Từ thành phố Huế vào Đà Nẵng và ngược lại hiện nay du khách dễ dàng di chuyển và trải nghiệm chuyến tàu di sản. Dịp lễ 2-9 này, tôi đã có dịp như thế và trên chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” kéo dài 3 giờ lại gắn với bao cung bậc cảm xúc, hòa theo nhịp điệu lời bài hát “Tàu anh qua núi”, thưởng thức đặc sản và ngắm cảnh dọc dài cung đường sắt miền Trung...
Du khách lên tàu tại ga Huế. Ảnh: GIA PHÚC |
1. Sức hút du khách của chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” (đoàn tàu di sản) Huế - Đà Nẵng nóng ngay từ ứng dụng cài đặt vé tàu dsvn.vn hay cổng bán vé trực tuyến https://ketnoidisan.dsvn.vn. Lượng vé liên tục được đặt chỗ và hành khách phải đặt mua trước vài ngày trước khi khởi hành.
Có mặt tại ga Huế lúc 7 giờ ngày 3-9 (trước lịch đoàn tàu di sản khởi hành 30 phút) cả 3 dãy phòng chờ ra tàu đều đông kín khách. Việc chọn đi tàu từ Huế vào Đà Nẵng sẽ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, chậm hơn so với đi xe khách nhưng trải nghiệm trên chuyến tàu di sản cũng rất đáng để thử. Anh Quỳnh lái xe taxi nói gần 6 tháng qua các buổi sáng sớm ở ga Huế mới có cảnh đông vui và tấp nập. Sức hút từ đoàn tàu di sản làm cho Huế dậy sớm hơn, hàng quán trước sân ga đều có khách, không còn cảnh ngóng đợi từng phiên tàu.
Trải nghiệm với đoàn tàu di sản của tôi bắt đầu với việc di chuyển ra tàu rất nhanh. Ở cửa mỗi toa, du khách được đón tiếp qua nụ cười thân thiện từ các nhân viên nhà tàu. Dịp lễ 2-9, nhân viên nhà tàu đều mặc đồng phục áo thun đỏ có sao vàng trước ngực làm cho không khí ngày lễ Quốc khánh càng thêm ấn tượng; tạo sự gần gũi và tự hào trong mỗi du khách. Đúng lịch trình, lúc 7 giờ 30, Trưởng tàu HD1 Nguyễn Ngọc Sơn cho tàu rời ga. Loa phát thanh trên khoang tàu truyền thông tin giới thiệu hành trình, điểm đến và thuyết minh thông tin du lịch...
Đoàn tàu có các toa xe ghế mềm, điều hòa không khí mát lạnh, có sóng wifi... và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng phục vụ các chương trình văn hóa và ẩm thực địa phương... Trên hành trình, tàu sẽ dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp, check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô. Theo giới thiệu và thực tế trải nghiệm, với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ, đoàn tàu di sản đã đưa du khách đi qua đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để đến với Đà Nẵng - nơi sở hữu bờ biển được tôn vinh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam-Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.
Tâm điểm của hoạt động trên tàu là khu vực toa tàu sinh hoạt cộng đồng có bán nhiều món ăn đặc sản của miền Trung như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ram ít... đồ uống giải nhiệt với mức giá hợp lý, ngon miệng. Tại toa tàu sinh hoạt cộng đồng, hành khách còn được phục vụ giao lưu văn nghệ. Những bài hát về Huế, Đà Nẵng át hẳn tiếng xình xịt của bánh sắt con tàu. “Đi tàu này không chỉ là di chuyển mà còn là kết nối văn hóa nữa. Một trải nghiệm rất đáng thử...”, chị Nguyễn Thùy Linh người Đà Nẵng có mặt trên tàu nói.
Tàu dừng 10 phút và rời ga Lăng Cô, cũng chỉ trong ít phút đã bắt gặp dãy núi Hải Vân sừng sững trong tầm mắt. Mọi du khách hướng mắt về khung kính cửa sổ tàu mà vừa ngắm cảnh núi, cảnh biển đèo Hải Vân. Cảm giác thật là “chill chill”, đôi bạn trẻ du khách người Hà Nội cứ trầm trồ.
Không gian sinh hoạt cộng đồng trên tàu HĐ1. Ảnh: GIA PHÚC |
2. Rất tình cờ tôi gặp Van de Hoef Den, người Hà Lan làm nghề giáo viên tiếng Anh đang lưu trú tại khu phố du lịch An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Den cho biết anh rất thích trải nghiệm ẩm thực nên kỳ nghỉ lễ 2-9 này ra Huế chơi và đã chọn chuyến hành trình bằng tàu lửa này. Cũng giống như tôi, Den đến ga Huế từ sớm, lúc 6 giờ, tranh thủ uống ly cà phê và đi bộ dọc bờ nam sông Hương.
Tôi gặp Den ở không gian toa tàu sinh hoạt cộng đồng. Den thích thú khi thấy nghệ sĩ biểu diễn ca Huế trong toa xe được trang trí theo lối truyền thống cung đình xưa lại thêm các dãy bàn bán hàng đặc sản xứ Huế như bánh ít, bánh bột lọc, bánh bèo… Den chọn món bánh bao, bánh bèo và bánh bột lọc rồi trở về chỗ ngồi cùng tôi ở khoang toa số 1. “Đây là lần đầu thưởng thức món bánh làm từ bột, gói chuối xanh, khá lạ miệng. Bánh bèo mềm mọng, thanh mát, còn bánh bột lọc thơm, hơi dai, có vị của tôm”, Den nói.
Thoáng chốc tàu đi vào cung đèo Hải Vân, Den liên tục thốt lên “wow”, “đẹp quá”. “Tôi thích cảm giác nhìn ra ngoài và thấy một bên là biển, một bên là núi. Khung cảnh thực sự ấn tượng, xứng đáng được gọi là tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam”, Den nói. Về gần đến ga Đà Nẵng, Den nhận xét, chuyến đi tốn khoảng 3 giờ di chuyển nhưng không hề thấy khó chịu hay mệt mỏi vì tàu có trang bị ghế mềm và điều hòa. Bên cạnh đó, chỗ ngồi cũng được bố trí đối diện nhau, ngay cạnh cửa sổ để du khách thuận tiện trò chuyện và ngắm cảnh.
Trên thế giới, du lịch đường sắt là một trong những loại hình được nhiều du khách yêu thích vì thuận tiện và có cơ hội ngắm cảnh trên đường di chuyển. Quả thật, chuyến “Kết nối di sản miền Trung” đã bắt nhịp loại hình dịch vụ vận tải này. Sức hút du khách với chuyến tàu di sản này đang thúc đẩy du lịch phát triển cùng kết nối với các điểm đến, các chương trình, sự kiện của thành phố Huế - Đà Nẵng.
Mỗi khi có dịp lên kế hoạch đi du lịch đâu đó, tôi luôn chần chừ chọn đến Huế, nhưng bây giờ có lẽ đã khác. Huế đang nằm trong chuỗi di sản của miền Trung, việc tận dung lợi thế, tạo tính kết nối là điều quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển. Chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” bây chừ là cầu nối đủ hấp lực với tôi và cũng có lẽ với nhiều người khác.
Đoàn tàu du lịch Huế-Đà Nẵng “Kết nối di sản miền Trung” khai trương ngày 26-3-2024. Mỗi ngày có 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 kết nối Huế - Đà Nẵng. Tại ga Huế, tàu HĐ1 xuất phát lúc 7 giờ 45, tàu HĐ3 xuất phát lúc 14 giờ 25. Tại ga Đà Nẵng, tàu HĐ2 xuất phát lúc 7 giờ 50, tàu HĐ4 xuất phát lúc 15 giờ. Thời gian qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội- Haraco đã làm việc với các Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và gần 40 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như thành phố Đà Nẵng để sản xuất các sản phẩm du lịch chất lượng trên cơ sở đặt việc trải nghiệm văn hóa làm trọng tâm. |
TRIỆU GIA