Miền bão lụt

.

Miền Trung, nói chung, một dải đất “đòn gánh” của đất nước là nơi tôi dành mọi yêu thương từ thuở ấu thơ. “Cò bay ngược, nước vô nhà/Cò bay xuôi, nước lui ra biển”, “Mống đóng vồng tây, chẳng mưa giây cũng gió giật”. Những câu ca tôi thuộc từ nhỏ nói về một vùng đất chẳng yên bình này. Tôi gọi đó là miền bão lụt…

Các tuyến đường giao thông ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập lũ sâu nên người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các tuyến đường giao thông ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập lũ sâu nên người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên

Bàn về khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, Đại Nam Nhất thống chí từng viết giũa mùa thu thường có mưa lụt, gió bão. Nhà nông thường lấy vật để chiêm nghiệm mưa lụt trong năm, như tổ ong đóng cao thì năm ấy có lụt, đóng thấp thì có bão, măng tre mọc giũa bụi thì năm ấy có bão gió…

Đọc lại những ghi chép trong thế kỷ 17 thôi, cũng thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Năm 1621, nhà truyền giáo Cristoforo Borri kể rằng, nước lụt tuy làm cho đất đai đàng Trong phì nhiêu, nhưng thường thì nước lũ đến bất thần, không ai ngờ và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này xảy ra khắp xứ, do đó họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi.

Khi Borri kể về chuyện người dân chèo ghe đi lấy cây gỗ trôi trong nước lụt để làm củi hoặc làm nhà, chúng ta thấy đa phần nhà cửa lúc ấy đều là nhà chồ“ vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do, do kinh nghiệm lâu năm để lấy kích thước chính xác, nên lụt không tới được sàn nhà...”. Ông cha ta sống chung với lũ từ lâu rồi!

Trong thời gian nhà sư Thích Đại Sán đến Huế và Hội An, thấp thoáng các trận bão lụt ở miền Trung cũng đã hiện lên trên những trang nhật ký của ông: “Bỗng chốc mưa lớn, gió bão thổi mạnh, cả thuyền đều lo ngại. Ta khoát y vài niệm chú, hồi lâu, phía đông nam một trận gió bão nổi lên, đêm tối mây mù, ngữa bàn tay chẳng thấy. Mọi người đều sảng hồn, mường tượng thấy rồng bay múa hai bên thuyền…”. Ông kể tiếp, luôn mấy ngày sóng to gió lớn, các thuyền nhỏ ở mé biển đều kéo lên bãi cát, ông được đưa am thờ Quan Âm ở Cù Lao Chàm, nhưng gió lớn lại phải vào một nhà tranh núp tạm. “Đêm đến sóng gió càng dữ dội, cát bay đá chuyển, nhà lá đổ xiêu. Sóng đánh vào núi nghe ầm ầm, kinh hồn lạc phách…Ta may được mảnh đất gửi thân, nghĩ mấy người đang ở trên thuyền gặp lúc hiểm nghèo, sống chết chỉ cách nhau sợi tóc…”.

Sau trận bão và mưa đêm 14-10-2022, nhìn ảnh chụp đường sá hư hại, cát đá trôi từ núi xuống đường và nhà sập ở Cù Lao Chàm, tôi nghĩ mấy thế kỷ qua, thiên tai càng hung bạo ở miền Trung…

Năm 1793, một chiếc thuyền chở gạo người Nhật bị bão đánh sập cột buồm và trôi về Biển Đông, ngang qua Hội An rồi bị đẩy thẳng vào Gia Định. Số phận các thủy thủ trên tàu đã được Shihoken Seishi ghi lại trong Nhan Biều ký (NXB Dân trí, 2020). Ở phần 2 cuốn sách là các văn kiện ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam lúc ấy được nhà văn Sở Cuồng Lê Dư dịch, đã dẫn ra các văn bản liên quan đến việc chúa Trịnh đóng thuyền đưa hơn 100 thủy thủ Nhật về nước sau trận bão ở Việt Nam đánh chìm trước đó. “Đến ngày 16-6, Giốc Tang cáo từ về nước, ra đến cửa bể bị sóng gió, lũ Giốc Tang 13 người nhảy xuống bể không may chết cả…còn lại 100 người cố tìm sinh lộ…”. Việc thuyền của thương nhân Hiển Quý (Kenki) bị bão đánh chìm ở biển Thuận Hóa năm 1619… cũng được An Nam quốc vương cứu giúp…

Tất cả cho thấy, từ trên đất liền đến Biển Đông, từ mấy trăm năm trước, bão lụt đã được ghi lại, tuy sơ sài những cũng cho ta hình dung ra nỗi khổ từ dân chúng, đến thương nhân và các giới trong xã hội.

Bão lụt mỗi ngày một… lịch sử

Cơn bão cực mạnh ngày 11-9-1904 tại Thừa Thiên Huế, gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Tài liệu Lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong hai thế kỷ XIX-XX mô tả: “Đầu tháng 9-1904, sau những trận mưa lớn, nước dâng cao làm ngập nhiều vùng ở Thừa Thiên Huế. Cùng lúc đó, cơn bão lớn cũng xâm nhập vùng đất này vào ngày 11-9-1904. Lụt và bão đã tàn phá dữ dội cảnh quan môi trường và tài sản, tính mạng của nhiều người.

Nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành và đình chùa miếu mạo bị hư hỏng. Cầu Trường Tiền (tên cũ là Thành Thái) mới hoàn thành năm Thành Thái thứ 11 (1900) bị bay mất 4 vài... Chợ Đông Ba vừa dựng được mấy năm lại bị sập, 2 dãy lớp học của trường Quốc Học bị cuốn trôi. Chùa Thiên Mụ cũng bị hỏng nặng. Cũng trong ngày 11-9-1904, những đợt sóng thần ồ ạt đổ vào bờ biển Thuận An, bít luôn cửa Hòa Duân (cửa Thuận An cũ, thường được sử sách gọi là cửa Eo) và mở ra cửa Thuận An mới nằm ở phía bắc cửa cũ, khiến hơn 50.000ha ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào, gây mất mùa liên tục những năm sau đó. (Theo Phan Văn Dật và Nguyễn Thanh Lợi).

Tại hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho, vào giữa tháng 3 năm Giáp Thìn 1904, đã xảy ra trận đại hồng thủy khiến hơn 5.000 người chết và 60% nhà cửa bị hư hại. Trận lũ lụt năm ấy đã để lại nhiều câu ca dao xúc động trong văn học dân gian. Cha tôi vẫn đọc hai câu mà tôi còn nhớ: “Gặp em đây tôi mới biết em còn/Năm Thìn bão lụt nhớ em mòn con ngươi…”.

Lúc tôi vừa học xong bậc tiểu học năm 1964 thì cũng là nạn nhân của trận lụt năm Giáp Thìn (lại Giáp Thìn) khiến hơn 6 ngàn người chết, hàng trăm làng mạc và hơn vài vạn gia súc bị cuốn trôi ở bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 lúc ấy viết trong hồi ký: Ngoài con số người chết, nhà cửa bị cuốn trôi còn có hơn 70 cán bộ quân cách mạng bị nước cuốn, hy sinh. Nhân dân thì coi đây là trận đại hồng thủy. Riêng một làng Đông An ở huyện Quế Sơn ngày nay có hơn một ngàn người chết.

Từ những đại hồng thủy năm Thìn đến các trận lũ lụt năm 1999-2000 đến nay, mới hai mươi năm đầu của thế kỷ 21, các điệp khúc “lịch sử” đã lặp lại bao lần?

Hãy nhìn lại... chính mình

Chúng ta hằng ngày vẫn nghe các cụm từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, El Nino, hiệu ứng nhà kính…và đó là nỗi lo của cả thế giới chứ không riêng gì ta, riết thành quen. Riết rồi chúng ta không còn thấy mình trong những đổi thay của thế giới, của thiên nhiên và môi trường sống của chính chúng ta.

Sau trận mưa lịch sử, hôm 14-10-2022, ở một căn nhà ngập chứa đầy các đồ dùng là gỗ quý ở Đà Nẵng được đưa lên facebook, có một comment khiến tôi giật mình: “Nhà ai dùng nhiều đồ gỗ thì bị ngập nhiều thôi!”.

Giật mình khi nghĩ đến rừng!

Chưa kể đến hàng triệu hecta rừng đã bị xóa sổ để trồng các loại cây trồng khác như cao su, hồ tiêu, lương thực trong mấy thập niên qua ở nước ta, ai sẽ thống kê còn có bao nhiêu hecta rừng đầu nguồn bị phá để làm thủy điện?

Hãy xem các con số sau đây: Khi xây dựng nhà máy Thủy điện Trà Xom (Bình Định) thì 633,7ha diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) biến mất. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh từng nói với báo chí: “Hiếm có một con sông nào lại phải gánh đến hơn chục công trình thuỷ điện như sông Kôn. Sự chen chúc của những công trình thủy điện này đã làm dòng sông biến dạng. Những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn cũng bị xóa sổ”… Hệ thống “10 thủy điện bậc thang” trên sống Thu Bồn và Vu Gia ở Quảng Nam đã xóa đi bao nhiêu diện tích rừng mà không trồng lại? Không chỉ là 7 ngàn hecta như báo cáo của Sở Công thương tỉnh này đâu! Tại tỉnh Phú Yên hiện có ba thủy điện lớn là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng với tổng công suất 354MW. Để làm các thủy điện này, tỉnh Phú Yên mất hơn 10.000ha đất, trong đó phần lớn là đất rừng và rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Người Cơ tu, người Ê Đê, Ba Na…từ xưa đã có một triết lý sống rất nhân văn, hễ trước khi đốn hạ một cây rừng để làm nhà, họ phải trồng một cây khác để thay thế. Họ trả lại rừng những gì mà họ lấy đi, như một sự công bằng. Còn chúng ta, vì lợi ích trước mắt, đã phá đi không thương tiếc những cánh rừng bạt ngàn mà không hề cảm thấy mắc nợ. Liệu chúng ta có văn minh hơn không?

Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Môi trường thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2000, toàn vùng Đông Dương đã mất đi 68km vuông rừng mỗi năm do việc khai thác gỗ không được kiểm soát, việc phá rừng để trồng các loại cây công nghiệp và cả làm thủy điện… Sự suy kiệt của rừng dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng cho môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu đang bị đe dọa…

Miền bão lũ của tôi có chịu hệ quả nào trong đó không?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.