Thương nhớ Trường Sa

.

Đã qua 4 tháng đoàn công tác số 5 thành phố Đà Nẵng chúng tôi chia tay Trường Sa để mỗi người về lại với các nhiệm vụ, vị trí công tác của mình. Chúng tôi, những thành viên của đoàn vẫn giữ liên lạc và ai ai cũng bày tỏ sự thương nhớ Trường Sa như đang nhớ về miền quê của mỗi riêng mình...

Nhịp sống trên đảo Đá Tây A.
Nhịp sống trên đảo Đá Tây A.

Đặt bước chân đầu tiên lên đảo tiền tiêu cực đông nơi quần đảo Trường Sa là đảo Song Tử Tây. Những hàng dừa thẳng tắp mà cây giống được tỉnh Bình Định trao tặng buông tàu lá reo ca hòa cùng gió biển. Bao lối đi thảm bê-tông xi-măng đưa những đôi chân từ đất liền thong dong vào sâu trong đảo như dạo bước trên đường làng.

Một ngày cuối tháng 7 gặp nhau ở thành phố, anh Đinh Văn Dũng (Ban Tuyên giáo Thành ủy) nói “Mình nhớ Trường Sa quá”. Ở đó, không có nhà hàng, quán ăn sang trọng, không có khách sạn chọc trời như đất liền, ở Trường Sa chỉ có sự bình dị, mộc mạc, biển xanh. Nước biển trong veo in bóng mây trời. Cát mịn, trắng phau. Những hồi tưởng cứ thế ùa về, hàn huyên thương nhớ Trường Sa.

Đến với Trường Sa, chúng tôi chẳng thể nào quên những ngôi nhà nằm san sát nhau ở xã đảo Song Tử Tây khang trang, thơ mộng chẳng khác gì những dãy nhà phố liền kề. Chị Nguyễn Thị Châu Úc khoe: “Tuy sống ở đảo, nhưng nhà có đầy đủ tiện nghi như tivi để giải trí và thường xuyên cập nhật tình hình ở đất liền; tủ lạnh để giữ thức ăn. Trong vườn, vợ chồng còn trồng rau, nuôi gà đủ để phục vụ cuộc sống gia đình”. Đứng trước vườn rau xanh tốt với đủ loại muống, dền, mồng tơi, mướp, ớt, sả..., chị Úc tâm sự: “Ở đây có khi nắng nóng kéo dài, hơi nước biển bốc mạnh, có khi mưa bão, nhưng vợ chồng tôi đã cẩn thận che chắn, chăm sóc chu đáo, nên vườn rau luôn xanh tốt”.

Anh Nguyễn Quốc Toàn cùng vợ Nguyễn Thị Thư đã nhiều năm qua rời quê Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ra đảo Song Tử Tây lập nghiệp. Anh Toàn làm Tiểu đội trưởng dân quân xã đảo. “Vợ em thường ở nhà chăm sóc con, trồng rau, nuôi gà, còn em thì đi biển đánh cá. Cứ tối đi, sáng về, chồng lo cá, vợ chăm rau, cuộc sống gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm”, anh Toàn nói và cho biết thêm, nhịp sống ở Song Tử Tây như bao làng quê trên Tổ quốc mình. Tối tối, cả cán bộ, chiến sĩ và người dân cùng quây quần bên ấm trà nóng, trò chuyện râm ran. Nào chuyện gia đình, vợ con, chòm xóm ở quê, chuyện tiếu lâm nơi này, nơi khác.

Đến chương trình thời sự 19 giờ VTV1, tất cả cùng tập trung xem để nắm bắt tình hình đất nước, quê hương. Những đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ, khi hát karaoke, những giai điệu quê hương lại được ngân vang, làm thổn thức cõi lòng bao người lính. Dưới tán dừa bên cạnh sân bóng đá rộng rãi giữa vị trí trung tâm đảo Song Tử Tây, Toàn nhỏ nhẹ nói, đoàn công tác nào từ đất liền ra đảo cũng dành thời gian viếng hương lễ chùa.

Thật vậy, sự hiện diện của các công trình văn hóa, tâm linh, thờ tự ở Trường Sa tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa…mang đậm bản sắc văn hóa Việt trên vùng biển đảo tiền tiêu. Nhờ có chùa và các nhà sư trụ trì, đời sống tinh thần của quân và dân đảo Trường Sa như được tiếp thêm sinh khí.

Ngồi trên bờ kè bên chùa Song Tử Tây, ngôi chùa ở vị trí xa nhất của Tổ quốc trên biển và là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa, Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh tâm sự: “Mình đã trải thời gian khá dài công tác trên đảo nhưng trong cái nắng khô khốc, cái mưa ồn ào, xối xả hay bao trận cuồng phong thông thốc gió biển của Song Tử Tây, ngôi chùa thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam nơi biển đảo, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là mạch nguồn trong mát luôn chảy trong tâm khảm mỗi con người nơi đầu sóng”.

Rời Song Tử Tây, bước chân lên đảo Sinh Tồn, bên tai tôi vẳng tiếng chuông chùa giữa thinh không, khiến lòng người bình yên và thấy thiêng liêng, gần gũi. Chùa trên các đảo Trường Sa đều mang phong cách truyền thống, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.... Các chùa đều có tam quan, chính điện, tả, hữu vu, sân vườn, ở vị trí có địa thế đẹp nhất trên các đảo.

Nữ đại biểu đoàn công tác thành phố Đà Nẵng năm 2024 cùng trẻ em trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nữ đại biểu đoàn công tác thành phố Đà Nẵng năm 2024 cùng trẻ em trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đi qua những địa danh của Tổ quốc nơi đầu sóng ở quần đảo Trường Sa, tôi đã được khắc ghi nhiều cái tên mang âm hưởng của quê nhà, thấm vào gan ruột như Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn, Thuyền Chài, Đá Tây... Đặc trưng “văn hóa làng” đã hòa quyện và lan tỏa trong sự liên hệ vô hình giữa bờ với biển đảo, trầm lắng mà mãnh liệt biết bao. Ở Trường Sa, trong đời sống và sinh hoạt của mỗi người lính, người dân đều mang âm hưởng của quê hương. Giống những người lính ở đất liền, người lính đảo cũng học tập, huấn luyện, tăng gia sản xuất; người dân cũng trồng rau, nuôi gà, ra khơi đánh bắt hải sản.

Trường Sa bây giờ xanh hơn bởi màu xanh của cây cối, vườn tược, công viên... được quân và dân trên các đảo chăm chút mỗi ngày. Trường Sa bây giờ đẹp hơn bởi có thêm hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) phục vụ các công trình phúc lợi (đường sá, trường học, trụ sở, trạm y tế, trạm khí tượng, trạm hải đăng, trạm cung ứng dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ...) và sinh hoạt hằng ngày của quân và dân trên các đảo... Tất cả góp phần tạo nên những nét quê thân thương trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc...

Trên hải trình trở về đất liền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Phạm Văn Hòa nhắc nhiều đến câu chuyện văn hóa. Hàng trăm lượt khách lên thăm đảo nhưng quân, dân ở đảo đều ân cần chăm sóc, lo từng thau nước đại biểu rửa mặt, từng cốc nước để uống. Chỉ một hành động, một việc làm của họ cũng toát nên phong cách, bản lĩnh chứa đựng một tâm hồn độ lượng và rất đỗi yêu thương.

Ở Trường Sa, để có nguồn nước ngọt đủ cho sinh hoạt hằng ngày, quân dân nơi đây phải tiết kiệm, chắt chiu đến... tằn tiện. Ấy vậy mà mỗi khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo, người Trường Sa vẫn hào phóng đặt vài chậu nước ngọt ngay trên cầu cảng cho khách rửa mặt, rửa tay để cảm nhận được cái mát mẻ ở nơi đầy nắng và gió này. Anh Hòa kể, “mình vốc ca nước ngọt ở cầu cảng đảo Song Tử Tây đưa lên mặt bỗng thấy cay nồng sống mũi. Trân trọng quá, ý nghĩa quá”.

Đến bất cứ nơi nào dù ở đảo nổi hay đảo chìm thì lời chào luôn thường trực trên môi người Trường Sa. Bất cứ lúc nào, ở đâu, dù đang tất bật với công việc hay đang nghỉ ngơi bên gốc phong ba, bàng vuông, lời chào đều được cất lên. Điều giản dị này đã làm cho người Trường Sa trở nên thân thiện, gần gũi và giàu lòng mến khách. Sự tận tình, chu đáo cũng tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Trường Sa.

Người Trường Sa dường như đã quen với cách sống của mình, họ muốn dành điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để “đãi khách”. Chị Huỳnh Thị Kim Lương (Liên đoàn Lao động thành phố) bày tỏ: “Tôi yêu cái tận tình, chu đáo của người Trường Sa. Bao nhiêu gian lao, khó nhọc các anh bộ đội đều giành và giữ lấy cho mình. Nước mắt tôi đã chảy khi đoàn rời các đảo, rời nhà giàn DK1.2 Phúc Tần”.

Bất cứ ai từng một lần dừng chân trên các điểm đảo đều xúc động ngỡ ngàng khi đứng trước những tấm bia chủ quyền, nổi bật lên là hình ảnh bộ đội Hải quân bất khuất, hiên ngang trên nền quốc kỳ đỏ thắm. Ai cũng hiểu, muôn đời sau, nét văn hóa ấy, con người ấy và những tấm bia chủ quyền giữa trùng khơi mênh mông là hình ảnh thể hiện phẩm chất Trường Sa anh hùng.

Chúng tôi đã đi qua những ngày tháng 4-2024 như thế ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó, bật lên tinh thần, ý chí và sức sống Trường Sa.

"Đến với Trường Sa, chúng tôi càng thấy trân trọng từng tấc đất, đụn cát, rặng cây, hòn đá... hiên ngang giữa biển trời khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở Trường Sa, tất cả đều rất bình dị, thân quen nhưng rất đỗi tự hào. Giữa Trường Sa nắng gió, tất cả đều tự hào với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo. Giữa nắng, gió bão bùng, cuộc sống vẫn đâm chồi, nẩy lộc, những trẻ em - thế hệ công dân tiếp tục chào đời trên mảnh đất thiêng liêng này. Qua chuyến đi này, chắc chắn mỗi người không chỉ có thêm tri thức về chủ quyền biển, đảo mà còn có ý thức, mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thông qua lĩnh vực công tác của mình...”. Võ Thành Trung, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.