Tiếp tục phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, các đại biểu trẻ em tiến hành thảo luận về nội dung “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Trẻ em vào các vai của Đoàn Chủ tịch để điều hành phiên họp toàn thể. Ảnh: Lê Vân - Đại Lộc/Báo Tin tức |
Điều hành phiên họp là các trẻ em tiêu biểu, có thành tích xuất sắc được lựa chọn từ trên 263 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp: Em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) được chọn đóng vai Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”; em Lê Quang Vinh (Hòa Bình) làm Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em”. Các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” gồm: Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận), Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).
Tăng cường nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em
Hiện nay, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội. Đặc biệt, hậu quả mà tình trạng bạo lực, xâm hại gây ra là vô cùng nghiêm trọng, nó trở thành nỗi ám ảnh, để lại những tổn thương, nỗi đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ em.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chia sẻ, theo kết quả khảo sát thực tế trên 41.000 cử tri trẻ em được thực hiện trước phiên họp cho thấy, có tới 11,96% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra. Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao, trên 30%; 44,5% trẻ em tìm phương án giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; 44,6% trẻ bị tai nạn thương tích là do bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không an toàn...
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do trẻ em chưa có hiểu biết về bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa có hiểu biết về các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích và thiếu ý thức để phòng tránh. Hệ thống biển báo, cảnh báo các nguy cơ mất an toàn chưa đầy đủ và thường xuyên. Trẻ em chưa được tiếp cận với các chương trình truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích. Công tác truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em đã khá nhiều nhưng chưa phù hợp với hứng thú, sở thích của học sinh, hình thức không đổi mới, kém hấp dẫn, truyền thông tại sân trường ồn ào khiến trẻ chỉ nói chuyện, không quan tâm lắng nghe. Nhiều chương trình truyền thông trên truyền hình trẻ em không biết đến hoặc phát sóng lúc trẻ đang đi học thêm nên trẻ thiếu kiến thức. Bên cạnh đó, giáo dục giới tính ở nhà trường cho các em chưa được quan tâm. Nhiều giáo viên e ngại, né tránh khiến học sinh không đủ kiến thức để hiểu về bản thân và phòng tránh các nguy cơ xâm hại tình dục. Nhiều học sinh không dám tố cáo vụ việc do sợ bị trả thù. Nhiều học sinh chưa biết đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tỷ lệ các vụ việc tố cáo do trẻ em chỉ chiếm 40%. Nhiều trẻ em thiếu tin tưởng vào sự hỗ trợ của tổng đài hoặc lúc bị xâm hại, bạo lực hốt hoảng không nghĩ ra để tố cáo.
Để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho trẻ em giúp trẻ em chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, đại biểu Hoàng Trà My đề xuất, các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm. Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…
Đại biểu cũng đề xuất, nhà trường cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học; thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em. Hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng. Đài phát thanh, truyền hình cần có trang fanpage chia sẻ lại các bài truyền thông trên truyền hình, tạo các clip truyền thông ngắn, vui nhộn trên các nền tảng mạng xã hội mà trẻ em hay truy cập như instagram, tictok…
Về vấn đề này, đại biểu trẻ em Bùi Thị Quỳnh Chi, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường. Đồng thời nhà trường cần tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình.
Về đề xuất trên, đại biểu Phạm Nguyễn Gia Hân, Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng cho rằng, có rất nhiều trẻ em ngại chia sẻ với thầy cô, bạn bè về vấn đề mà mình gặp phải nên việc để những trẻ em này tham gia talkshow để nói lên vấn đề của mình sẽ rất khó khăn. Vì vậy cần phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có các bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình.
Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang, Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng nêu vấn đề, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn đó những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng. Các nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em để các em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu Khúc Trà Giang đề nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như Giáo dục công dân, tin học. Nhà trường cần chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; mở rộng hình thức trình bày câu chuyện ngắn có hình ảnh dễ thương, đối thoại giữa các nhân vật phản ánh trực tiếp hiện tượng sẽ giúp các em hứng thú hơn, vừa có hình ảnh trực quan sinh động mà không bị nặng tính lý thuyết. Đồng thời, có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng. Về phía trẻ em, cần lập thời khóa biểu phù hợp, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của chính mình; tham gia các hoạt động của trường lớp, hạn chế xem điện thoại quá nhiều. Nâng cao ý thức và bảo vệ bản thân khỏi các tình huống xấu trên không gian mạng; không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống. Trước khi kết nối mạng, trẻ em cần nghiên cứu kỹ, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc; tự tiết chế thời gian online sao cho thật khoa học để đạt hiệu quả cao nhất có thể, tránh tình trạng dùng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến nghiện mạng xã hội… đại biểu Khúc Trà Giang đề xuất.
Về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Kim Cương, Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh cho rằng, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng. Khi con em của mình bị bạo lực trên mạng, cha mẹ nên thường xuyên hỏi thăm. Nếu con không dám ngỏ lời nói chuyện với cha mẹ, hãy liên hệ thầy cô để hỏi xem con mình có những biểu hiện khác thường gì ở trong lớp không. Giới thiệu cho con những trang web chia sẻ những khúc mắc để có thể hướng dẫn cho con giải quyết vấn đề gặp phải.
Đối với các nhà mạng, Đại biểu Phạm Minh Ánh, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị, các nhà mạng cần phải có giải pháp kỹ thuật hoặc đưa ra những yêu cầu khi sử dụng mạng, chẳng hạn có các phần mềm để kiểm soát. Nếu bất kì ai đăng hình ảnh nhạy cảm... thì lập tức nhận biết những hình ảnh đó vi phạm quy chế cộng đồng, nên loại bỏ và không được phép đăng.
Theo Báo Tin tức