Mới đầu mùa mưa, chỉ trong 1 tuần, Đà Nẵng có hai trận mưa dông với lượng mưa tập trung ở một số khu vực có cường độ hơn 100mm trong 2 giờ, lớn hơn năng lực thoát nước của hệ thống thoát nước (ứng với cường độ mưa từ 30-40mm/giờ), gây ngập nhiều đoạn đường và một số khu dân cư thấp trũng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện phối hợp khẩn các cơ quan, đơn vị hoàn thiện việc lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu chọn lựa đơn vị có năng lực triển khai nạo vét, khơi thông mương, cống thoát nước.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nạo vét, khơi thông hố thu nước để giảm ngập do mưa lớn gây ra. TRONG ẢNH: Cơn mưa lớn chiều tối 10-9 vừa qua khiến xe gắn máy ngập nước trên tuyến đường Hàm Nghi. Ảnh: BẢO LÂM |
Mưa lớn đầu mùa
Vào đêm 3-9, trên địa bàn thành phố có mưa to đến rất to với lượng mưa đo được lớn nhất trong 2 giờ tại một số trạm đo mưa như Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đến 109,8mm, Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) 124,8mm, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn)... Đặc biệt, lượng mưa tập trung trong 1 giờ tại một số trạm đo cũng rất lớn như Hòa Xuân đến 97mm, Hòa Hải 80mm, Hòa Quý 77,6mm, hồ Thạc Gián 47,2mm, Khe Cạn 50,4mm, Hòa Phước 65,8mm...
Trước xu hướng mưa tập trung trong thời gian ngắn những năm gần đây, ngày 8-9, Văn phòng UBND thành phố ban hành Thông báo số 379/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp khẩn các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện việc lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thuê dịch vụ thoát nước theo phân cấp và tổ chức đấu thầu chọn lựa đơn vị có năng lực triển khai nạo vét, khơi thông mương, cống thoát nước.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng... ra quân nạo vét, khơi thông mương, cống thoát nước theo phân cấp, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả thu nước của các hố ga, cửa thu nước và có phương án khắc phục, xử lý ngay để bảo đảm khả năng thu nước và thoát nước khi có mưa. UBND các quận, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống ngập, khơi thông cửa thu nước, tháo dỡ các tấm che và vật dụng trên cửa thu nước; đồng thời, thành lập các tổ xung kích để kiểm tra cửa thu nước nhằm bảo đảm khả năng thoát nước tại khu vực...
Ngày 10-9, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã ra quân nạo vét, khơi thông các cửa thu nước mưa, hố ga tại các đoạn đường thường hay xảy ra ngập nước cục bộ khi mưa lớn. Tuy nhiên, đến chiều tối cùng ngày, thành phố lại xảy ra mưa như lớn trong 2 giờ, nhất là tại quận Thanh Khê với lượng mưa đo được cao nhất trong 1 giờ tại hồ Thạc Gián đến 52,2mm, Suối Đá (quận Sơn Trà) 51mm, kênh thoát nước đọc đường Nguyễn Đình Tựu (quận Thanh Khê) 47,8mm...
Theo ghi nhận tại các đoạn đường ngập nước, có nhiều rác, tấm ni-lông, ván gỗ... tại cửa thu nước mưa trên mặt đường, thậm chí có nhiều cửa thu bị người dân trám kín bằng xi-măng hoặc chỉ để lại một lỗ nhỏ làm giảm khả năng thoát nước trên mặt đường xuống cống. Đáng chú ý, 2 hồ điều tiết Thạc Gián và Vĩnh Trung là nơi tiếp nhận một phần nước mưa rất lớn trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Lê Đình Lý, Hàm Nghi... chảy xuống cống rồi chảy vào hồ. Nhưng mực nước trong 2 hồ không tràn bờ, mà có hiện tượng nước từ đường Hàm Nghi dâng cao chảy tràn vào hồ.
Điều này chứng tỏ nước mưa trên mặt đường bị hạn chế thoát xuống hệ thống cống, nước trong 2 hồ chảy nhiều ra vịnh Đà Nẵng và cho thấy việc nạo vét, khơi thông các cửa thu nước mưa tại các đoạn đường ngập nước có vai trò rất quan trọng trong công tác chống ngập úng, ngập lụt trong đô thị.
Công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nạo vét đất, đá tại một cửa thu nước mưa trên đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) đoạn thường hay xảy ra ngập úng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Chủ động nạo vét, khơi thông hố thu nước mưa
Hiện Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng ra quân nạo vét, khơi thông các cửa thu nước mưa, hố ga tại các đoạn đường hay xảy ra ngập cục bộ trong những trận mưa to đến rất to vừa qua như đường Lê Thanh Nghị, Thành Thái, Hà Huy Tập, Điện Biên Phủ, Hàm Nghi, Vân Đồn, Trần Hưng Đạo, Lê Tấn Trung, Trần Văn Trà, Nguyễn Xuân Lâm, Đô Đốc Lân, Lê Văn Hiến... Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, công ty đã tiến hành nạo vét được gần 3.000m3 bùn, đất... trong các mương, cống thoát nước. Trong đó, có 16 tuyến cống đã được kiểm tra, nạo vét ở đường Nguyễn Văn Nguyễn (phường Hòa Hải), Vương Thừa Vũ, Nguyễn Lương Bằng, Ngô Văn Sở, Thăng Long, Ông Ích Đường, Nguyễn Hồng Ánh, Lê Duẩn, Trần Bạch Đằng, Loseby... và các tuyến cống Mê Linh, cống SPS3, kênh Khuê Trung… Thời gian đến, công ty dự kiến nạo vét hơn 1.500m3 bùn, đất... ở các tuyến mương, cống ở đường Trần Xuân Lê, Hải Phòng, Trần Cao Vân, Hoàng Minh Thảo, Mai Thúc Lân, Dương Thị Xuân Quý…
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà, công tác nạo vét bùn, đất, đá, rác... tại các cửa thu nước mưa trên mặt đường, hố ga thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện và Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng. Trước mắt, Sở Xây dựng đã đề nghị các đơn vị ưu tiên tập trung nạo vét, khơi thông cửa thu nước, hố ga tại các khu vực bị ngập úng do ảnh hưởng bởi các trận mưa to đến rất to vừa qua như đêm 3-9-2023 và tuyên truyền, vận động người dân chung tay khơi thông thoát nước tại các cửa thu nước mưa trên mặt đường.
"Thực ra, việc này không mới, nhưng năm nay được thực hiện mạnh hơn do được lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt, Sở Xây dựng cũng đề nghị thực hiện quyết liệt và có thêm sự triển khai từ các quận, huyện. Thành phố vẫn đang và tiếp tục triển khai các giải pháp chống ngập trong thời gian đến nhưng khơi thông thoát nước tại các cửa thu nước mưa là giải pháp kỹ thuật để thông ngay vị trí thoát nước đầu tiên nên cần tuyên truyền, vận động người dân chung tay. Năng lực của hệ thống thoát nước cũng chỉ đầu tư có mức độ, nhưng cửa thu nước mưa trên mặt đường phải được khơi thông trước thì mới hiệu quả, chứ đầu tư nhiều cho các công trình chống ngập mà nước mưa ở trên mặt đường không thoát xuống cống thì có đầu tư thêm công trình chống ngập cũng không có tác dụng”, ông Võ Tấn Hà chia sẻ.
HOÀNG HIỆP