Những ngày qua, bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) liên tục cập nhật thời tiết trên biển, theo đó quần đảo Trường Sa có mưa lớn, sóng biển cấp 5, cấp 7. Hai tiếng Trường Sa làm thành viên đoàn công tác thành phố năm 2024 lại nhớ về nơi đó, nhớ lính đảo. Bây chừ nơi đó Trường Sa, trong mưa giăng, gió giật chắc hẳn các anh lính đảo còn nhớ những giọng ca, tiếng hát mà đất liền Đà Nẵng gửi gắm ân tình.
Gợi nhớ về thời chiến sĩ... văn công
Hồi rời Trường Sa, trên hải trình trở về đất liền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cảm mến đến các thành viên đoàn công tác và đặc biệt là đội văn nghệ của Nhà hát Trưng Vương, anh đã gieo vần: “Trưng Vương có Đặng Ánh Quyên/ Tình ca, em hát như tiên giáng trần. Hát rock có Ksor Sơn/ Giọng vang như thác đại ngàn Tây Nguyên. Nhật Mai tươi trẻ/ Hát hoài nhạc teen...”.
Và đây, giữa trùng khơi, giọng Nhật Mai cất lên qua bộ đàm gửi tặng đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK 1.2 Phúc Tần đến chừ vẫn đọng mãi.
“Biển trời bao la
Đẹp như gấm hoa...
Biển trời quê ta
Rộn vang tiếng ca...”. (Bài ca Thống nhất - Võ Văn Di)
Ca sĩ Nhật Mai giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Ấn tượng nhất trong chuyến đi hồi tháng 4 ra Trường Sa là chương trình văn nghệ ở đảo Đá Tây A, sân khấu ngoài trời được bố trí ở ngay trước thềm nhà Đại đoàn kết. Tiếng hát của các chiến sĩ đảo Đá Tây A cất lên trầm hùng nhưng cũng đầy lãng mạn về đời lính đảo với biển khơi đầy phong ba. “... Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua/ Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi...” (Nơi đảo xa - nhạc sĩ Thế Song). Để rồi sau đó, một tiết mục khác lại nhẹ nhàng trong nỗi nhớ nhung, tình cảm giữa đất liền với Trường Sa qua những cánh thư, những hình ảnh gần gũi thân thương với những rạn san hô, cánh hải âu biểu tượng của biển.
“Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương vẫn có loài chim biển/ Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô...” (Gần lắm Trường Sa - Hình Phước Long)... Và đây nữa, bùng lên cảm xúc mạnh mẽ, trầm hùng từ những giọng ca chiến sĩ đảo Sinh Tồn, với bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” (nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai). “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dồn, giăng lưới bủa vây… Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...”.
Ai một lần đến Trường Sa, dù hát hay, hát chưa hay, chưa thuộc lời cũng đều hòa giọng ca cho sóng biển dạt dào, cùng hát lên từ trái tim, tận đáy lòng của những công dân nước Việt để khẳng định chủ quyền và ngợi ca những người lính biển! Tận mắt chứng kiến các ca sĩ Nhà hát Trưng Vương (thành phố Đà Nẵng) cùng các chiến sĩ trẻ ngồi trên nền đá đảo đá chìm Cô Lin say sưa hát cùng nhau mới cảm nhận sâu sắc về tinh thần dân tộc, tự hào biên cương Tổ quốc. Để mỗi người con đất Việt càng thấy vinh dự, trách nhiệm khi được Tổ quốc gọi tên. Và tinh thần dân tộc kiên cường bất khuất ấy một lần nữa như ngọn đuốc cháy sáng rực lửa, những ngọn đuốc yêu chuộng hòa bình.
Trường Sa bao la biển trời, những điểm đảo, cụm đảo chìm, đảo nổi như những điểm xuyết trên bức tranh đại dương mênh mông. Đặt chân lên các đảo là đến với một địa danh thân quen; một cuộc sống tràn đầy sức sống như những cây phong ba, bão táp; một cuộc sống tràn ngập niềm tin yêu với Tổ quốc biên cương, phên dậu của đất mẹ thiêng liêng.
Ca sĩ Ksor Sơn (Nhà hát Trưng Vương) biểu diễn tại đảo Đá Tây A. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Sân khấu lớn trong đời ca sĩ
Ca sĩ Ksor Sơn (Nhà hát Trưng Vương) chia sẻ cùng tôi trong cơn mưa buổi chiều tháng 10 hắt qua thành phố khi đã hơn 6 tháng rời Trường Sa. Một khoảng lặng thời gian đủ để những kỷ niệm lưu lại và ùa về trong ký ức, để khi mở ra, nó vẫn nóng bỏng, bồi hồi.
Mình đã hát giữa biển khơi, nghe lính đảo hát và hát cùng lính đảo trở nên trong trẻo, bay bổng. Có gì tuyệt vời hơn khi đứng giữa Trường Sa, cất lên từ trái tim những lời hát về biển đảo, Tổ quốc biên cương... “Trường Sa, sân khấu lớn nhất trong đời đối với người ca sĩ”, Ksor Sơn ánh lên niềm tự hào. Được cất cao lời ca tiếng hát giữa quần đảo Trường Sa luôn là khát khao, mong mỏi của nhiều người, nhất là nghệ sĩ. Tiếng hát nơi muôn trùng sóng gió không chỉ chứa đựng tình cảm của đất liền mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ thêm quyết tâm, chắc tay súng để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng ca sĩ Ksor Sơn, nhóm trưởng Huỳnh Thông trong chuyến công tác Trường Sa bộc bạch: Khi cất lên tiếng hát, lời ca giữa Trường Sa không chỉ là món ăn tinh thần nhớ sâu thấm lâu, mà còn có giá trị như “sợi dây liên kết đặc biệt” thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giữa hậu phương đất liền và hải đảo tiền tiêu. Đến với Trường Sa là đến với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Vì vậy, với các thành viên Nhà hát Trưng Vương, tiếng hát giữa Trường Sa là tiếng hát từ trái tim, tiếng hát mang hồn Tổ quốc, chứa đựng thông điệp hòa bình và niềm tin yêu của đất liền...; “Có gì tuyệt vời hơn khi đứng giữa Trường Sa, cất lên từ trái tim những lời hát về biển đảo, Tổ quốc biên cương...”, ca sĩ Huỳnh Thông chia sẻ.
Ở những nơi đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đến thăm, lãnh đạo các đảo đều dành lời cảm ơn đến “món quà đặc biệt” từ đất liền mà quân dân Trường Sa luôn mong đợi đó là “văn công biểu diễn”. Với quân dân Trường Sa, đây thực sự là “món ăn tinh thần” giàu ý nghĩa. Những tiết mục văn nghệ, những tiếng hát, lời ca cất lên giữa Trường Sa như tiếp thêm sức mạnh, củng cố ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo trong giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Thị, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa hay nhà giàn DK1, những bài hát, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Khúc quân ca Trường Sa”... thực sự đã sưởi ấm tâm hồn những người lính trẻ xa nhà.
Với ca sĩ Lê Nhật Mai, tuy có mệt nhọc một chút, nhưng cũng chả thấm tháp gì so với các chiến sĩ đang ngày đêm chịu đựng bao gian khó để bảo vệ biển, đảo quê hương. Hơn nữa, cái cảm giác biểu diễn giữa Trường Sa thật đặc biệt, không thể so sánh với bất cứ nơi nào khác được. Được hỏi về cảm nghĩ khi diễn tại biển đảo, Nhật Mai nói: “Ra thăm các anh chiến sĩ em mới thấu hiểu được sự gian nan, vất vả của những người lính giữ đảo. Giữa trùng khơi mênh mông, chỉ toàn nắng với gió, nghiệt ngã vậy mà các anh vẫn hiên ngang, kiên cường như những cây phong ba. Em thật sự xúc động”.
Quần đảo Trường Sa những tháng ngày sóng yên, biển lặng từng đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo. Giữa sóng và gió khơi xa, âm nhạc, giai điệu của những lời ca, tiếng hát là sợi dây gắn kết người ở hậu phương với các chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Sân khấu đơn sơ được dựng lên ngay tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa - trái tim của quần đảo. Bằng lời ca, tiếng hát của mình, những ca sĩ đến từ vùng đất miền Trung (Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế) đã gửi gắm tình cảm sâu đậm giữa đất liền với biển đảo quê hương.
Binh nhì Phạm Đình Thức, chiến sĩ Hải quân đảo Trường Sa chia sẻ: “Khi được xem đội văn công của đoàn công tác biểu diễn trên đảo, cảm xúc của em rất phấn khởi. Đoàn văn công có nhiều tiết mục rất hay, cho em có tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ, chắc tay súng giữ vững vùng biển của Tổ quốc”. Những khúc ca “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Gần lắm Trường Sa”... gắn liền với người lính, với biển đảo thiêng liêng vẫn ngân vang trong sóng biển, kết thành vòng tròn đoàn kết giữa đất liền với biển đảo quê hương.
TRIỆU TÙNG