Năm nay, công tác cắt tỉa cành, nhánh cây xanh để phòng, chống bão được thành phố chỉ đạo thực hiện trễ hơn và có một số điểm mới so với mọi năm. Do triển khai trễ hơn nên các đơn vị, địa phương đang tập trung thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống cây xanh đô thị, giảm thiểu số lượng cây ngã, gãy đổ trong mùa mưa bão.
Công tác cắt tỉa cây xanh để phòng, chống bão năm nay có một số điểm mới so với các năm trước, vừa bảo đảm bóng mát trong điều kiện nắng nóng, vừa hạn chế tình trạng mất an toàn cho cây khi có gió bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ưu tiên khu vực xung yếu ở trung tâm thành phố
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Tuấn cho biết, công tác cắt tỉa cành, nhánh cây xanh để phòng, chống bão năm nay có nhiều điểm mới nên được thực hiện trễ hơn so với các năm trước và cũng nhằm mục đích hạn chế việc giảm đột ngột độ che bóng của cây xanh bóng mát trong điều kiện trời còn nắng nóng gay gắt.
Theo Quyết định số 1723/QĐ-UBND ngày 17-8-2023 của UBND thành phố về kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu quả của bão đối với hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn năm 2023, điểm đổi mới đầu tiên của công tác cắt tỉa cành, nhánh cây xanh so với các năm trước là thành phố yêu cầu ưu tiên cắt tỉa từ khu vực trung tâm thành phố, nơi tập trung đông dân cư, rồi từng bước triển khai ra khu vực vùng ven. Những năm trước, các đơn vị, địa phương tiến hành cắt tỉa trước trên các tuyến đường vùng ven, mật độ dân cư và lưu thông thấp trong khi thời tiết còn nắng nóng, rồi từng bước triển khai vào khu vực trung tâm thành phố, đông dân cư.
Điểm mới thứ hai là các đơn vị, địa phương thực hiện phương án cắt tỉa cành, nhánh cây xanh theo điểm hoặc cụm điểm theo khoảng thời gian xa nhau để hạn chế việc giảm đột ngột độ che phủ cây xanh (những năm trước cắt tỉa đồng loạt theo tuyến đường). Điểm mới thứ ba là UBND thành phố cho phép thí điểm không cắt tỉa cành, nhánh cây xanh để phòng, chống bão trên hơn 20 tuyến đường, khu vực vùng ven, có mật độ dân cư và lưu thông thưa thớt (vẫn thực hiện cắt tỉa cành, nhánh trong công tác duy trì thường xuyên hệ thống cây xanh).
“Hơn 20 tuyến đường, khu vực thí điểm không cắt tỉa cành, nhánh cây xanh này có mục đích là để đánh giá khả năng chịu gió bão của một số loài cây nhằm có định hướng sau này duy tu, chăm sóc. Chỉ là không cắt tỉa cành, nhánh cây để phòng, chống bão năm nay thôi, trong công tác duy tu, chăm sóc thường xuyên thì có việc cắt tỉa cành, nhánh tại những tuyến đường, khu vực này... Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã được phân cấp, đang triển khai, thực hiện kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu quả của bão đối với hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố năm 2023 theo Quyết định số 1723/QĐ-UBND ngày 17-8-2023 của UBND thành phố”, ông Lê Văn Tuấn cho biết.
Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng huy động phương tiện, nhân lực tập trung cắt tỉa cành, nhánh cây xanh. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Huy động phương tiện, nhân lực
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng ra quân cắt tỉa cành, nhánh cây xanh từ ngày 25-8 đến 15-11-2023 trên các tuyến đường có bề rộng hơn 7,5m và khu vực công viên, vườn hoa, đài tưởng niệm... đã được Sở Xây dựng đặt hàng thực hiện công tác duy trì hệ thống cây xanh. Công ty đã huy động hơn 45 xe cẩu, xe tải cùng 150 công nhân để tập trung cắt tỉa cành, nhánh khoảng 45.587 cây xanh trong tổng số 64.292 cây xanh các loại và lắp đặt cọc chống dựng, gia cố 3.999 cây xanh tại các vị trí xung yếu, khu vực trống gió, cây có dấu hiệu nghiêng thân, nguy hiểm...
Để kịp ứng phó với bão có thể đến sớm, bảo đảm an toàn cho hệ thống cây xanh và giảm thiểu thiệt hại do gió bão, công ty ưu tiên cắt tỉa trước đối với các tuyến phố trung tâm đông dân cư và phương tiện tham gia giao thông, các khu vực trường học, các tuyến đường xung yếu đối với gió bão, khu vực trống gió, ven biển, các tuyến đường có cây xanh bị ảnh hưởng do hạ tầng mất ổn định.
Đồng thời, thực hiện thí điểm cắt tỉa theo điểm tại các khu vực hút gió (các giao lộ có nhiều tòa nhà cao tầng) và cắt tỉa theo đoạn tại các tuyến đường trống gió, ven sông, ven biển nhằm hạn chế giảm đột ngột bóng mát trong mùa nắng nóng. Những loài cây dễ gãy đổ (phượng vỹ, muồng tím, lim xẹt, xà cừ, bàng, bàng Đài Loan…) và những cây có dấu hiệu mất an toàn thì được cắt tỉa mạnh (không quá 35% diện tích tán lá); các loài cây còn lại có thể được cắt tỉa ít hơn (không quá 25% diện tích tán lá).
Ông Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng) cho biết, dù công tác cắt tỉa cành, nhánh cây xanh để phòng, chống bão được triển khai trễ hơn mọi năm theo chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Xây dựng, nhưng công ty đã triển khai một số công tác liên quan và chuẩn bị từ tháng 6-2023.
Bên cạnh toàn bộ phương tiện xe cơ giới, máy cưa xăng, cưa vươn xa hiện có để thực thi nhiệm vụ cắt tỉa cành, nhánh và chống dựng cây xanh để phòng, chống bão, công ty đã chủ động làm việc với các đơn vị có phương tiện phục vụ để huy động khi cần thiết nhằm triển khai bảo đảm tiến độ đề ra. Tùy tình hình thời tiết, các đơn vị huy động thêm lực lượng công nhân từ các tổ duy tu tham gia phòng, chống bão. Trong trường hợp có bão đổ bộ, công ty sẽ huy động toàn bộ lực lượng, nhân viên tham gia ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Không để xảy ra tình trạng cắt trụi tán lá Sở Xây dựng vừa ban hành Công văn số 6372/SXD-HTKT ngày 21-8-2023 hướng dẫn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm triển khai công tác cắt tỉa cây xanh bảo đảm yêu cầu an toàn, thẩm mỹ nhưng phải duy trì bóng mát ở mức độ hợp lý theo quy định. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm túc tỷ lệ diện tích cắt tỉa tán cây xanh đã quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cắt trụi tán lá, không còn tác dụng che bóng mát, mất cảnh quan đô thị, gây phản cảm và bức xúc trong nhân dân. |
HOÀNG HIỆP