Ký thác một thời hoa lửa

.

“Mỗi kỷ vật đều gắn với từng sự kiện cụ thể, chứa đựng nhiều kỷ niệm cảm động về tình đồng đội; về sự hy sinh, mất mát, nhưng đầy tự hào của các cô, các chú đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên hôm nay”.

Bà Phan Thị Oanh hiến tặng bi-đông và bộ võng - những vật “bất ly thân” đã theo bà trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bà Phan Thị Oanh hiến tặng bi-đông và bộ võng - những vật “bất ly thân” đã theo bà trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đó là phát biểu của Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân tại lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng cho bảo tàng trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2022”.

1. Những mái tóc hoa râm vẫn không giấu được xúc động khi được mời lên sân khấu để trao lại các kỷ vật kháng chiến cho đại diện Bảo tàng Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1951) quê Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từng là dược sĩ trung cấp ở Trường y tế Khu 5, do khó khăn dò từng bước chân, bà phải nhờ hai nhân viên bảo tàng dìu lên bục để hiến tặng bi-đông và bộ võng - hai kỷ vật bà sử dụng trong thời gian thoát ly gia đình tham gia kháng chiến (1966 - 1975).

Dường như ai cũng không muốn vắng mặt trong buổi ký thác những kỷ vật đã được chính mình gìn giữ gần hết một đời người. Bởi đó không chỉ đơn thuần là chiếc hộp nhôm đựng gạc hấp được làm từ mảnh pháo sáng, nồi đồng nấu cơm nuôi quân, tấm vải dù để ngụy trang trên đường hành quân, cái ca vừa dùng đựng nước uống, thức ăn vừa dùng để xúc đất đào hầm, mũ tai bèo và áo trấn thủ, là quân trang do đơn vị cấp,... mà còn là tất cả những kỷ vật về một thời tuổi trẻ hào hùng…

Ngồi ở hàng ghế dành riêng cho các cựu binh hôm ấy, bà Phan Thị Oanh (SN 1943, tên khác là Kim Anh) nghe lòng bồi hồi xúc cảm. Chung quanh bà là những đồng đội một thời ở chiến trường xưa. Bà Oanh nguyên là nữ y tá của Sư đoàn 2, Quân khu 5, dù nay đã bước qua tuổi 70 nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh và giọng nói dứt khoát đậm chất lính. Sinh ra trong một gia đình từng tham gia cách mạng tại Chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nên 18 tuổi bà đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1965, bà được điều về làm y tá Đội điều trị C33, Phòng Hậu cần Sư đoàn 2, Quân khu 5 với nhiệm vụ sơ cấp cứu thương bệnh binh để đưa về tuyến sau. Chiếc hộp nhôm đựng gạc y tế, ống kim tiêm sản xuất ở Trung Quốc, và bình đông, bạt võng mà người nữ y tá - cựu binh đem hiến tặng hôm nay là những vật “bất ly thân” đã theo bà suốt trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo chân những người lính, ban quân y của bà phải liên tục di chuyển theo từng trận đánh của sư đoàn. Lần lượt những địa điểm đóng quân như: Nước Y, Sơn Tân, Hiệp Thuận, Sa Huỳnh... đã để lại những ký ức khó phai trong tâm trí của bà: “Chiếc hộp đựng gạc ấy được làm từ mảnh pháo sáng của Mỹ, đó là món quà của các thương bệnh binh tặng lúc tôi vừa về nhận công tác tại đơn vị. Hồi đó quân trang, quân dụng còn thiếu thốn lắm. Từ cái muổng ăn cơm, cái lược chải đầu, đến cái cặp tóc ba lá… đều được bộ đội tự tay làm từ các mảnh bom nhặt được sau mỗi trận đánh. Ngay chiếc tăng võng đem tặng bảo tàng hôm nay của tôi cũng được may từ tấm vải dù nhặt được khi sư đoàn đánh trận Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”.

2. Như chạm vào những kỷ niệm đẹp nhất của đời mình, ánh mắt ông Nguyễn Minh Ba (SN 1960) quê xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rạng rỡ khi kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm quân ngũ đầy hoa lửa của mình. Đó là những ngày tháng 7-1979, chiến tranh vệ quốc biên giới Tây Nam như một lời hiệu triệu của sông núi được hàng vạn trái tim thanh niên đáp lời. Sau đợt huấn luyện, ông được biên chế vào đơn vị trinh sát thuộc Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 5, Quân khu 7, đóng quân tại tỉnh Battambang, Campuchia. “Hồi đó, tổ trinh sát của tôi gồm ba đồng chí. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, chúng tôi ngụy trang rất kỹ, âm thầm tiến vào các phom, sóc của đồng bào để nắm tình hình. Có khi nằm phơi sương cạnh bìa rừng quan sát và ghi nhớ cách bố trí hỏa lực đồn lính Pol Pot nhằm chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Vì vậy, đối với người lính trinh sát lúc bấy giờ, la bàn và ống nhòm là hai thứ quan trọng như tròng mắt, con ngươi”, ông nhớ lại.

Ông Nguyễn Minh Ba (bên trái) trao tặng kỷ vật của mình cho Bảo tàng Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Minh Ba (bên trái) trao tặng kỷ vật của mình cho Bảo tàng Đà Nẵng.

Có rất nhiều người lính đi qua chiến tranh, hành trang trở về của họ là những kỷ vật thiêng liêng gắn với những hồi ức không thể nguôi quên. Nhiều năm đã trôi qua, những kỷ vật ấy được nhiều cựu chiến binh cất giữ cẩn thận và xem đó là tài sản quý giá nhất của mình như lời ông Ba tâm sự: “Có nhiều người sưu tập kỷ vật chiến tranh, họ đến năn nỉ để mua lại nhưng tôi không bán. Đối với người lính chúng tôi đó là những kỷ vật vô giá”. Ông còn cho biết thêm, mỗi năm vào dịp 15 tháng 7, anh em cựu binh chiến trường Campuchia thời 1979 - 1980 gặp nhau để ôn lại ký ức hào hùng một thời trai trẻ. Những kỷ vật nhuốm màu thời gian ấy trở thành chiếc gạch nối đưa người lính nhớ về những ngày tháng lịch sử, nhớ về đồng đội, nhớ về một thời hoa lửa của đời người.

Ẩn chứa bên trong mỗi hiện vật đã nhuốm màu thời gian ấy là tình đồng chí, đồng đội, là hoài bão, ước mơ, là sự hy sinh của một thời tuổi trẻ vì cuộc sống yên vui hôm nay. Vì vậy khi phải nói lời chia tay với những kỷ vật thiêng liêng ấy, nhiều cựu binh đã không giấu nổi xúc động: “Nói không tiếc thì không đúng với lòng mình, nhưng giờ chúng tôi đã già rồi, không biết sau này con cháu có giữ gìn tốt không? Nếu chỉ giữ kỷ vật trong phạm vi gia đình thì ít người biết đến, còn khi đã hiến tặng cho bảo tàng trưng bày thì sẽ lưu giữ và phát quang đến thế hệ mai sau”.

3. Phong trào hiến tặng hiện vật là một hoạt động kết nối mạnh mẽ giữa bảo tàng với công chúng, được Bảo tàng Đà Nẵng chính thức phát động từ năm 2012 và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Theo bà Trương Thế Liên, Phó trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng), các nguồn tài liệu và hiện vật giá trị được các tổ chức, cá nhân hiến tặng đã làm phong phú cho kho cơ sở của bảo tàng. Đặc biệt, trong những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm đóng góp các kỷ vật kháng chiến, từ các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí đã từng giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, các gia đình có công với đất nước.

Hôm 25-11 vừa qua, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng cho bảo tàng trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2022”. Cựu binh đến từ các địa phương của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), các tỉnh xa như Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa... từng tham gia chiến trường Khu 5 và tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975 - 1985) đã đích thân tặng 28 kỷ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, phát biểu tại buổi lễ: “Mỗi kỷ vật đều gắn với từng sự kiện cụ thể; chứa đựng nhiều kỷ niệm cảm động về tình đồng đội; về sự hy sinh, mất mát, nhưng đầy tự hào của các cô, các chú đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên hôm nay”.

Hôm đó, những người lính già hân hoan ngồi bên nhau ôn chuyện cũ, ghi vội cho nhau số điện thoại để tiện liên lạc về sau. Họ rứt ruột trao tặng những kỷ vật vô giá như thể hiện tình cảm và tâm huyết trọn đời vì sự trường tồn của sông núi, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, góp phần lan tỏa những giá trị tinh thần cao đẹp ấy đến tận ngàn sau…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.