Thành phố Đà Nẵng chủ động và thực hiện tốt công tác ứng phó ngập lụt đô thị

.

ĐNO - Ngày 19-10, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến khẳng định, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chủ động và thực hiện rất tốt công tác ứng phó, chỉ có một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp hướng dẫn về chống ngập lụt đô thị.

Video: HOÀNG HIỆP  

Trước đó, vào sáng 15-10, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến dẫn đầu kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại Đà Nẵng; đồng thời, thăm hỏi, động viên và hướng dẫn một số hộ gia đình thực hiện các biện pháp chống ngập.

Ông Nguyễn Văn Tiến cũng nhận xét, công tác phòng chống bão, lũ trong những năm qua nói chung, cũng như đợt mưa lớn, ngập lụt những ngày vừa qua nói riêng, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã rất chủ động, triển khai toàn diện các biện pháp ứng phó với thiên tai.

“Chúng tôi đã ghi nhận rằng, ý thức và hành động được thể hiện từ lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, thành phố đến các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể và toàn cộng đồng của Đà Nẵng rất kịp thời và hiệu quả.

Theo đó, đã kịp thời đưa người dân đi sơ tán đến nơi an toàn; cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống cho người dân bị thiệt hại; chủ động bơm tiêu thoát nước, cắm biển cảnh báo tại khu vực ngập sâu…

Chỉ cách đây tròn một năm thôi, chúng ta còn nhớ trận mưa lịch sử tại thành phố Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Qua bài học kinh nghiệm đó, năm nay toàn hệ thống chính trị và người dân địa phương đã triển khai toàn diện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và đã giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Minh chứng rõ nét nhất của việc chủ động phòng ngừa ngập lụt chính là việc không ghi nhận bất cứ thiệt hại nào về người trong đợt ngập lụt vừa qua tại Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Tiến nhìn nhận.

Tuy nhiên, do mưa lũ lớn bất thường, kéo dài, một số hộ dân chưa kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập lụt, bảo vệ tài sản, gây nên những thiệt hại đáng tiếc.

Tại cuộc họp giao ban vào ngày 18-10, đại diện đoàn công tác có nêu tình trạng một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, hướng dẫn về chống ngập, nhưng đó chỉ là những trường hợp thiểu số mà đoàn công tác đã chứng kiến khi đi thực tế.

Đại diện đoàn công tác muốn lấy những trường hợp thiệt hại do sự chủ quan đó để các cơ quan, cấp chính quyền cảnh báo người dân trong bối cảnh cơn bão số 5 còn đang diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến đã đưa ra một số giải pháp để chống ngập, trong đó có một số biện pháp mà dân gian hay dùng, nhưng chưa phân tích được cặn kẽ, rõ ràng, hết ý trong việc chống ngập.

Ông Nguyễn Văn Tiến bày tỏ: “Một lần nữa, tôi khẳng định, Đà Nẵng luôn là một địa phương tích cực, chủ động đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, hành động sớm trong phòng ngừa, ứng phó dựa vào cộng đồng.

Thiệt hại khi thiên tai xảy ra là điều không ai mong muốn, chúng ta đều nhận thức rõ việc chủ động phòng ngừa sẽ làm giảm rủi ro và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng, tìm và áp dụng nhiều giải pháp tốt hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong thời gian tới”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.