Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch

.

Ngày 30-11 vừa qua, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 (lần thứ IV), Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã trao giải thưởng “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” cho Đà Nẵng. Đây là lần thứ 2, thành phố nhận được danh hiệu này (năm 2021 và 2023).

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh (giữa) nhận giải thưởng “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch”.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh (giữa) nhận giải thưởng “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch”. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, ban tổ chức giải thưởng đã đánh giá cao Đà Nẵng quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch gắn liền với xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể, thành phố đã triển khai hệ thống 66 trạm quan trắc môi trường tự động, 15 hệ thống lấy mẫu tự động; thực hiện số hóa dữ liệu các điểm xả thải trên nền tảng GIS; triển khai giám sát hành trình các xe rác, hệ thống quản lý giám sát, công khai thông tin môi trường... trên địa bàn thành phố.

Ban tổ chức cũng đánh giá cao hệ thống 74 camera giám sát tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để giám sát an ninh trật tự và môi trường, phát hiện kịp thời các trường hợp xả thải không đúng quy định. Nhờ vậy, từ chỗ là điểm “nóng” ô nhiễm môi trường vào 4 năm trước, nay tại khu vực này đã được cải thiện.

Thực tế, hình ảnh từ hệ thống 74 camera giám sát ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã truyền đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà để theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động bảo vệ môi trường đang được triển khai. Tại văn phòng làm việc của Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, các nhân viên được phân công trực, thường xuyên theo dõi, giám sát hình ảnh ghi lại từ 74 camera để kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm.

Thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã lập biên bản xử phạt gần 180 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Sắp tới, Công an thành phố sẽ lắp đặt thêm 1-2 camera chuyên dụng có độ nét cao và có khả năng phóng to, trích xuất hình ảnh rõ nét để xử lý người và chủ phương tiện vi phạm ở trong và xung quanh khu vực.

Phó ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Phạm Trung Thành cho biết, cùng với hệ thống camera, đơn vị thường xuyên phối hợp lực lượng biên phòng, cảnh sát môi trường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu vực, đặc biệt là các trường hợp ô-tô tải vận chuyển hàng thủy sản xả nước thải không đúng nơi quy định; tàu cá xả rác thải xuống mặt nước của âu thuyền...

Ban quản lý cũng liên tục phối hợp lấy mẫu quan trắc định kỳ các chỉ số về môi trường không khí, môi trường nước... nhằm kịp thời triển khai biện pháp bảo vệ môi trường và phương án xử lý; đồng thời yêu cầu các chủ phương tiện, hộ kinh doanh trong khu vực âu thuyền và cảng cá ký cam kết chấp hành tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, tự trang bị thùng chứa rác và đổ rác đúng nơi quy định, không sơ chế hải sản tại mặt bằng kinh doanh... Ban tổ chức giải thưởng thành phố thông minh đánh giá cao các kết quả nói trên.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho biết, thành phố đã đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống tự động giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu (SCADA) để vận hành các trạm bơm thu gom nước thải phân bố trên địa bàn các quận. Tại các trạm xử lý nước thải và nước rỉ rác được trang bị hệ thống SCADA và điều khiển thông minh, nhất là tự thu thập dữ liệu quan trắc chất lượng nước ở từng công đoạn xử lý để quản lý chặt chẽ. Toàn bộ dữ liệu về lưu lượng, chất lượng nước... sau xử lý cũng như xả ra môi trường đều được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tất cả các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố đã triển khai xây dựng kho tư liệu ngành tài nguyên và nôi trường; xây dựng phân hệ quản lý giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phần mềm Cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành tài nguyên và môi trường; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% dịch vụ công trực tuyến. Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành và áp dụng bộ chỉ số cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đánh giá hoạt động, mức độ hoàn thành kế hoạch đặt ra, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cải tiến cách thức làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ...

“Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh ở lĩnh vực “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” lần thứ 2 là kết quả thể hiện sự quan tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố; sự chủ động của các sở, ban, ngành, địa phương; sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và sự chung tay của người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường thành phố.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kết nối, hợp tác với các đô thị thông minh trong và ngoài nước, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc - các nước có nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng để học tập kinh nghiệm và ứng dụng những mô hình thành công, khả thi, góp phần thực hiện tốt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đáp ứng với định hướng trở thành đô thị sinh thái theo Nghị quyết số 43-NQ/BCT ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Đặng Quang Vinh cho biết.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.