Ngày 19-3-2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, thành phố cụ thể hóa bằng các chỉ thị, kế hoạch, hành động nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp chú trọng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. TRONG ẢNH: Công ty TNHH PI VINA Đà Nẵng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: L.P |
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Cụ thể hóa Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 22-3-2024, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thực hiện. Nhằm phát động đợt cao điểm về công tác an toàn, vệ sinh lao động, từ ngày 1 đến 31-5, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, Tháng hàng động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 tập trung đẩy mạnh tổ chức các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Đồng thời rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ rủi ro trong lao động sản xuất; thực hiện các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, tổ, đội, các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Từ đó, thúc đẩy tạo sự chuyển biến về ý thức, nhận thức tại nơi làm việc; tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ…
Hưởng ứng tháng hành động , Sở Xây dựng lập kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ngành xây dựng. Theo đó, từ ngày 7 đến ngày 14-5, sở tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại 12 công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Nội dung kiểm tra gồm hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ của chủ đầu tư và các nhà thầu trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các quy định hiện hành khác, nhất là công tác quản lý an toàn, vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phục vụ thi công công trình. Qua đó phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhiều chuyển biến tích cực
Công ty CP Cơ điện miền Trung (Khu công nghiệp Hòa Cầm) hiện có gần 250 người lao động làm việc. Ông Lê Đinh Phước Toàn, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, để bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, công ty luôn quan tâm thực hiện tốt các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công ty thành lập bộ máy an toàn vệ sinh lao động gồm: hội đồng an toàn vệ sinh lao động, bộ phận làm công tác an toàn vệ sinh lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phân công chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng bộ phận. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên kiểm tra, đo lường các chỉ số để bảo đảm nơi làm việc luôn đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, nóng, ẩm, ồn, rung… Theo định kỳ, công ty tổ chức kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, nhà xưởng, kho hàng. Người lao động được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn tại nơi làm việc; thường xuyên được phổ biến, huấn luyện an toàn lao động. Nhờ đó, 5 năm qua, công ty không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ.
Việc thực hiện các giải pháp bảo đảm môi trường lao động xanh - sạch - đẹp tại Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ được xem là tiêu chí quan trọng trong thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động, đồng thời là tiêu chí mà khách hàng, đối tác yêu cầu. Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa cho biết, hằng năm, công ty chi khoảng 200 tỷ đồng cho hoạt động an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, đầu tư chế tạo, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, dụng cụ nhằm che chắn, cách ly các thiết bị, bộ phận công trình, khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây sự cố, tai nạn lao động; trang bị các hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Công ty kiểm định toàn bộ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; lắp đặt hệ thống điều hòa không khí tách lọc bông bụi tại đơn vị sợi, 6 hệ thống làm mát bằng áp suất âm tại đơn vị may và hơn 100 quạt thông gió các loại tại toàn bộ nhà xưởng; cải tạo nhà xưởng khang trang, duy trì vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý về an toàn vệ sinh lao động, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thường xuyên phối hợp các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; đề xuất biện pháp xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kịp thời các vụ tai nạn lao động chết người hoặc bị thương từ hai người trở lên và các sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động nghiêm trọng. Các doanh nghiệp sử dụng lao động làm công việc có yêu cầu về nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động phải ký cam kết với công đoàn cơ sở về xây dựng, huấn luyện hệ thống an toàn vệ sinh lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng nơi làm việc an toàn, hiệu quả.
LAM PHƯƠNG