Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ một cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật quy mô nhỏ, điều kiện vật chất thiếu thốn, Trường Chuyên biệt Tương lai từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người, giúp học sinh thiếu may mắn vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai Nguyễn Duy Quy (ngoài cùng, bên phải) nhận bằng khen của UBND thành phố trong phong trào thi đua năm học 2023-2024. Ảnh: THIÊN DUYÊN |
Trường Chuyên biệt Tương lai được thành lập vào ngày 1-12-1994 với tên gọi ban đầu là Trường dạy trẻ khuyết tật Tương Lai, trực thuộc Ban Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng. Đây là ngôi trường dạy văn hóa, rèn luyện các kỹ năng và dạy nghề cho học sinh khuyết tật để hòa nhập cộng đồng. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, các thầy cô nơi đây cho biết, trước đây trường chỉ là một cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Hầu hết thầy cô giáo đều chưa có kinh nghiệm trong dạy dỗ những trẻ em thiếu may mắn, chỉ có lòng nhiệt tình và trách nhiệm.
Đến nay, trường có 2 cơ sở tại số 22 Trần Bình Trọng, quận Hải Châu (dạy mầm non và THCS) và số 88A Huy Cận, quận Cẩm Lệ (dạy học sinh tiểu học). Trong 30 năm phấn đấu, đồng hành cùng trẻ khuyết tật, các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng nỗ lực, đem hết tình thương yêu của mình để chăm sóc, giáo dục các em ngày càng tốt hơn; giúp học sinh tự tin, năng động và tự lập bước vào đời. Nhiều em sau khi học tập ở trường có thể tự lập, kiếm ra thu nhập và lập gia đình, ổn định cuộc sống.
Năm học 2024-2025, toàn trường có 277 học sinh, được biên chế thành 24 lớp ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Các em là những học sinh khuyết tật thính giác, trí tuệ và tự kỷ; đa số là con nhà nghèo và mồ côi cha mẹ. Do đó, công việc của những giáo viên nơi đây có nhiều đặc thù riêng, không giống với những giáo viên khác.
Hơn 11 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Phạm Thị Hà, Tổ trưởng Tổ giáo dục khuyết tật trí tuệ 2 cho biết, học sinh ở đây, em thì không chịu tiếp xúc với ai, em thì quậy phá, có những em chậm nói, không nhận biết những điều xung quanh. Có em đã lên 10 tuổi nhưng như đứa trẻ 1-2 tuổi, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào, kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, tự đi vệ sinh. Giờ học của những lớp học đặc biệt này không đơn thuần chỉ là dạy nghe, nói, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, mà còn là sự kiên nhẫn, nỗ lực của từng giáo viên.
“Mỗi đứa trẻ tại đây có một thế giới riêng, nên giáo viên sẽ phải có “giáo án riêng” để giảng dạy cho từng em. Mỗi khi thấy các em tiến bộ, làm được những điều tưởng chừng đơn giản như biết đọc, tự ăn cơm thôi là chúng tôi vui mừng, hạnh phúc lắm, mọi mệt mỏi, áp lực của công việc đều tan biến”, cô Hà bày tỏ.
Hiện nay, toàn trường có 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên, được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ đặc biệt. Trong đó, nhiều giáo viên gắn bó với trường gần 30 năm, từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn. Thâm niên gần 24 năm gắn bó với trường, 17 năm dạy học sinh khiếm thính, cô Nguyễn Thị Hoài Thu đã xem trường là ngôi nhà thứ hai của mình, và các học sinh ở đây như những đứa con mình dứt ruột sinh ra.
Công việc vất vả, thu nhập không cao, song nhìn cách chị nhẫn nại nhắc nhở các em thực hiện một hoạt động nào đó mới thấy hết được tấm lòng của cô, giống như người mẹ thứ hai của những học sinh kém may mắn. Chị Thu chia sẻ, những ngày đầu đến lớp khá bỡ ngỡ, vì kiến thức sư phạm của mình “không có đất diễn” với những đứa trẻ đặc biệt này. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp và có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các em, cô thực sự yêu công việc này, cố gắng bằng mọi cách để giúp đỡ các em tiến bộ. “Điều may mắn là lãnh đạo, đồng nghiệp ở đây luôn đoàn kết, xem nhau như người một nhà. Mỗi khi ai gặp khó khăn, mọi người đều tận tình hỗ trợ, giúp đỡ hết sức. Chính tình cảm đó đã đưa tập thể nhà trường thành một thể thống nhất, mọi người gắn bó, vượt qua khó khăn, dốc sức vì học sinh thân yêu”, cô Thu bộc bạch.
Trẻ khuyết tật nên phải có cách giáo dục đặc biệt, đi trên con đường đặc biệt. Và muốn thành công, các thầy cô nơi đây luôn phải tìm giải pháp để trẻ có được thành quả trên chặng đường tiếp theo. Theo Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai Nguyễn Duy Quy, các em được học chương trình giáo dục phổ thông 2018, có giảm tải để phù hợp năng lực của học sinh. Đồng thời, được học chương trình giáo dục đặc thù, chú trọng 3 kỹ năng: giao tiếp, xã hội và tự phục vụ.
Công việc giảng dạy học sinh khuyết tật có đặc thù riêng, đòi hỏi mỗi giáo viên phải nỗ lực rất lớn. Vì thế, ban giám hiệu nhà trường luôn động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên cố gắng, dành tình cảm của mình cho học sinh; dù gian nan, vất vả thế nào cũng đặt sự bình yên, an toàn của học sinh lên trên hết.
“Trong 30 năm qua, nhà trường luôn có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân từ thiện động viên thăm hỏi, hỗ trợ vật chất và tinh thần. Tất cả tạo thành động lực để các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên phấn đấu, cống hiến sức lực của mình để chăm sóc, giáo dục học sinh. Bước qua chặng đường 30 năm, hy vọng rằng, ngôi trường vẫn luôn là nơi lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm yên bình, ấm áp của các thế hệ thầy và trò, chắp cánh tương lai cho trẻ khiếm khuyết”, thầy Quy nói.
Trong 30 năm phấn đấu, Trường Chuyên biệt Tương Lai đã đạt nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của các cấp. Từ năm học 2019-2020 đến nay, trường có 3 năm học liên tục được Chủ tịch UBND thành phố công nhận là tập thể lao động xuất sắc; năm học 2022-2023 vinh dự nhận cờ thi đua của UBND thành phố. Nhiều giáo viên của trường được nhận danh hiệu nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu, chiến sĩ thi đua toàn quốc và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. |
THIÊN DUYÊN