Đổi thay trong hành trình gieo chữ ở Hòa Bắc

.

Sau 50 năm giải phóng thành phố, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) từ một xã vùng núi, nay đã vươn mình trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách ghé thăm. Trong hành trình đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Hòa Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của địa phương.

Trường Tiểu học Hòa Bắc được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với đầy đủ phòng chức năng.
Trường Tiểu học Hòa Bắc được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với đầy đủ phòng chức năng. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

“Vượt nắng thắng mưa” đến trường

Sinh ra, lớn lên và có thâm niên gần 25 năm dạy học tại Hòa Bắc, thầy giáo Lương Mạnh Cư, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của quê hương, trong đó có sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Thầy Cư kể, trước đây, đời sống người dân ở Hòa Bắc vô cùng khó khăn, rất ít người được đi học và muốn đi học. Lúc ấy (trước năm 1997), đường đến trường là nỗi ám ảnh của bao thế hệ học sinh và giáo viên khi phải trèo đèo, lội suối, đi ghe.

Vào mùa mưa, chuyện đi học là điều không thể khi đường sá lụt lột, đồi núi sạt lở. Trường lớp thời điểm ấy cũng chỉ là những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Chưa kể đến, số lượng học sinh quá ít, lớp phải giải tán, gia đình nào có điều kiện thì gửi con xuống Hòa Liên, Hòa Khánh để tiếp tục học; số còn lại ở nhà bám nương, làm rẫy. “Đến khoảng năm 1999, Hòa Bắc mới có điện, nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vẫn còn rất lạc hậu. Bên cạnh đó, đời người dân ở đây lúc ấy còn nhiều khó khăn nên ít quan tâm, chăm lo cho con cái học hành”, thầy Cư nhớ lại.

Năm 2001, thầy Cư tốt nghiệp và trở về quê hương dạy học tại chính ngôi trường trước đây mình đã học - Trường THCS Hòa Bắc (nay là THCS Nguyễn Tri Phương). Khi ấy, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất ở Hòa Bắc vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức của người dân nói chung về việc học đã được nâng lên đáng kể. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng từng bước quan tâm, xây cầu làm đường, đầu tư cơ sở vật chất trường học, khu nội trú cho học sinh Cơ tu, tạo điều kiện cho các em đến lớp.

Thầy Cư chia sẻ: “Thời điểm ấy, đội ngũ giáo viên ở Hòa Bắc hầu hết là người miền xuôi và rất trẻ, dấn thân lên vùng khó để gieo những “hạt mầm” tri thức với tất cả lòng nhiệt huyết. Dù đời sống khó khăn nhưng ai cũng nỗ lực, tâm huyết, hết lòng vì học trò. Nhiều người yêu mảnh đất này mà định cư, sinh sống luôn tại đây”.

Cũng có thâm niên 25 năm dạy học ở vùng đất này, cô giáo Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc cho hay, trước đây, Trường Tiểu học Hòa Bắc có 5 điểm trường, xa nhất là điểm trường Tà Lang, cách điểm trường chính ở thôn Phò Nam hơn 10km. Dù nhiều điểm trường nhưng học sinh rất ít, mỗi lớp chỉ có vài em. Khi ấy, các giáo viên phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động gia đình cho con em đi học.

“Vất vả nhất là giáo viên bộ môn phải di chuyển liên tục đến các điểm trường để dạy học sinh, trong khi đó đường sá, phương tiện đi lại còn chưa thuận tiện như hiện nay. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân, cơ sở hạ tầng Hòa Bắc cũng từng bước được cải thiện, nâng cấp. Từ đó, việc dạy và học của cô trò bớt vất vả, học sinh siêng năng đến lớp, giáo viên cũng có thêm động lực để phấn đấu”, cô Xuân bày tỏ.

Giáo viên và học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong một tiết học. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Giáo viên và học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong một tiết học. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Bước vào hành trình mới

Đến nay, xã Hòa Bắc có 3 điểm trường mầm non, 2 điểm trường tiểu học và 1 trường THCS để phục vụ dạy học tại địa phương; trong đó có các điểm trường lẻ tại thôn Tà Lang và Giàn Bí, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào dân tộc Cơ tu đến trường. Các trường đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia ở mức 1 và 2, mới nhất là Trường mầm non Hòa Bắc vào đầu năm 2025.

Riêng điểm Trường tiểu học Hòa Bắc tại thôn Phò Nam, trong giai đoạn 2020-2022 được đầu tư gần 25 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để xây mới khối phòng học bộ môn như: phòng Tin học, phòng Ngoại ngữ; khu bếp ăn, tiền sảnh... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của học sinh.

Theo cô Xuân: “Nhờ những sự quan tâm, đầu tư, thầy trò Trường tiểu học Hòa Bắc hiện nay đã có điều kiện dạy và học tốt hơn xưa rất nhiều. Đội ngũ giáo viên của trường từng bước khẳng định chất lượng, nhiều thầy cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, học sinh tham gia bán trú được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ. Đây là thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có được. Vì vậy, các em đi học chuyên cần và chú ý học tập hơn”.

Trong khi đó, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, năm học vừa qua cũng được huyện đầu tư 1 phòng học đa chức năng, với đầy đủ bàn ghế, trang thiết bị dạy và hiện đại, dùng để dạy tiếng Anh cho học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh hoạt CLB.

Thầy Cư hào hứng chia sẻ, dù điều kiện vẫn còn khó khăn, song chất lượng dạy và học những năm trở lại đây của trường được cải thiện rõ rệt. Năm học nào trường cũng có học sinh giỏi cấp thành phố hoặc huy chương ở các hội thi do ngành giáo dục và đào tạo tổ chức. Đặc biệt, trường còn chủ động triển khai nhiều mô hình như: “Thứ Bảy về với gia đình học sinh”, “20 phút học tập cùng con buổi tối”, “1 giờ học cùng học sinh nội trú”… nhằm nâng cao ý thức, chất lượng học tập cho các em. “Đau đáu lớn nhất của các giáo viên nhà trường là việc bảo đảm chất lượng học sinh thi vào lớp 10, vì các học sinh người Cơ tu của trường khó cạnh tranh với các em ở phố.

Ngoài ra, dù Hòa Bắc là xã duy nhất của Đà Nẵng giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi vùng núi, nhưng mức vẫn còn thấp, khó thu hút giáo viên nơi khác về dạy học, nâng chất lượng giáo dục của địa phương”, thầy Cư bày tỏ.

Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Phan Hữu Dũng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của xã Hòa Bắc luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo đảng ủy và chính quyền địa phương. Hiện nay, giáo viên các trường ở xã Hòa Bắc hưởng chính sách của miền núi, cụ thể: bậc học mầm non và tiểu học hưởng phụ cấp ưu đãi 50%, bậc THCS hưởng 35%.

Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc ở các độ tuổi như: mầm non 5 tuổi, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn được duy trì ở mức 100%. Học sinh dân tộc ở mầm non, tiểu học được học 2 buổi/ngày và THCS được học nội trú. Tất cả các trường đều được các cấp đầu tư cơ bản bảo đảm phục vụ tối thiểu nhu cầu dạy và học tại các trường.

Năm 2023, UBND huyện Hòa Vang cùng Liên đoàn Lao động thành phố đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để cải tạo nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc, nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô “bám thôn gieo chữ”. “Từ sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, địa phương, các mạnh thường quân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự nghiệp giáo dục ở Hòa Bắc ngày càng vững chắc, thắp lên những “ngọn lửa hy vọng” cho các thế hệ học trò nơi đây”, ông Dũng chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.