Làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng? - Bài 3: Giao quyền chủ động cho địa phương

.

Để giải bài toán thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ), tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc lập danh mục vị trí, triển khai công tác phân kỳ đầu tư, theo quyết định ban hành danh mục vị trí NSHCĐ, UBND thành phố đã phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan đến vấn đề này. Việc phân cấp giúp đẩy nhanh hơn tiến độ lập danh mục cũng như công tác đầu tư, xây dựng.

Danh mục quy hoạch các điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồ họa: LÊ THANH
Danh mục quy hoạch các điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồ họa: LÊ THANH

Sẽ có thêm gần 300 nhà sinh hoạt cộng đồng

Theo danh mục UBND thành phố phê duyệt từ tháng 7-2023, toàn thành phố sẽ có 831 NSHCĐ, trong đó 567 nhà hiện trạng và 258 nhà cần xây mới, 14 vị trí cần thay thế, 6 vị trí cần bố trí thuê địa điểm. Trong số 258 vị trí mới, quận Hải Châu có đến 111 vị trí mới và 6 vị trí cần bố trí thuê địa điểm, nâng tổng số NSHCĐ toàn quận theo danh mục là 187 vị trí, nhiều nhất các quận, huyện. Các vị trí mới lần lượt là quận Sơn Trà 54 điểm, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu cùng 30 điểm, Cẩm Lệ 18 điểm, Thanh Khê 14 điểm, Hòa Vang 1 điểm mới và 14 điểm thay thế. Đây là kết quả sau quá trình cử tri kiến nghị liên tục qua nhiều nhiệm kỳ, HĐND thành phố tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề, đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ họp thường kỳ và rất nhiều văn bản liên quan đã được ban hành để chỉ đạo, đôn thúc giải bài toán NSHCĐ.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện phối hợp các cơ quan liên quan triển khai hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng quy định, bảo đảm phù hợp về số lượng, vị trí, quy mô, diện tích, bán kính phục vụ, hiệu quả sử dụng tại địa phương, đồng thời tuân thủ quy định về quy hoạch, xây dựng. Các quận, huyện tiếp tục rà soát, tiếp thu, giải trình kiến nghị của cộng đồng dân cư để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung danh mục NSHCĐ khi có nhu cầu cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tại địa phương.

Các địa phương tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý hoạt động bảo đảm hiệu quả đối với các trường hợp kết hợp với công viên, vườn dạo, chịu trách nhiệm về việc xây dựng NSHCĐ tại công viên, vườn dạo, phải bảo đảm mật độ và chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy định. UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan đề xuất và thực hiện phương án sắp xếp, xử lý theo quy định đối với các địa điểm nhà công sản làm điểm sinh hoạt cộng đồng mới và các địa điểm bàn giao. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và sử dụng đối với các điểm sử dụng kết hợp sinh hoạt cộng đồng với các thiết chế văn hóa, giáo dục khác trên địa bàn, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, bảo đảm việc quản lý, bảo vệ tài sản, duy trì công trình và trang thiết bị cơ sở vật chất. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng trên cơ sở danh mục được phê duyệt.

Quyết định ban hành danh mục mạng lưới NSHCĐ được thành phố phê duyệt dựa trên đề xuất thực trạng nhu cầu của các địa phương. Số lượng NSHCĐ được phê duyệt, nhất là các vị trí mới kèm theo quyết định không phải là số liệu cứng nhắc, mà có thể thay đổi, hoán đổi vị trí dựa trên nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đinh Thế Vinh, việc ban hành danh mục này sẽ bảo đảm việc tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo các NSHCĐ. Trên cơ sở danh mục vị trí này, các quận chỉ việc phân kỳ đầu tư, bố trí vốn là triển khai để sớm có NSHCĐ đáp ứng nhu cầu người dân. “Với các vị trí đã được thống nhất, thỏa thuận địa điểm, các địa phương căn cứ nguồn vốn, tổ chức thực hiện đầu tư. Theo quy trình này sẽ gọn hơn nhiều và bảo đảm quy định pháp luật”, ông Vinh nói.

Hoàn thiện mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng

Với việc ban hành danh mục vị trí cũng như giao quyền quyết định đầu tư cho các quận, huyện, thành phố giao quyền chủ động cho các địa phương. Trên cơ sở danh mục này, các địa phương chủ động tìm đất, thỏa thuận với các cơ quan liên quan, tiến hành thực hiện đầu tư theo phân kỳ nhằm bảo đảm hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu người dân.

Tại quận Hải Châu, trong năm 2023 đã rà soát, đạt thỏa thuận với các cơ quan liên quan để đầu tư xây dựng mới nhiều NSHCĐ. Theo đó, quận đang chuẩn bị đầu tư xây mới NSHCĐ tại số 90/4 Trần Phú, đã đầu tư xây mới, hoàn thiện NSHCĐ tổ 68 phường Hòa Cường Nam, NSHCĐ kết hợp thư viện học sinh, đồ chơi trẻ em tại 68 Triệu Nữ Vương, NSHCĐ tại 172 Nguyễn Chí Thanh.

Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Hải Châu Đặng Văn Hiếu cho biết, hằng năm, công tác đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa NSHCĐ được triển khai thường xuyên. Quận thông báo cho các phường lập danh mục NSHCĐ cần cải tạo hoặc đầu tư xây mới để xem xét, quyết định phân kỳ đầu tư. “Việc xem xét quyết định đầu tư từ nhu cầu thực tế của địa phương đặt trong tổng quan phát triển kinh tế - xã hội toàn quận, trong đó có việc đầu tư thiết chế văn hóa. Như trường hợp NSHCĐ tại 90/4 Trần Phú là một ví dụ. Hoặc NSHCĐ tại 172 Nguyễn Chí Thanh vốn là đất cây xăng trả lại thành phố để dự kiến làm bãi đậu xe, nhưng từ kiến nghị của phường, quận đề nghị thành phố xin lại một phần đất nhất định để xây dựng NSHCĐ tại đây”, ông Hiếu cho hay.

Tại Thanh Khê, riêng trong năm 2023, có 11 NSHCĐ được đầu tư xây mới tại các phường An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Chính Gián, Tam Thuận với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Nguyễn Văn Hải, trường hợp có đất bố trí nên đầu tư xây mới. Nhưng phương án kết hợp NSHCĐ từ các cơ sở trường học, cơ quan công sở là một giải pháp phù hợp nhất hiện nay để khắc phục tình trạng “có thì thừa, không có thì thiếu”. “Thực tế, nhiều KDC đề xuất có NSHCĐ, nhưng khi có rồi, nhu cầu sử dụng là không đáng kể, ngoài việc hội họp là chủ yếu”, ông Hải cho hay.

Tại quận Sơn Trà, sau khi có danh mục vị trí mạng lưới NSHCĐ thành phố ban hành, UBND quận giao Ban Quản lý dự án và Giải phóng mặt bằng quận phối hợp với các đơn vị liên quan phân kỳ đầu tư dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp NSHCĐ trên địa bàn quận giai đoạn 3 và giai đoạn tiếp theo. Việc phân kỳ đầu tư qua các giai đoạn đối với NSHCĐ trên địa bàn quận gồm: giai đoạn 2 dự kiến triển khai tháng 3-2024 xây dựng 7 NSHCĐ, kinh phí dự kiến 10 tỷ đồng; giai đoạn 3 dự kiến triển khai tháng 2-2025, xây dựng 7 NSHCĐ, kinh phí dự kiến 14,7 tỷ đồng; giai đoạn 4 dự kiến triển khai tháng 7-2025, xây dựng 7 NSHCĐ, kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng; giai đoạn 5 và giai đoạn 6 dự kiến triển khai trong năm 2026, xây dựng 12 NSHCĐ.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Liên Chiểu Mai Xuân Đức cho biết, dự án mạng lưới NSHCĐ trên địa bàn quận (giai đoạn 1) được phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án. Việc triển khai dự án nhằm tạo cơ sở vật chất, không gian chung phục vụ cho công tác sinh hoạt, hội họp và các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Về quy mô đầu tư, xây dựng 11 vị trí trên địa bàn 5 phường, gồm Hòa Minh 3 vị trí, Hòa Khánh Nam 2 vị trí, Hòa Khánh Bắc 2 vị trí, Hòa Hiệp Nam 2 vị trí, Hòa Hiệp Bắc 2 vị trí. Dự án đến nay cơ bản hoàn thành, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 3-2024. Ở giai đoạn 2, quận Liên Chiểu dự kiến xây dựng 6 vị trí trên địa bàn của 4 phường. Sau khi giai đoạn 2 hoàn thành công tác đầu tư, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận sẽ tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 3 theo phân kỳ, dự kiến sẽ đầu tư 7 NSHCĐ trên địa bàn phường Hòa Minh (4 vị trí) và Hòa Hiệp Nam (3 vị trí). “Theo phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn của dự án mạng lưới NSHCĐ trên địa bàn quận, sẽ xây dựng 24 NSHCĐ. Sau khi hoàn thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp và các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân các khu dân cư trên địa bàn quận”, ông Đức nói.

TRỌNG HUY - HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.
khoá điện tử thông minh Thiết kế nội thất phong cách indochine đẹpCông ty Xây nhà trọn gói uy tín