Bước vào mùa mưa, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn quận Thanh Khê bị ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sự an toàn của người dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, quận Thanh Khê chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ, kịp thời hỗ trợ người dân trong tình huống mưa lớn, ngập lụt diễn ra.
Nhiều điểm ngập trên địa bàn quận ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trên địa bàn quận Thanh Khê có gần 50 điểm thường xảy ra ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Các phường thường xảy ra ngập cục bộ gồm An Khê (8 vị trí), Vĩnh Trung (4 vị trí), Thạc Gián (4 vị trí), Hòa Khê (6 vị trí), Thanh Khê Đông (8 vị trí), Chính Gián (5 vị trí)… Một số tuyến đường xảy ra ngập sâu khi có mưa là Lê Duẩn (ngã tư Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn đến ngã tư Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn); đường Hải Phòng, Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, khu vực Khe Cạn…
Theo ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, đa phần các điểm ngập thuộc vị trí thấp trũng như ao, hồ, ven kênh, cống thoát nước liên phường... Ngoài ra, hệ thống thoát nước khu vực trung tâm được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp; bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn nên rất hạn chế khả năng thoát nước. Một số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý như khẩu độ nhỏ, bất cập về cao trình, cống hạ lưu nhỏ hơn thượng lưu... Bên cạnh đó, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy; xe trọng tải nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước vẫn còn diễn ra. Các khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp trước đây, không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng, gây ra ngập úng.
Để chủ động chống ngập úng trên toàn địa bàn, UBND quận Thanh Khê đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung công tác nạo vét, khơi thông mương cống thoát nước, cải tạo cửa thu nước theo phân cấp quản lý, cố gắng hoàn thành trong tháng 10-2023. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống ngập úng, khơi thông cửa thu nước, tháo dỡ các tấm che ngăn mùi trên cửa thu nước. Mỗi khi xảy ra mưa lớn, các địa phương linh hoạt thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ.
Đối với các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công, lãnh đạo quận yêu cầu các đơn vị bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại công trình, triển khai thực hiện phương án xử lý bảo đảm thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
UBND quận Thanh Khê kịp thời ban hành bản đồ ngập úng trên địa bàn 10 phường. Trên cơ sở bản đồ ngập úng, các phường chủ động triển khai công tác ứng phó tương ứng với từng lượng mưa, bao gồm vị trí ngập, độ sâu ngập, thời gian ngập, thời gian rút nước... từ đó tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó trong mùa mưa bão. “Quận đề xuất mua sắm máy bơm, máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị phục vụ công tác chống ngập úng đô thị.
Nghiên cứu, khảo sát và có các giải pháp xử lý điều tiết nước từ khu vực trong sân bay Đà Nẵng ra các hồ điều tiết, kênh, cống liên phường phía ngoài sân bay. Ngoài ra, sớm triển khai hệ thống cửa phai tại các cống xả để điều tiết nước bên trong khu vực sân bay Đà Nẵng đổ trực tiếp ra các hồ điều tiết ngoài sân bay thông qua các tuyến cống liên phường, để hạn chế tình trạng ngập úng trong khu dân cư”, ông Thuyên cho biết thêm.
PHAN CHUNG