UBND thành phố Đà Nẵng đang đầu tư mở rộng quy mô Trạm xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 2) Khu công nghiệp Hòa Khánh với công suất tăng thêm đạt 5.000m3/ngày đêm nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp.
Trạm xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 2) Khu công nghiệp Hòa Khánh sẽ hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Gần 20 năm trước, khi hệ thống nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Khánh dần lấp đầy, Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng đi vào vận hành. Với công nghệ sinh học hiếu khí (SBR) trên các bể Aertank làm việc theo mẻ, trạm được đầu tư đạt công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm.
Thực tế vào thời điểm này, lượng nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Khánh được đấu nối về trạm đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều doanh nghiệp không đấu nối mà chọn cách xả thải thẳng ra môi trường để tiết kiệm chi phí. Tình trạng này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống các khu dân cư xung quanh. Sau một năm, Đà Nẵng xây dựng đề án “Thành phố môi trường” cũng là lúc UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (Urenco) Hà Nội - Chi nhánh miền Trung lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh với yêu cầu vận hành phải bảo đảm nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo quy định. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm để bảo đảm môi trường, chấm dứt tình trạng xả thải lén ra môi trường.
Ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Urenco Chi nhánh miền Trung cho hay, năm 2009, khi Urenco tiếp nhận Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh lúc đó với nhiều thiết bị, máy móc đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, trong gần 14 năm qua, Urenco Chi nhánh miền Trung đã nghiên cứu, cải tiến quy trình công nghệ, bổ sung thêm công đoạn xử lý hóa học cho Trạm xử lý Hòa Khánh. Để bảo đảm cho trạm hoạt động liên tục, công ty đã bổ sung và hiệu chỉnh máy móc thiết bị phù hợp quy trình công nghệ.
Đến nay, trạm đã được nâng công suất có thể xử lý đạt gần 6.000m3/ngày đêm, ổn định chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải. Định kỳ hằng năm, đơn vị vận hành đầu tư kinh phí để bảo vệ, duy tu, nâng cấp các hạng mục như nhà kho và sân phơi bùn, hệ thống bơm chìm công suất lớn, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra, xây mới hệ thống mương thoát nước thải sau xử lý. “Việc tăng công suất xử lý nước thải khoảng 3.000m3/ ngày đêm vào năm 2006 lên khoảng 6.000m3/ngày đêm ở thời điểm này không chỉ nằm ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong quá trình vận hành. Đó còn là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và sự thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường”, ông Quảng cho hay.
Theo Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng (Dazico), từ khi tiếp nhận quản lý Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh, Urenco Chi nhánh miền Trung luôn chủ động đầu tư nâng cấp bài bản với công nghệ sinh học xử lý 24/24 giờ. Hiện công suất và năng lực xử lý của trạm hoạt động tương đối ổn định. Ngoài kiểm tra, xử phạt nặng các đơn vị cố tình vi phạm, hiện tại tình trạng xả trộm, xả lén không còn, môi trường trong Khu công nghiệp Hòa Khánh và khu dân cư được cải thiện rõ rệt. Năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã khởi công dự án đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh (giai đoạn 2) để có thể tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải của các doanh nghiệp thêm 5.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất của cả trạm đạt hơn 10.000m3/ngày đêm.
Theo đánh giá của Urenco Chi nhánh miền Trung, công suất xử lý của Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh trong thời gian gần đây giảm do nhiều doanh nghiệp cắt giảm quy mô kinh doanh, ngừng hoạt động vì Covid-19. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, những năm tới khi nền kinh tế phục hồi, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng quy mô sản xuất kinh doanh, nhu cầu về xử lý nước thải cũng sẽ tăng theo. Điều này đòi hỏi phải chủ động trong dự báo, đầu tư để không xảy ra áp lực dẫn đến quá tải. Thành phố đang triển khai đầu tư nâng cấp công suất Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh (giai đoạn 2) tăng thêm công suất 5.000m3/ngày đêm. Dự kiến, năm 2024 sẽ hoàn thành và sẵn sàng tiếp nhận và xử lý lượng nước thải trong mọi điều kiện.
PHƯƠNG ANH