Xuất hiện bão trên Biển Đông, hạn hán cục bộ ở Trung Trung Bộ

.

ĐNO - Chiều 31-5, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 của năm 2024, có tên quốc tế là Maliksi.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 1. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 1. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

Lúc 13 giờ ngày 31-5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ vĩ bắc, 111,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão số 1 di chuyển theo hướng bắc với tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Dự báo đến 13 giờ ngày 1-6, bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 và di chuyển vào đất liền phía đông tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây bắc của khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4m; vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

* Theo bản tin dự báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 1-6 đến 10-6-2024 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến 15-30mm/10 ngày, có nơi cao hơn; khu vực Bình Thuận và Tây Nguyên phổ biến từ 40-80mm/10 ngày, có nơi trên 100mm/10 ngày.

Chuẩn sai lượng mưa tại các khu vực phổ biến thiếu hụt từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, riêng khu vực Nam Tây Nguyên có nơi thiếu hụt 30-60mm so với TBNN.

Dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ ít biến đổi; tổng lượng dòng chảy trên các sông thấp hơn từ 10-87% so với TBNN, riêng sông Thu Bồn tại Nông Sơn cao hơn 28%; dòng chảy trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ thấp hơn TBNN từ 15-60%, các sông ở Bình Định và Khánh Hòa ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN khoảng 10%.

Tình hình hạn hán, thiếu nước cục bộ tiếp tục diễn ra tại các tỉnh thuộc Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Hạn hán sẽ làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng; gây khó khăn cho các nhà máy thủy điện trong quá trình vận hành, làm suy giảm, ô nhiễm nguồn nước...

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.