Để giữ từng cánh rừng xanh thăm thẳm và ngăn chặn sự tấn công của kẻ xấu, kiểm lâm viên phải ăn ngủ nơi rừng thiêng nước độc, tuần tra ngày đêm mọi ngõ ngách, hang sâu. Đôi lúc giày mòn, chân mỏi, những đêm đông gió núi, mưa rừng xối xả trên tấm lưng sờn màu áo, nhưng chỉ cần rừng bình yên, không có dấu hiệu tác động thì họ lại hạnh phúc không gì đong đếm.
Ông Nguyễn Văn Thành, kiểm lâm viên tại Hạt kiểm lâm Hòa Vang (bìa phải) cùng đồng nghiệp khảo sát khu vực rừng Hòa Bắc.Ảnh: T.V |
Rừng là nhà
Cách trung tâm thành phố gần 40km, vượt nhiều cung đường ngoằn ngoèo, qua tầng tầng lớp lớp rừng xanh bạt ngàn, tôi đến Trạm Kiểm lâm xã Hòa Bắc (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) thuộc Hạt Kiểm lâm Hòa Vang gặp ông Nguyễn Văn Thành (56 tuổi), kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Hòa Vang. Kể lại quãng thời gian gắn bó với rừng, ông Thành nhìn xa xăm cho biết, năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Nông lâm nghiệp Tam Kỳ - Quảng Nam, ông công tác tại ban quản lý dự án PAM tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Mãi đến năm 1997, ông mới quay trở lại nghề kiểm lâm, tính đến nay ông gắn bó với rừng gần 30 năm, dành cả sức trẻ, tuổi xuân oanh tạc nhiều cánh rừng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân đến rừng Hòa Bắc…
Ông Thành nói rằng, đồng hành với rừng gần như hết cuộc đời, ở rừng nhiều hơn ở nhà, thấm hết mọi nhọc nhằn, gian khổ của nghề kiểm lâm nhưng ông chưa bao giờ hối hận khi chọn nghề. Bởi ông nghĩ những việc mà ai cũng ngại khó, ngại khổ thì ai làm, ai sẽ bảo vệ màu xanh của rừng. Nhờ công việc này mà ông được góp sức nhỏ chung tay bảo vệ rừng, làm công việc bản thân yêu thích, mỗi ngày được ngắm nhìn cây cỏ, muông thú reo vui thế là quá đủ.
Khi tôi dò hỏi vì sao chọn nghề kiểm lâm dẫu biết đối mặt nhiều hiểm nguy, ông Thành bộc bạch: “Nhà tôi ở gần rừng nên từ nhỏ đã sớm hình thành tình yêu với thiên nhiên và cây cối. Bên cạnh đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đôi lần tiếp xúc lực lượng kiểm lâm, nhìn các chú trong bộ quân phục màu xanh đến tuyên truyền bảo vệ rừng, giây phút đó tôi nuôi dưỡng ước mơ sẽ trở thành người lính giữ rừng.
Tôi chọn nghề này chính vì yêu rừng, yêu màu xanh của thiên nhiên và mong muốn dùng hết sức mình để bảo vệ màu xanh cho sự sống. Tôi còn nhớ, khi mới bước chân vào nghề, trong cuộc truy quét dấu vết lâm tặc, tôi cùng đồng nghiệp đã chạm mặt đối tượng, chúng rất hung hãn kiên quyết chống trả. Lúc ấy, bọn chúng lấy vô số hòn đá to để chọi làm chúng tôi bị thương. Rất may, nhờ sự nỗ lực hợp sức của anh em, chúng tôi đã hạ gục đối tượng. Chính vì vậy, nghề này ngoài chuyên môn, kiểm lâm viên phải có sức khỏe tốt, sự dẻo dai, lòng dũng cảm và trái tim sắt đá khi gặp đối tượng manh động”.
Theo ông Thành, công việc mỗi ngày của ông bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ, ngoài giờ làm việc theo quy định nếu có sự cố ông phải có mặt bất kể ngày đêm. Bên cạnh đó, mỗi tháng ông cùng đồng nghiệp 4 lần đi tuần tra vào rừng sâu, mỗi lần từ 2 đến 3 ngày và có thêm 4 lần đi rừng gần thời gian trong ngày. Chưa kể, mỗi khi có sự kiện nóng, đợt tuần tra truy quét kéo dài cả tuần ngày, ông cùng đồng đội băng đèo hàng trăm cây số, ăn ngủ trong rừng để làm việc. Dứt câu nói, ông Thành khoe, ông vừa hoàn thành chuyến đi rừng 2 ngày tại tiểu khu khe Áo (TK 27) và khe Đương (TK 29), khu vực rừng Hòa Bắc giáp ranh xã Hòa Ninh.
“Mỗi chuyến đi rừng sâu, chúng tôi phải mang theo lương khô, gạo, ruốc, mắm, muối, võng, màn, túi ngủ, bạt và những vật dụng cần thiết. Mỗi người phải cõng khoảng 20kg rồi cứ thế trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt dốc, đi khi nào mệt rồi nghỉ, khỏe lại đi tiếp. Đi một đoạn thì anh em lại chẻ nhánh xương cá để kiểm tra khu vực xung quanh. Đến chiều tối, chúng tôi dừng chân dựng lều nghỉ bên suối, khung cảnh trong rừng ban đêm quạnh hiu, vắng vẻ, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu, không có điện, không có sóng điện thoại. Đi cả ngày mệt lả, nhưng đêm đến chúng tôi quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện vui trong ngày nên mọi mệt mỏi đều tan biến. Vì đi như thế nên chúng tôi bị trầy tay chân, ong chích, vắt bu, rắn cắn là chuyện xảy ra cơm bữa. Thậm chí, nếu không cẩn thận chúng tôi có thể trượt chân rơi xuống vực sâu, đối mặt với cái chết. Đặc thù rừng Hòa Bắc có độ dốc và vực sâu nên đi rừng tiềm ẩn nhiều tình huống xấu nhưng tôi cùng anh em luôn trấn an nhau, cộng thêm kinh nghiệm nên cũng quen dần. Song song, chỉ cần bất cẩn khi truy quét, người kiểm lâm có thể xảy ra tai nạn nghề nghiệp bất cứ lúc nào, nhất là vào những ngày mưa gió. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa đi tuần tra rừng vô cùng gian nan nhất là gặp các trận mưa to đột ngột, ngầm suối sẽ dâng cao, nước lũ chảy xiết, đe dọa người kiểm lâm khi di chuyển. Lúc đó, chúng tôi buộc phải ở lại đến khi nào nước rút mới ra khỏi rừng. Hoặc những lần chiến đấu với bọn lâm tặc, dù được huấn luyện trang bị đầy đủ kiến thức nhưng đôi lúc bọn lâm tặc quá khích làm kiểm lâm viên rơi vào tình thế nguy hiểm. Vất vả là vậy, nhưng xa rừng một vài ngày tôi lại nhớ không chịu nổi, ăn ngủ cũng mất ngon”, ông Thành bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Toàn, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tuần tra rừng ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.V |
Theo người đàn ông gắn bó với rừng hơn 30 năm qua thì người kiểm lâm viên không chỉ bảo vệ rừng tại chỗ mà còn có nhiệm vụ quan trọng là phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng chữa cháy khi có cháy. Ví như, đang bước vào mùa khô hạn và những ngày lễ là thời điểm rất dễ xảy ra cháy rừng, anh em phải thay nhau túc trực ngày đêm để vận động bà con chủ rừng, công ty lâm nghiệp triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Ông chỉ mong mọi người có ý thức bảo vệ rừng như bảo vệ chính mình, rừng cũng là phương tiện để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Được ông Thành dẫn đi một vài đoạn rừng ở xã Hòa Bắc nhưng chỉ đi chừng mươi phút, tôi đã mệt lả. Thế mới thấy biết ơn hơn người kiểm lâm viên gùi trên vai mấy chục ký hành trang, rẽ bụi gai, xuyên rừng dốc, chưa kể đối mặt nhiều bất trắc nhưng họ vẫn dành cả cuộc đời nơi rừng sâu, nước thẳm để bảo vệ lá phổi xanh. Chia tay ông Thành, ngước nhìn từng bìa rừng, trong tôi có những cảm xúc khó tả. Tôi nghĩ rằng, nghề kiểm lâm quá đỗi gian khổ, sự hy sinh thầm lặng của họ ít ai hiểu được và có những người như ông thì rừng mới giữ trọn vẹn qua từng năm tháng.
Theo ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, hiện hạt có 9 kiểm lâm viên, quản lý gần 2.520 diện tích rừng tự nhiên. Những năm qua, kiểm lâm viên được các cấp quan tâm, hỗ trợ rất nhiều từ tiền lương, chế độ và đầu tư nhiều vật dụng đi rừng cần thiết. Tuy diện tích rừng lớn, số lượng kiểm lâm ít nhưng tất cả mọi người đều gác lại khó khăn để cùng nhau góp sức nhỏ vào công cuộc bảo vệ rừng Sơn Trà. |
Tự hào về nghề
Rời rừng Hòa Bắc, tôi quay ngược hơn 40km về Hạt kiểm lâm quận Sơn Trà Ngũ Hành Sơn để trò chuyện với ông Nguyễn Đức Toàn (56 tuổi). Giống ông Thành, ông Toàn cũng luân chuyển đi khắp các cánh rừng trên toàn thành phố, ông kể, vào nghề ngót nghét 30 năm, trải qua nhiều thăng trầm, gian khổ như mùa mưa quấn áo mưa ngủ bên bờ suối, gai rừng đâm thấu da thịt… nhưng ông luôn tự hào về nghề kiểm lâm. Tính ra, kiểm lâm viên ở thành phố đỡ vất vả hơn ở miền núi và các tỉnh biên giới vì người dân đã ý thức việc bảo vệ rừng, nhưng nhìn chung kiểm lâm viên là nghề phải neo thân mình nơi rừng sâu, đối mặt nhiều hiểm nguy mà chẳng ai có thể nói trước điều gì.
Công việc cứ lặp đi lặp lại 30 năm qua nhưng ông chưa bao giờ thấy chán hay có ý định bỏ nghề. “Công việc kiểm lâm buộc chúng tôi phải đi rừng thì mới biết khu vực nào có dấu hiệu tác động, nơi nào nằm trong vùng an toàn. Cứ mỗi tuần, chúng tôi sẽ chủ động đi tuần tra nguyên ngày trong rừng từ 2 đến 3 lần. Sáng sớm, chúng tôi đùm cơm nắm, nước, vật dụng đi rừng như găng tay, kiềm gỡ bẫy và đi đến tối chúng tôi xuống núi, cả đi lẫn về gần 10km đường rừng. Nhiều hôm phải di chuyển xa chúng tôi không kịp nghỉ trưa, chỉ ăn qua loa rồi tiếp tục đi đến chiều.
Địa hình núi Sơn Trà có độ dốc và đá rất nhiều nên chúng tôi té bị bong gân hoài, chúng tôi còn đùa rằng chưa bong gân thì chưa phải là kiểm lâm viên, có khi cả tuần sau, vết thương mới đỡ phần nào. Rồi có những đoạn gai mây bít lối, nếu phát quang có khi mất đến cả ngày, chúng tôi phải đu dây tương đương độ cao khoảng 30m để xuống núi. Bên cạnh những vất vả, tôi cũng như các đồng nghiệp cũng có niềm vui với nghề như được trải nghiệm ngắm suối, ngắm cây, dung nạp thêm kiến thức về hệ sinh thái và vốn sống bù đắp lại những tủi hờn với nghề”, ông Toàn bộc bạch.
Theo ông Toàn, ở rừng Sơn Trà với 90km đường rừng, bất kỳ ai cũng có thể vào rừng bằng đường biển hoặc đường bộ, không chỉ một người mà nhiều người nên kiểm lâm viên rất khó khăn khi giám sát. “Ngoài đi rừng ban ngày, chúng tôi còn phải tăng cường đi tuần tra ban đêm khắp khu vực bán đảo Sơn Trà, cứ nhận tin báo từ đường dây nóng là chúng tôi phải đi. Nhiều hôm, tội phạm vứt xe máy bên đường lẻn vào rừng đặt bẫy thú, chúng ra sớm thì tôi và đồng nghiệp về sớm, còn nếu chúng ở lại đêm thì chúng tôi phải nằm rừng nguyên đêm để tóm gọn đối tượng.
Vì thế, mỗi khi gặp đối tượng xâm nhập rừng trái phép, chúng tôi phải ngăn chặn. Nếu vi phạm sẽ tùy theo mức độ như xử phạt hành chính, thu hồi tang vật hoặc chuyển cho cơ quan chức năng xử lý nếu vi phạm nghiêm trọng. Được tuyên truyền nhưng vì lợi ích riêng, nhiều đối tượng vẫn cố ý vào rừng để săn bắt thú, chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả. Vì vậy, chúng tôi dặn lòng không được run sợ, nếu sợ thì đã thất bại với nghề”, ông Toàn quả quyết.
Còn đối với anh Ngô Ngọc Tân (31 tuổi), kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn cho hay, tình yêu rừng đã ngấm vào máu từ khi còn nhỏ nên anh cố gắng trở thành người kiểm lâm để cống hiến công sức, trí tuệ của mình bảo vệ rừng. Người trẻ rất hiếm ai chọn nghề này vì thu nhập thấp, giờ giấc nghiêm ngặt, túc trực 24/24 không kể lễ, Tết nhưng chỉ cần bảo vệ từng cành cây được an toàn, con thú tung tăng trong không gian của nó đối với anh đó là niềm vui không gì sánh bằng. “Tôi tin rằng, vẫn còn đâu đó nhiều người không trụ được với nghề nhưng với những ai đã quyết tâm gắn bó thì không hiểm nguy nào khiến họ e ngại, không khó khăn nào làm họ chùn chân”, anh Tân khẳng định.
Ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hòa Vang cho hay, huyện Hòa Vang có 38.593ha rừng tự nhiên, 17.344 là rừng trồng. Đây là nơi trọng điểm rừng của thành phố còn nhiều cánh rừng nguyên sinh giàu tài nguyên, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng nhưng diện tích rừng phân tán, tiếp giáp nhiều tỉnh, gần đất canh tác, sản xuất nông nghiệp người dân. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng rất áp lực cho lực lượng kiểm lâm. Đặc thù công việc phải đối mặt muôn vàn nguy hiểm nhưng kiểm lâm viên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
HUỲNH TƯỜNG VY