnh (SN 1985, thợ sửa xe ở huyện Nông Sơn) cho biết, sau ngày đầu tiên hỗ trợ tại khu vực cầu vượt ngã ba Huế, đội thợ tiếp tục di chuyển lên các khu vực ngập lụt nặng tại phường Hòa Khánh Nam để sửa xe giúp người dân, công nhân, sinh viên sớm có phương tiện đi làm, đi học.

Nhận lại chiếc xe máy sau khi được sửa xong, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1985, trú phường Hòa Khánh Nam) rơm rớm nước mắt: “Sau trận lụt, tôi gần như mất trắng tài sản, chỉ còn lại chiếc xe máy này. Nếu không có các anh sửa giúp, không biết khi nào tôi mới có xe đi làm lại. Tôi biết ơn nhiều lắm! Thật sự không có gì quý giá hơn tình người trong lúc gian khó”.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.